Khi nhắc tới cái Tết đang cận kề, chị Hải - người mẹ ở Hà Nội sinh 14 con, chỉ thở dài. Chị ngồi nhẩm tính, mình mới mua được quần áo mới cho 6 đứa.
Từ nhiều năm nay, ngôi nhà nhỏ của chị Đặng Thị Hải ở làng Cổ Bản, phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội vẫn sôi động bởi tiếng nói, tiếng cười, tiếng tranh luận... của hơn 10 đứa trẻ.
Tìm tới làng Cổ Bản hỏi thăm chị Hải sinh nhiều con, những người ở đây cười bảo chúng tôi: “Phải hỏi là chị Năm sinh nhiều con”.
Trong căn nhà nhỏ leo lét ánh đèn điện vào một buổi chiều cận Tết Nguyên đán Đinh Dậu chúng tôi tới thăm gia đình chị Hải – người mẹ sống giữa Thủ đô Hà Nội sinh được 14 người con.
Lúc này, chị Hải cùng với các con đang dùng bữa tối. Có lẽ, bữa tối là khoảng thời gian hiếm hoi cả nhà chị được quây quần bên nhau. Bởi lẽ, các con chị đứa đi làm, đứa đi học, còn chị cũng phải gồng gánh mưu sinh trên cánh đồng quê với nghề mò cua, bắt ốc...
Chị Hải mưu sinh dựa chủ yếu vào đồng ruộng với những buổi mò cua, bắt ốc.
Mang tiếng sống giữa Hà Nội, nhưng căn nhà của gia đình chị Hải lụp xụp, lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng khác trong xóm nhỏ. Ngôi nhà nhỏ vẻn vẹn hơn 30m2 này là nơi che nắng che mưa của chị và đàn con suốt bao năm qua.
Từ cổng vào, chúng tôi đã vướng phải dây phơi quần áo nặng trịch. Mới thoạt nhìn qua, hầu như không ai có thể tưởng tượng được chị và các con lại có thể sinh sống trong căn nhà nhỏ như vậy.
Thấy người lạ và biết là phóng viên đến, lũ trẻ đang ăn cơm nhưng không cho chụp ảnh. Lân la hỏi mới biết, những đứa trẻ lớn nhà chị Hải sợ lên báo nhiều sẽ bị các bạn ở lớp trêu.
Sau vài phút ban đầu tỏ ra dè dặt vì nhà có người lạ, lũ trẻ lại nô đùa như bình thường. Chúng cũng tỏ ra rất thân thiết với chúng tôi. Mấy đứa nhỏ trèo lên lòng người lớn ngồi, cảm giác như lâu lắm chúng không được bế ẵm.
Những đứa trẻ ban đầu sợ chụp ảnh nhưng chỉ sau một lúc thân thiện chúng lại sà vào lòng người lớn như muốn được ẵm bồng.
Chị Hải cho biết, ngôi nhà của chị được dựng từ năm 1995, bên trong căn nhà không có vật gì giá trị ngoài chiếc ti vi cũ cho các con xem, một bàn thờ ở chính giữa ngôi nhà và chiếc tủ quần áo.
Mới 48 tuổi nhưng chị Hải bảo, bao nhiêu năm qua chị chưa biết tới bộ quần áo mới. Chồng chị vừa mất hồi tháng 3/2016 sau gần 10 năm chống chọi với bệnh tật. Ngoài ra, đứa con út sinh năm 2013 của chị cũng mất 2 năm trước do bị bệnh não.
Chị Hải cho hay, con lớn nhất của chị đã 27 tuổi và con bé nhất của chị mới lên 3. Tuy nhiên hiện tại, nhà chị chỉ có 4 con đang đi học (2 con đang học lớp 3, 2 con đang học lớp 5).
Ở cái tuổi 48, chị cũng khoe có 5 con đã xây dựng gia đình và ra ở riêng. Bản thân chị đã được lên chức bà nội, bà ngoại. Hiện tại, trong số những đứa trẻ đang quây quần bên mâm cơm có cả 4 đứa cháu cả nội, cả ngoại của chị. Chính vì thế, quân số trong nhà lúc nào cũng đông đúc.
Chị Hải cho biết, cuộc sống gia đình riêng của những đứa con đã lập gia đình của chị cũng không dư dả. Thậm chí có người con của chị hạnh phúc không tròn đầy nên những nỗi vất vả vẫn cứ đeo bám, đè nặng đôi vai gầy của người phụ nữ nghèo đông con.
Mọi gánh nặng kinh tế đè nặng lên đôi vai gầy của chị.
Khi nhắc tới tuổi 48 của mình, giọng chị Hải trầm buồn: “Tôi già lắm phải không, nhìn cứ như bà lão 60 tuổi ấy. Ai cũng bảo thế. Cuộc sống cơ cực tàn phá con người ta ác quá”.
Khi được hỏi về những nỗi lo cả ở hiện tại và tương lai, chị Hải bảo đó là gánh nặng kinh tế, là sự trưởng thành trước mắt của các con.
“Từ nhiều năm nay chồng tôi đã không làm được gì, nhưng dù sao có người đàn ông trong nhà cũng là có trụ cột, đỡ cho tôi phần chăm con, chăm cháu để tôi chuyên tâm đi làm.
Từ ngày chồng mất, tôi lại hay đau ốm nên cũng không làm được nhiều. Thời gian tới, khi các dự án được xây dựng trên nền đất gia đình tôi đang canh tác, hơn 10 miệng ăn của gia đình tôi không biết sẽ thế nào? Tôi luôn thầm mong chúng sẽ nên người, tránh xa được những cám dỗ của xã hội nhưng cuộc sống có ai nói trước được điều gì”, chị Hải thở dài.
Khi nhắc tới cái Tết đang cận kề, chị Hải chỉ thở dài. Chị ngồi nhẩm tính, mình mới mua được quần áo mới cho 6 đứa.
Thấy nói đến quần áo, đứa con nhỏ nhất của chị lon ton đem ra khoe chiếc áo khoác mới được mẹ mua cho và nhất định không chịu cởi ra khi được mẹ mặc thử.
“Tôi còn đang mải đi làm chạy ăn từng bữa cho các con nên chưa có thời gian đi chợ mua đồ gì cho Tết. Năm nay, tôi cũng không mua gì nhiều, chỉ cố gắng sao cho các con có một cái Tết đầy đủ là tốt lắm rồi”, chị Hải tâm sự.
Với người phụ nữ này, năm nay cũng là cái Tết đầu tiên mẹ con chị vắng bóng chồng, bóng cha: “Tôi chẳng đi đâu được cả, năm ngoái chồng ở nhà quản lý các con cho còn có thời gian đi chợ. Năm nay đi làm xong là tôi phải nhanh về với các con xem chúng tắm giặt, cơm nước vì tối mà mấy đứa nhỏ không nhìn thấy mẹ chúng cũng tủi thân”.
Những ngày giáp Tết nhưng trên ban thờ vẫn còn trống trơn
Chị Hải còn chia sẻ thêm, thời gian gần đây có sư thầy tới nhà giúp đỡ và ngỏ ý nếu gia đình không có kinh tế nuôi các con thì có thể gửi lên nhà chùa. Nhưng “máu mủ ruột thịt”, dù khó khăn tới mấy, chị Hải bảo cũng sẽ cố gắng nuôi con cho dù không thể cho các con cuộc sống đủ đầy như nhiều đứa trẻ khác.
Trao đổi với ông Nguyễn Đắc Tiến, Tổ trưởng tổ dân phố số 2 (phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội) chúng tôi được biết, gia đình chị Hải có đông con, tổng cộng là 14 người con và còn nuôi thêm cháu nội, ngoại. Hiện chị một mình nuôi con. Chồng chị Hải đã mất vì bệnh ung thư nên gia đình chị hết sức khó khăn.
Cũng theo ông Tiến, gia đình chị Hải là hộ nghèo từ nhiều năm nay. Hàng tháng chị Hải nhận được một khoản hỗ trợ là 700 nghìn đồng.