Thừa hưởng một tài khoản khổng lồ của gia đình cộng với “bí quyết” kinh doanh trời cho, bà Phát đã tạo cho mình một tài khoản “ngầm” lên tới 1.000 tỷ mà nhìn từ bên ngoài ít ai có thể nhận ra.
Căn nhà nhỏ của chủ vựa bún Thạch Kim Phát (hay còn gọi tên Năm Lũng) nằm trên đường Tô Hiệu, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM. Nhìn bề ngoài căn nhà nhỏ hẹp, cổng sắt thô sơ, ít ai có thể ngờ được đây lại từng là nơi sinh sống của một đại gia “ngầm” đất Sài thành, với khối tài sản để lại khi qua đời được định giá lên đến 1.000 tỷ đồng.
Đại gia bún và bất đất sản ở Sài Gòn
Bà Thạch Kim Phát sinh ra trong một gia đình có 10 người anh em. Bà lập nghiệp bằng nghề làm bún gia truyền, có thương hiệu bún Phúc Kiến. Loại bún khô này nổi tiếng khắp Sài Gòn lúc bấy giờ. Việc kinh doanh của bà Phát cứ thế tiến triển và làm ăn ngày càng thịnh vượng, lan rộng ra nhiều nơi trong và ngoài nước, bà Phát bỏ mối bún, nui khô dọc các tỉnh từ Bắc vào Nam.
Nơi sống của đại gia ngầm có 1.000 tỷ ở đất Sài Gòn.
Không chỉ sản xuất, kinh doanh bún mà khi đã có tiền, bà Phát lấn sân kinh doanh bất động sản từ những năm cuối thập niên 80. Bà mua toàn những lô đất rộng hàng chục nghìn mét vuông mà không bán ra mảnh nào trong suốt mấy chục năm, rồi xây phòng trọ, nhà xưởng cho thuê. Rồi khi đất đai có giá, người ta đổ về Sài Gòn làm ăn khiến nghiệp buôn bất động sản của bà phát đạt như “diều gặp gió”.
Người ta nhẩm tính, tiền cho thuê hàng chục lô đất làm nhà xưởng và hàng trăm phòng có thể tạo ra thu nhập hàng tỷ đồng/tháng cho bà. Khi kiếm được 8 đồng, thay vì tiêu xài và tích lũy thì bà bà Phát đi vay mượn thêm 2 đồng để chẵn một chục, chấp nhận sống kham khổ với nợ nần để tích lũy tài sản, tăng dần trong nhiều năm.
Bà Phát mặc áo nâu, đeo kính đang chúc rượu mọi người.
Bà Phát có tính cách quyết đoán như một người đàn ông, ý chí và đầu óc kinh doanh, làm giàu của bà cũng là một giai thoại. Bà cực kỳ chăm chỉ, lúc nào cũng làm việc quần quật, không nghỉ ngơi hay đi du lịch, mà chính xác là người tham công tiếc việc để làm giàu.
Thương con nuôi như con đẻ
Thế nhưng bà Phát lại sống rất giản dị và kín tiếng, thời điểm bấy giờ người ta chỉ biết đến loại bún Phúc Kiến nổi tiếng, còn ít ai biết được chủ nhân của nó là ai và giàu cỡ nào? Người ta thường thấy bà Phát đi đôi dép nhựa sờn, chạy chiếc xe Dream lùn cũ và mặc bộ quần áo cũng cũ mèm.
Chân dung con gái nuôi của bà Phát.
Không chỉ vậy, bà Phát còn sống đơn thân nhiều năm, không chồng con. Nhớ lời mẹ bà dặn “con không lấy chồng, nếu có nhận con nuôi thì hãy nhận đứa trẻ nào có cùng ngày tháng sinh với mẹ để việc kinh doanh ngày càng thuận lợi”.
Vào năm 1987, muốn có một đứa con để ẵm bồng, bà vào bệnh viện Hùng Vương để xin nhận nuôi một trẻ bị bỏ rơi, đó là chị Thạch Hà Huệ Lan. Mãi đến năm 20 tuổi, năm 2007, Huệ Lan mới được nhận là con nuôi hợp pháp trên giấy tờ của bà. Mặc dù là con nuôi nhưng bà Phát chăm sóc chị Lan hơn con đẻ. Hằng ngày dù bận việc đến mấy, bà vẫn chạy chiếc xe máy, hoặc chạy xe ô tô đưa đón con đi học.
Học hết lớp 11, bà cho con gái đi du học tại Đức, chuyên ngành luật để khi ra trường sẽ hỗ trợ bà trong việc kinh doanh. Mmột số người từng tiếp xúc với Huệ Lan cho biết cô gái này có dáng người nhỏ nhắn, cá tính, rất thông minh, nhạy bén và đặc biệt là nói được 4 thứ tiếng gồm Đức, Anh, Pháp và Trung Quốc.
Những tháng ngày đi du học, mặc dù hai mẹ con cách xa nhau gần nửa vòng trái đất nhưng cứ rảnh là hai mẹ con lại tâm sự với nhau qua điện thoại và qua nick chat. Ngày 10/3/2011, bà Phát đi ngủ thì thấy khó chịu trong người, được một lúc thì bà qua đời ở tuổi 66, khi chưa kịp ghi di chúc về những tài khoản mà mình có. Thạch Hà Huệ Lan tức tốc bay về Việt Nam chịu tang. Sau đám tang, cô và người thân trong gia đình mới biết mẹ nuôi để lại số tài sản trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.
Hội đồng gia tộc tìm thấy nhiều vàng, kim cương, tài khoản ngân hàng, một lượng lớn tiền mặt, 19 cuốn sổ tiết kiệm có tổng giá trị hàng triệu USD, hàng chục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai, nhà xưởng đang được cho thuê trên địa bàn quận Tân Phú, tỉnh Bình Dương và Tây Ninh. Huệ Lan hoàn toàn được hưởng số tài sản trên theo quy định của pháp luật, nhưng chuyện thừa kế này lại mang đến cho cô hàng loạt rắc rối.
Cuộc tranh chấp tài sản kéo dài
Năm 2012, em trai bà Phát đại diện cho 6 anh em ruột trong nhà đứng tên khởi kiện Huệ Lan đòi lại căn nhà cùng đất ở tại địa chỉ 110/1 đường Tô Hiệu, quận Tân Phú có diện tích gần 3.000 m2. Theo lời người này, mảnh đất này là do mẹ ông mua từ thời chế độ cũ, đến năm 1987 do già yếu nên giao lại cho bà Phát đứng ra quản lý, trông coi chứ không thuộc quyền sở hữu của bà Phát.
Tài sản tiền gửi của bà Phát lúc bấy giờ.
Dù vậy, vụ việc bị đình chỉ thi hành án do tranh chấp di sản thừa kế hết hiệu lực, đồng thời bà Phát đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất ở. Ngoài vụ kiện này, 2 người anh em khác của bà cũng có đơn yêu cầu Huệ Lan trả lại lần lượt 90.000 euro và 100.000 USD, do họ hùn vốn làm ăn với bà Thạch Kim Phát lúc sinh thời.
Vấp phải sự vụ này, Huệ Lan đóng cửa ở trong nhà vì sự bàn tán của dư luận. Cô chấp nhận hòa giả của TAND TP.HCM, đồng ý trả lại số tiền cho hai người cậu nuôi như cam kết trước tòa. Kể từ đó, Huệ Lan gần như “biệt tăm”, không hề lộ diện. Có tin sau khi giải quyết tranh chấp, cô đã đem theo phần tiền còn lại và định cư ở nước ngoài.
Mộ phần của bà Phát lúc bấy giờ.
Trước khi “biệt tăm biệt tích”, Thạch Hà Huệ Lan đã lo liệu chu toàn cho hậu sự của mẹ. Mộ phần của bà được đặt tại Tây Ninh, trong một phần đất rộng của Tòa Thánh của đạo mà bà theo. Khoảng đất được mua với giá 275 triệu, riêng tiền xây mộ là 2,3 tỷ, có người chăm sóc mỗi ngày.
Bà Thạch Kim Phát qua đời đã 10 năm nhưng câu chuyện về cuộc đời bà vẫn không ngừng được CĐM tìm kiếm trên MXH. Nhiều người tấm tắc, ngả mũ kính phục người “nữ cường” có đầu óc kinh doanh, tích lũy và có chiến lược bài bản để trở thành đại gia nghìn tỷ.