Có lòng tốt nhặt được của rơi trả người đánh mất, nhưng chính hành động này khiến cô Tựa không ít lần bị nghi ngờ là kẻ ăn cắp.
60 triệu không giúp thay đổi cuộc đời nhưng có thể giữ lại sự sống
Cô Hà Thị Tựa (58 tuổi, ở Hải Dương) là người đang rất “nổi tiếng” tại Bệnh viện Phổi Trung ương, từ các nhân viên y tế, đến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân dường như ai cũng biết đến cô, mặc dù cô chỉ là một lao công bình thường.
Gặp cô Tựa trong khuôn viên bệnh viện, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi ai đi qua cũng gửi lời chúc mừng, rồi bắt tay hỏi han… Hỏi ra mới biết, cô vừa được giám đốc bệnh viện tặng giấy khen, tuyên dương toàn viện vì đã có hành động “nhặt được của rơi, trả người đánh mất”.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung tặng giấy khen, tuyên dương cô Hà Thị Tựa vì có hành động nhặt được của rơi, trả người đánh mất.
Cô Tựa cho biết trong khoảng 10 ngày gần đây, trong quá trình dọn dẹp vệ sinh tại khoa Hồi sức tích cực, 2 lần cô nhặt được túi xách của người nhà bệnh nhân, trong đó có tổng hơn 60 triệu đồng.
Theo lời kể của người phụ nữ này, chiếc túi đầu tiên cô nhặt được trong khu nhà vệ sinh, khi đó cô còn nghĩ chắc kẻ gian ăn trộm rồi vào nhà vệ sinh lấy tài sản, vứt bỏ lại túi và giấy tờ.
“Do nhiều lần nhặt được giấy tờ tương tự như vậy nên tôi mở chiếc túi ra xem, đập vào mắt tôi là một cục tiền to khiến tôi giật mình, đứng trong yên lặng mất mấy giây. Chẳng kịp kiểm đếm, tôi vội chạy ra ngoài thì không thấy ai qua lại ở hành lang để hỏi.
Tay run run cầm chiếc túi, tôi vào phòng trực của khoa kể lại đầu đuôi câu chuyện với bác sĩ, chỉ khi mở túi ra xem bác sĩ mới tin đó là sự thật. Sau đó, sự việc được báo đến lãnh đạo khoa và may mắn tìm trả lại người đánh mất. Tổng số tiền được kiểm đếm sau đó tôi được biết là 30 triệu đồng”, cô Tựa kể lại.
Cô Tựa thuật lại lúc nhặt được chiếc túi có 30 triệu đi tìm người bị mất.
Lần nhặt được đồ thứ 2 mới xảy ra cách đây vài ngày, trong khi dọn dẹp phòng trên giá dép trước cửa phòng điều trị cô Tựa thấy một chiếc túi đen. Quá trình làm việc cô để ý không thấy chủ nhân đến lấy túi, nghi ngờ có người đánh rơi cô Tựa cầm chiếc túi ra trước cửa giơ cao trên tay và nói: “Túi đồ này của ai bị bỏ quên ở đây”.
Một người phụ nữ đôi mắt đỏ hoe đứng lên nhận đó là túi của mình bỏ quên, sự việc được mọi người xác minh chính xác và kiểm đếm trong túi ngoài giấy tờ còn có 31 triệu đồng.
Cô Tựa cho biết, 60 triệu không làm thay đổi cuộc đời cô nhưng có thể cứu sống được mạng người.
Như vậy, chỉ trong vài ngày cô Tựa đã 2 lần nhặt được đồ của người nhà đánh rơi, với số tiền trên 60 triệu nhưng cô đã tìm cách để trả lại người đánh mất. Khi hỏi vì sao một người lao công, với mức lương không cao, nhặt được tiền nhưng vẫn quyết trả lại? Cô Tựa đáp lại rằng: “Lương tâm tôi không cho phép làm vậy. 60 triệu cũng lớn lắm, nhưng nó không làm thay đổi cuộc đời tôi, thay vào đó số tiền đó có thể sẽ giữ lại được mạng sống của người bệnh”.
Chị Nguyễn Thị Kim Thư (một trong hai người mất ví, đang chăm bố tại bệnh viện Phổi Trung ương) chia sẻ, nếu không có cô Tựa thì gia đình chị không biết sẽ xoay xở ra sao vì số tiền trong túi là cả gia đình gom góp để điều trị bệnh cho bố.
Cô Tựa và hai người nhận được đồ
“Trong lúc thay quần áo người nhà để chăm sóc bố đang bị bệnh nặng, đầu óc tôi rối bời, thay quần áo xong cũng không để ý, đi ra luôn, bỏ quên cái túi xách có toàn bộ giấy tờ và hơn 30 triệu tiền mặt.
May một lúc sau được y bác sỹ bệnh viện Phổi Trung ương và cô tựa chạy ra tìm, hỏi thăm xem có ai quên túi, mất đồ không và túi đồ cùng giấy tờ vẫn nguyên vẹn về với tôi. Xin cảm ơn cô Tựa rất nhiều”, chị Thư xúc động.
Có người bảo tôi ngu chê tiền, thậm chí bị đổ tiếng oan vì trả lại đồ nhặt được
Sau khi nhặt được số tiền lớn, cô Tựa đã kể lại câu chuyện này với nhiều người từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp… Khi kể câu chuyện với chồng, chồng cô nói rằng đó là việc nên làm, vì đó không phải tiền mình làm ra bằng sức lao động của bản thân.
Tuy nhiên, có người khi nghe xong câu chuyện vội thốt lên: “Sao ngu thế, dại thế. Sao lại chê tiền chứ”. Nghe xong những lời đó, cô Tựa chỉ nhẹ nhàng nói rằng: “Mình mất có 20 nghìn mà còn bứt rứt, đứng ngồi không yên. Thử đặt vào địa vị như họ mất số tiền 30 triệu đồng thì sẽ ra sao”.
Dù còn khó khăn nhưng cô Tựa không tham lam trước tài sản của người khác.
Việc nhặt lại của rơi trả người đánh mất là rất đáng trân trọng, tuy nhiên cũng có không ít lần cô Tựa rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười cũng chỉ vì lòng tốt của mình.
Trước đây, khi còn làm công việc dọn vệ sinh tại Bệnh viện Xanh Pôn, cô Tựa cũng có lần bị oan, trong lúc dọn dẹp thùng rác cô có nhặt được 1 chiếc ví trong đó chỉ có giấy tờ, không có tiền. Sau đó cô Tựa đưa cho các y bác sỹ của bệnh viện, họ cũng thông báo và có người tới nhận, ngay khi nhận lại ví họ thấy không còn tiền, còn bảo cô lấy cắp ví của họ.
Có những lúc làm việc tốt cô Tựa đã bị đổ tiếng oan.
“Tôi không biết nói gì và cứ ngẩn người ra, may là các y bác sỹ, nhiều người nhà đứng ra làm chứng cho tôi là tôi nhặt ở thùng rác khi đang dọn rác nên mọi chuyện mới dừng lại”, cô Tựa chia sẻ.
Sau lần đó cô Tựa cũng định bụng thôi không tiếp tục làm vậy nữa. Nhưng về sau nghĩ lại, vì lương tâm không cho phép, nên trong quá trình làm việc khi nhặt được đồ đánh rơi cô tiếp tục tìm cách trả lại cho người bị mất.
Hai vợ chồng nằm đất, nhường giường cho người xa lạ
Không chỉ có chuyện nhặt được của rơi, trả người đánh mất, một đồng nghiệp của cô Tựa còn cho biết gần 20 năm làm trong công ty dọn dẹp vệ sinh đã chứng kiến không ít lần cô Tựa hết lòng giúp đỡ đồng nghiệp, thậm chí là người xa lạ.
Cách đây vài năm trong quá trình làm việc, cô Tựa thấy một cô gái trẻ ôm mặt ngồi ngoài vỉa hè khóc lóc, khi hỏi chuyện cô mới biết do cô gái bị thủy đậu nên đồng nghiệp đuổi không cho ở cùng vì sợ lây.
Cô Tựa sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn hơn mình mọi lúc, mọi nơi.
Nghe xong câu chuyện, cô Tựa thấy thương nên đã bảo cô gái trẻ về phòng mình ở, dù nơi ở của cô rất chật hẹp. “Do chẳng còn nơi nào đi cô gái theo tôi về phòng, tại đây do mắc thủy đậu, mà phòng chỉ có một chiếc giường nên vợ chồng tôi nằm đất, nhường giường cho cô gái ấy ở”, cô Tựa kể lại.
Sau đó, cũng chính cô gái này lại mắc ung thư vòm họng, không có tiền điều trị nên cầu cứu đến vợ chồng cô. Cô Tựa khi đó suy nghĩ rất nhiều, vì giúp về chỗ ở thì được, còn về tiền thì thật sự rất đắn đo vì nhà cửa cô gái kia không biết ở đâu, mà kinh tế cũng chẳng dư giả gì.
Với công việc cô Tựa luôn hoàn thành và là tấm gương cho mọi người noi theo.
Suy nghĩ hồi lâu cô Tựa bàn với chồng và quyết định giúp đỡ cô gái này 3 lần, với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. “Sau đó, bố mẹ cô gái từ Tuyên Quang xuống gom góp đủ số tiền trả vợ chồng tôi, quả thật khi cho vay tôi cũng nghĩ đến trường hợp rủi ro nhưng cứu người là quan trọng, nên cũng chẳng nghĩ gì nhiều”, cô Tựa tâm sự.