Nữ tình báo miền Tây xinh đẹp, giỏi giang và cuộc đời đầy gian truân nhưng không kém phần vẻ vang

NGỌC HÀ - Ngày 02/11/2022 16:20 PM (GMT+7)

Ít ai biết rằng người đẹp Tây Đô lại có một cuộc đời đầy gian truân nhưng không kém phần vẻ vang.

Lâm Thị Phấn (SN 1918) là một nữ tình báo viên nổi tiếng tại Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương và Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuộc đời của bà đã được nhà văn Trầm Hương viết thành tiểu thuyết mang tên “Người đẹp Tây Đô” rồi được chuyển thể thành phim cùng tên.

Nữ tình báo được xem là hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam tự giải phóng bản thân với phương châm: "Việc gì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng làm được”. Song ít ai biết rằng bông hồng đẹp và tài năng lại có một cuộc đời đầy gian truân nhưng không kém phần vẻ vang.

Cô gái Tây Đô xinh đẹp và giỏi giang

Bà Phấn có tên khai sinh là Lâm Thị Élise, tên thường gọi ở nhà là Phấn, sinh ra trong một gia đình học thức, danh giá của dòng họ Lâm tại Cần Thơ thời bấy giờ. Cha của bà là ông Lâm Văn Phận – một đại điền chủ nổi tiếng, hiệu trưởng trường Taberd Cần Thơ (nay là trường Châu Văn Liêm của TP.Cần Thơ). Sau năm 1945, ông tham gia kháng chiến và từng giữ chức Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Cần Thơ, cùng với những học trò cưng của mình là Châu Văn Liêm, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Hưởng.

Bà Phấn có tên khai sinh là Lâm Thị Élise, tên thường gọi ở nhà là Phấn.

Bà Phấn có tên khai sinh là Lâm Thị Élise, tên thường gọi ở nhà là Phấn.

Thuở nhỏ, bà Phấn theo học tại trường Taberd Cần Thơ và lấy bằng tú tài tại đây. Đáng nói bà chính là hoa khôi của trường lúc đó bởi sở hữu ngoại hình lý tưởng: cao 1m7, khuôn mặt sắc sảo…Vì thế người ta đã đặt cho bà cái tên thật thân thuộc “Người đẹp Tây Đô”.

Thời thiếu nữ, bà Phấn được gia đình sắp đặt kết hôn với một người họ hàng của công tử Bạc Liêu, là cháu đích tôn của bá hộ, người được xem là vua lúa gạo Nam Kỳ thời bấy giờ. Gia đình họ luôn mong chờ với sự thông minh và nhanh nhẹn, bà sẽ quán xuyến công việc của dòng tộc, cũng như “cảm hoá” đứa con trai quanh năm suốt tháng chỉ biết ăn chơi trác táng.

Tính cách thích hưởng lạc và ăn chơi của chồng đã khiến bà Phấn vô cùng khó chịu. Cả hai thường xảy ra nhiều bất đồng trong cuộc sống hôn nhân. Đây chính là lý do họ nhanh chóng tiến tới ly hôn.

Sau khi độc thân, “Người đẹp Tây Đô” với tư tưởng giải phóng phụ nữ, giải phóng người nghèo và lòng yêu nước đã thoát ly khỏi gia đình, tham gia hoạt động trong phong trào Phụ nữ Cứu Quốc. Bà hoạt động tích cực, vận động xây dựng nên Hội phụ nữ huyện Giá Rai (Bạc Liêu) và sau đó được bầu làm Hội trưởng Phụ nữ Cứu quốc huyện Giá Rai.

Bà Phấn những ngày còn trong hàng ngũ chiến đấu. (Ảnh: Tư liệu)

Bà Phấn những ngày còn trong hàng ngũ chiến đấu. (Ảnh: Tư liệu)

Nhờ ngoại hình xinh đẹp, lại có trình độ học vấn cao, bà được quân đội Pháp đặt biệt danh là Thần Vệ Nữ phương Đông. Bà dễ dàng chiếm được sự tin yêu của quân địch. Sau đó bà được tin tưởng giao nhiệm vụ trở lại nội thành Cần Thơ xây dựng đội ngũ điệp báo (tức hoạt động trong lòng địch). Tại đây, bà có những đóng góp thầm lặng nhưng rất vẻ vang, giúp quân và dân ta nhiều lần xoay chuyển tình thế, chống trả quân địch.

Bà Phấn đã cảm hóa lòng yêu nước của một người Quan hai Phòng nhì Pháp là ông Trần Hiến. Sau đó 2 người lấy nhau để dễ hoạt động theo yêu cầu của tổ chức rồi trở thành vợ chồng thật. Sự kết hợp này tạo nên tên tuổi, sự nghiệp và những chiến công vang dội của bà.

Tích cực hoạt động cách mạng, 15 năm mới được gặp con gái ruột

Tháng 12/1954, vợ chồng bà Phấn tập kết ra Bắc theo hiệp định Genève rồi sinh ra một người con gái tên Trần Hồng Hạnh. Trong thời gian này, bà lấy bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế và Đại học Tình báo tại Liên Xô.

Tháng 10/1962, bà Phấn tạm biệt chồng và con gái 2 tuổi để quay lại miền Nam hoạt động tình báo. Bà được giao nhiệm vụ phụ trách hoạt động tình báo trong đội ngũ đầu não cao cấp nhất trong chính quyền Sài Gòn. Bởi bà có người em ruột là Thiếu tướng Lâm Văn Phát đang giữ chức vụ Tổng trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ.

Vợ chồng bà Phấn.

Vợ chồng bà Phấn.

Sau khi miền Nam được giải phóng, bà Phấn được điều về Quân khu 9, đồng thời được gặp lại con gái của mình sau 15 năm xa cách. Chị Hạnh – con gái bà từng chia sẻ về thời điểm gặp lại mẹ: “Tôi bạo dạn tới gần hỏi: Bác có phải là mẹ của cháu không?. Người phụ nữ xinh đẹp ấy thoáng chút bỡ ngỡ, chậm rãi bước đến gần và nhìn tôi. Mẹ hỏi tôi rằng: cháu tên gì, mẹ cháu tên gì, cháu ở với ai?”

Và khi đã xác minh được chính xác đứa con gái ruột của mình đang đứng trước mặt, “Người đẹp Tây Đô” vội vàng ôm con gái vào lòng và khóc nức nở và nói trong nghẹn ngào rằng: “Bác là mẹ của con đây”.

Sau hôm hội ngộ ấy, bà Phấn dẫn con gái theo đoàn quân giải phóng vào tiếp quản miền Nam Việt Nam. Bà đã đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng phòng chính sách quân khu 9, trưởng phòng kinh tế quân khu 9. Bà về hưu năm 1984 với quân hàm Thiếu tá và mất tại căn nhà bà đã sinh ra và lớn lên tại thành phố Cần Thơ vào năm 2010.

Cuộc đời của nữ tình báo xinh đẹp Lâm Thị Phấn đã là nguồn cảm hứng để nhà văn Trầm Hương viết cuốn tiểu thuyết “Người đẹp Tây Đô”. Sau này cố đạo diễn Lê Cung Bắc đã chuyển thể tiểu thuyết thành phim cùng tên – bộ phim làm nên tên tuổi của diễn viên Việt Trinh, Hồng Ánh.

Mỹ nhân Hà thành nổi tiếng một thời: Tiểu thư nhà giàu, thông minh hơn người và cách nuôi dạy con đáng ngưỡng mộ
Đến tuổi trăng tròn, tiểu thư Hà thành càng ngày càng ra dáng một thiếu nữ xinh đẹp khi có gương mặt trái xoan, đôi mắt to tròn đen láy, làn da trắng ngần.

Những nhan sắc một thời

NGỌC HÀ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những nhan sắc một thời