Rất nhiều phụ huynh khi nghe tin con bị xâm hại tình dục không giữ được bình tĩnh, chính điều đó đã vô tình làm tổn thương con trẻ hoặc xóa mất chứng cứ quan trọng tố cáo tội phạm.
Theo các chuyên gia, khi trẻ bị xâm hại tình dục, thời gian 24 giờ đầu tiên được coi là “thời gian vàng” để giải quyết mọi vấn đề, trong đó có vấn đề tâm lý và chứng cứ tố cáo. Nếu trong khoảng thời gian đó, phụ huynh can thiệp sai thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý trẻ.
Việc phát hiện trẻ bị xâm hại càng sớm, thì có càng nhiều cơ hội và căn cứ pháp lý để đưa “kẻ ác thú” ra ánh sáng. Bởi, sau 24 giờ những bằng chứng nơi xảy ra sự việc sẽ bị nghi phạm xóa dấu vết, thậm chí là những vết tích trên người trẻ cũng không còn.
Khi trẻ bị xâm hại tình dục, 24 giờ đầu tiên là vô cùng quan trọng để thu thập chứng cứ.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Luật sư Lê Văn Luân (Văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long), cho biết, để khởi tố vụ án dâm ô trẻ em hay bất cứ tội nào về xâm hại tình dục trẻ em là rất khó bởi đòi hỏi phải có đầy đủ cơ sở pháp lý, các chứng cứ”.
Cơ quan điều tra phải dựa vào những chứng cứ vật chất thu giữ được tại hiện trường như quần áo, mẫu vật ADN, chứng minh gây tổn thương bộ phận sinh dục, tổn thương trên người… để có cơ sở xác định đối tượng đã có hành vi dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em.
Tuy nhiên, rất nhiều vụ án buộc phải đình chỉ, không khởi tố vì chứng cứ vật chất quá “yếu”. Trong trường hợp sự xâm hại không để lại hậu quả, chưa giao cấu được thì càng khó xử lý
Nhiều gia đình do nghi ngại, xấu hổ không trình báo ngay sau khi sự việc xảy ra. Sau thời gian dài (nhiều tuần, nhiều tháng) họ mới có đơn tố cáo nhưng khi đó các chứng cứ tại hiện trường không còn, tổn thương của cháu bé cũng bị xáo trộn. Từ đó, việc thu thập các mẫu vật của các cơ quan điều tra trong trường hợp này cũng rất khó.
"Một khi chứng cứ vật chất “yếu” khó có thể khởi tố. Cơ quan điều tra phải căn cứ vào những chứng cứ thu giữ tại hiện trường để chứng minh hành vi phạm tội chứ không thể vì áp lực dư luận mà vội vã xử lý vụ việc", luật sư Luân khẳng định.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh) nhận định, cha mẹ thường rất cuống, mất bình tĩnh, không biết phải làm gì ngay lập tức khi phát hiện con bị xâm hại.
Trong lúc không giữ được bình tĩnh, người lớn thường dồn ép trẻ với những câu hỏi: Ai làm con ra nông nỗi này? Sao con không kêu lên? Sao con không chạy ra ngoài?...tất cả những điều đó sẽ khiến trẻ bị rối loạn, hoảng sợ và thậm chí là không dám nói gì hoặc nói dối để khỏi bị mắng mỏ. Trẻ vì thế mà càng bị tổn thương tâm lý nặng nề hơn.
Bênh cạnh đó, nhiều trường hợp cha mẹ nôn nóng làm vuột mất chứng cứ tố cáo, nhiều tên "yêu râu xanh" nắm được "điểm yếu" này đã đe dọa ngược trở lại.