Chỉ là những câu nói vu vơ, thấy gì nói nấy của bạn cùng lớp nhưng ngay từ khi mới học mẫu giáo nhiều em nhỏ đã cảm thấy tự ti vì mình không có váy đẹp, bố mẹ không có xe to như các bạn.
Tự ti khi hòa nhập tập thể
Đã kết thúc một năm học nhưng chị Phạm Mai Lan (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn chưa thể thở phào nhẹ nhõm với cô con gái mới học lớp mẫu giáo bé của mình. Học kỳ 1 không sao nhưng bắt đầu sang học kỳ 2, mỗi buổi sáng đi học chị phát cáu con vì không chịu mặc quần áo theo ý mẹ. Lôi ra bộ nào bé Minh Hà, con gái chị cũng đẩy ra và đòi phải mặc váy. Đã vậy, khi chọn được chiếc váy yêu thích, con còn hỏi chị: "Con mặc váy này đẹp không mẹ. Có sợ các bạn chê xấu không?".
Rồi một lần trên đường đưa con đi học, chị Lan lại chột dạ khi bé Minh Hà thỏ thẻ: "Mẹ sắp mua ô tô chưa mẹ? Bạn Diệp Chi được đi ô tô đến lớp".
Mặc dù con gái mới 4 tuổi nhưng chị Mai Lan bắt đầu cảm thấy lo ngại khi con gái cảm thấy mình thua kém bạn bè váy đẹp, xe xịn vì với đồng lương còm cõi của nhân viên văn phòng, ngay cả chuyện sở hữu một căn nhà cũng đang là niềm mơ ước của vợ chồng chị.
Cùng chung cảm xúc, chị Nguyễn Thanh Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) phải giảm bớt công việc để thường xuyên ở bên con. Chẳng là trong một lần dọn dẹp bàn học của con trai Tuấn Nam, học lớp 8, chị phát hiện trong vở của con chị có một đoạn tâm sự nội dung vô cùng chán nản. Đoạn viết nói về chuyện Tuấn Nam con chị bị mấy bạn nhà giàu đối xử như "rác rưởi", khinh rẻ, "tội cho kiếp nghèo"...
Câu chuyện không chỉ dừng lại ở những đứa trẻ, ngay cả phụ huynh cũng vô tình hoặc cố ý "tiếp tay" cho sự chênh lệch này. Cô Nguyễn Thị Thu Huệ, hiệu trưởng trường mầm non tư thục Baby, quận Tân Bình, TP.HCM nhớ lại một lần phụ huynh gặp trực tiếp mình để đề nghị nhà trường có chế độ đặc biệt với con. "Phụ huynh này nói thẳng luôn là muốn trả tiền gấp đôi để các cô chăm sóc riêng cho con nhưng tôi đã từ chối ngay lập tức", cô Huệ quả quyết.
Học sinh bình đẳng như nhau
Theo thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh, chuyện phân biệt giàu nghèo trong trường là chuyện thường tình qua mọi thế hệ. Chỉ có điều hiện nay người ta đề cao quá vai trò của vật chất kiểu như "Bạn sẽ tự tin hơn nếu bạn có..."; "Bạn sẽ nổi bật giữa đám đông nếu bạn có..."
Bên cạnh đó, học sinh lại không được rèn luyện bản lĩnh vì các em được nâng niu quá nên không đủ vững mạnh vượt qua những thị phi cuộc sống.
"Đứa trẻ nào đến trường cũng đều bình đẳng về học hành và sự quan tâm của các cô", cô Nguyễn Thị Thu Huệ đưa ra quan điểm của nhà trường. Cũng theo cô Huệ, ngay đầu tiên phụ huynh phải chấp nhận cách dạy của nhà trường thì mới nhận học sinh vào học. "Bé sẽ được tôn trọng, tự do phát triển theo sở thích nhưng phải tự mặc quần áo, tự mang giày dép, tự ăn tự ngủ, 'thưa dạ' được đặt lên hàng đầu", cô Huệ chia sẻ.
Sau khi bị từ chối và được giải thích, vị phụ huynh đề nghị nhà trường chăm sóc riêng cho con đã thay đổi suy nghĩ và quyết định cho con theo học.
Một Confessions - lời tự thú, đã thổ lộ nỗi băn khoăn của mình trên một trang web. Nội dung tâm sự này là bạn đang học trường làng và có mong muốn được vào trường cấp 3 chuyên có tiếng ở Hà Nội. Tuy nhiên, cha mẹ của bạn không thích và bảo trường này phân biệt giàu nghèo. Áp lực thi cử cộng với "tai tiếng" này của trường đã khiến cho bạn nhụt chí.
Đáp lại nỗi lo lắng này, hàng trăm thành viên mạng là những người đã và đang học tại trường khẳng định: "Phân biệt giàu nghèo không hề tồn tại". Nhiều bạn còn khẳng định "nghèo rớt mồng tơi và giàu nứt vách quấn nhau như anh em"; "Giàu hay nghèo không thi được thì cũng không vào được trường. Mà vào rồi đi học mặc đồng phục thì có biết ai hơn mình"; hay "Vào trường thì chỉ có phân biệt học giỏi hay kém hơn thôi. Em thi đỗ vào trường để chứng minh cho cha mẹ đi".
Như vậy, cái tiếng "trường nổi tiếng phân biệt giàu nghèo" chỉ là do cha mẹ có ác cảm đặt cho và nhiều học sinh tự cô lập mình trước bạn bè.