Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hơn 90% học sinh, sinh viên bị rối nhiễu tâm trí do áp lực học hành còn Bộ Y tế cho biết có 16,9% học sinh có ý định tự tử.
Trong khi một học sinh (HS) giỏi quốc gia của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) tự tử bằng cách treo cổ còn khiến dư luận chưa hết bàng hoàng thì đêm 15-5, một nữ sinh lớp 12 tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa tự tử bằng cách treo cổ. Những trường hợp này khiến các phụ huynh xót xa.
Trên 90% học sinh gặp vấn đề cần chia sẻ
Theo UBND xã Thành Trực, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, vào khoảng 23 giờ ngày 15-5, người dân thôn Chính Thành phát hiện Trúc My treo cổ tự tử tại nhà riêng. Khi được đưa xuống đất, em đã tắt thở. Nguyên nhân vụ tự tử đang được làm rõ nhưng hàng xóm của nữ sinh cho biết trước khi xảy ra sự việc, có nghe tiếng 2 mẹ con em lời qua tiếng lại liên quan đến việc học tập. Cũng có thể vì lý do này mà nữ sinh nghĩ quẩn. Bạn bè em cho hay em khá ngoan, học lực tốt.
Minh họa: KHỀU
Trước đó, do áp lực từ nhiều phía, không ít HS cũng đã tìm đến cái chết. Cuối tháng 12-2015, tại đập nước Phước Hòa thuộc xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, một nữ sinh lớp 11 ngụ xã Long Bình, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước đã nhảy xuống đập nước tự tử. Cơ quan chức năng đã tìm thấy trong ba-lô của nữ sinh 5 lá thư tuyệt mệnh, trong đó có 2 bức thư em gửi cho bố mẹ; còn lại gửi chị gái, bạn bè với nội dung thể hiện sự buồn chán, thất vọng vì kết quả học tập không đáp ứng được sự kỳ vọng của bố mẹ, chị…
Tại hội thảo “Công tác tổ chức các hoạt động văn hóa và tư vấn tâm lý trong nhà trường”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra một con số điều tra đáng lo ngại, đó là hơn 90% HS, sinh viên bị rối nhiễu tâm trí. Theo kết quả cuộc khảo sát tiến hành ở một số trường phổ thông và ĐH tại Hà Nội, Hải Dương cho thấy có đến 93,57% HS, sinh viên được hỏi gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần phải chia sẻ trong học tập và cuộc sống hằng ngày. Tỉ lệ này ở bậc phổ thông là 95,33% và ĐH là 85,92%. Đặc biệt, ở lứa tuổi HS phổ thông, mức độ thường xuyên có những vướng mắc và cần chia sẻ là 80,17%, cao hơn bậc ĐH.
Khó vượt qua cú sốc đầu đời
Theo kết quả thực hiện y tế trường học giai đoạn 2011-2015, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết số HS có ý định tự tử cả nước ngày càng tăng cao (16,9%), trong đó 21,8% HS đã phải đến điều trị tại bệnh viện. Một số liệu điều tra khác với mẫu số nhỏ hơn của Bộ Y tế, UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc) và WHO (Tổ chức Y tế thế giới) trên 3.000 HS Hà Nội trong độ tuổi từ 10 đến 16 cũng cho thấy có hơn 19% HS có vấn đề về sức khỏe tâm thần, 9% HS cho biết từng có ý định tự tử và 6% đã có kế hoạch thực hiện cái chết. Trước đó, theo số liệu từ cuộc điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên thì có tới 31% vị thành niên, thanh niên có những trục trặc về tâm lý và cảm thấy thiếu tự tin.
Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên CSAGA - chia sẻ lứa tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt tuổi vị thành niên (13-17) phải giằng xé, chiến đấu quyết liệt với những thay đổi từ hình thức đến tâm lý, đồng thời cũng phải tiếp nhận những thay đổi từ bên ngoài. Các em chưa đủ sức để chống chọi, đối phó, xử lý các biến cố ở độ tuổi nhạy cảm. Đây là lứa tuổi rất mong manh, dễ tổn thương, trong khi người lớn lại không chuẩn bị cho các em các kỹ năng đối mặt những khủng hoảng cá nhân. Do vậy, trước sự thay đổi này, các em rất dễ cô đơn, suy sụp, trầm cảm nếu chẳng may gặp phải những cú sốc đầu đời.
Bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương I, cho biết ngày càng có nhiều thanh thiếu niên bất ổn về tâm lý đến khám tại bệnh viện, đặc biệt là trước, trong và sau mùa thi. Các em thường mắc các triệu chứng như đau đầu và cảm giác buồn chán, mệt mỏi, không muốn tiếp xúc, thậm chí có em tự làm đau mình bằng cách cứa tay chân, tự trách móc, nguyền rủa bản thân...
Bác sĩ Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, cho biết trở ngại lớn nhất đối với việc điều trị sức khỏe tâm thần cho trẻ là còn rất nhiều phụ huynh, giáo viên quan niệm chưa đúng về sức khỏe tâm thần và điều trị tâm thần ở trẻ nhỏ cùng sự kỳ thị của xã hội.
Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời Theo bác sĩ La Đức Cương, sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên khá yếu, lại không có các kỹ năng năng xử lý những mâu thuẫn, nỗi buồn vì thế dễ bị trầm cảm, nghĩ quẩn, thậm chí có ý định tự tử chỉ vì những lý do mà người lớn cho rằng “vớ vẩn”. Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là rất cần thiết nhằm giảm sự gia tăng và mức độ trầm trọng. Tuy nhiên, hiện việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ chủ yếu là giải quyết hậu quả chứ chưa đi từ ngăn ngừa. |