Với rất nhiều người phụ nữ, đây là lần đầu tiên trong đời họ được trang điểm, được mặc áo dài...Ngày hôm ấy trở thành kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời họ.
Chia sẻ của những người phụ nữ ở xóm trọ nghèo ngày 20/10 và màn trình diễn áo dài đặc biệt
Xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên một ngày đặc biệt. Các bà, các mẹ và các chị em lao động nghèo ở đây hôm nay tạm gác lại những gánh hàng rong, háo hức chờ đón ngày mình được tôn vinh – 20/10, ngày Phụ nữ Việt Nam.
Nơi ở của họ là một khu ổ chuột với những dãy nhà trọ xập xệ, dột nát giữa lòng thủ đô. Công việc hàng ngày của họ là đi nhặt ve chai, đẩy hàng thuê, bán nước và nhặt tôm rơi ở chợ... Rất nhiều người phụ nữ ở đây đã đi gần hết cuộc đời nhưng chưa bao giờ biết đến mùi son phấn, chưa bao giờ được mặc áo dài... Đôi bàn tay chai sần và gương mặt với đầy những vết chân chim chỉ quanh năm dãi nắng, dầm mưa.
Những người phụ nữ ở xóm trọ nghèo lần đầu được trang điểm.
Thế rồi mọi thứ đến thật tình cờ và bất ngờ, các tình nguyện viên đã mang đến một ngày đẹp nhất cho những người phụ nữ nơi đây. Họ được làm tóc, được trang điểm, được mặc áo dài... Có cụ bà trên 80 tuổi, nhưng đây là lần đầu tiên cụ được trang điểm “xinh hơn cả cô dâu”, đúng theo lời cụ nói.
Không chỉ được trang điểm, họ còn được trình diễn thời trang áo dài ở chính nơi họ hàng ngày sinh sống. Với nhiều người, đây như một giấc mơ mà có lẽ suốt phần đời còn lại họ sẽ chẳng thể nào quên được.
Trên sàn diễn, bước chân của những người phụ nữ dù còn ngượng ngùng, chậm chạp nhưng trên môi họ luôn thường trực những nụ cười và ánh mắt rạng ngời tràn đầy hy vọng.
Màn trình diễn của những người phụ nữ ở xóm trọ nghèo.
Bà Trần Thị Tuyết năm nay 70 tuổi, bà sống ở xóm trọ gầm cầu Long Biên đã lâu và sống bằng nghề nhặt tôm. Hàng ngày, bà bắt đầu công việc từ lúc 1 giờ đêm, cho đến khi trời sáng mới kết thúc. Mỗi ngày bà kiếm được khoảng 70 – 80 nghìn đồng, cũng đủ tự trang trải cho bản thân.
Cuộc sống cực khổ, bà chưa bao giờ tự mua cho mình một hộp phấn, thỏi son, chưa bao giờ ra tiệm làm tóc gội đầu... Hôm nay, được các bạn trẻ đến trang điểm, bà rưng rưng nước mắt vì hạnh phúc, bà bảo: “70 năm cuộc đời, đây là lần đầu tiên tôi được đẹp”.
Rất nhiều người phụ nữ ngồi chờ đợi đến lượt được trang điểm.
Mặc trên mình chiếc áo dài lộng lẫy, khuôn mặt khắc khổ ngày nào được che mờ đi bởi lớp phấn trắng nhạt, cặp lông mày cũng được kẻ lại, bà Tiến (79 tuổi, quê Bắc Giang) hồ hởi vô cùng. Khi được gọi tên bà Tiến bước ra sân khấu được dựng ngay dưới dãy nhà lụp xụp ở khu nhà trọ dưới chân cầu Long Biên rồi vẫy tay chào mọi người.
Khuôn mặt đầy nếp nhăn, hàm răng cũng đã gần rụng hết, bà Tiến không giấu nổi niềm hạnh phúc khi lần đầu tiên được mặc áo dài. “Cả cuộc đời tôi đến nay gần 80 tuổi nhưng chưa bao giờ ăn mặc đẹp như ngày hôm nay, vừa đẹp lại lộng lẫy và được đánh phấn son sướng quá. Tôi cảm ơn mọi người rất nhiều”, bà Tiến xúc động nói.
Sau khi trang điểm, những bộ áo dài đã được chuẩn bị sẵn cho màn trình diễn sau đó.
Là người đặc biệt nhất trong chương trình, bà Nguyễn Thị Thìn (84 tuổi) quê ở Ba Vì, Hà Nội dạt về xóm trọ nghèo này sinh sống đã 10 năm. Bà có người con trai nhưng nghiện ngập qua đời, chồng bà cũng mất hơn 20 năm nay. Dù tuổi cao nhưng hằng ngày bà Thìn vẫn đi nhặt ve chai quanh chợ Long Biên để kiếm sống.
Bà Thìn bị mù một bên mắt, cao chỉ 1,3m và nặng chưa đầy 32kg. Dù tuổi đã cao, nhưng khi các tình nguyện viên dẫn đi chọn áo dài, bà tự chọn cho mình bộ màu hồng, bà nói: “chọn màu đó mới trẻ trung”.
Cũng giống như những người phụ nữ khác, đây là lần đầu tiên bà Thìn được trang điểm và mặc áo dài. Khi được mọi người làm tóc, bà không cần làm xoăn mà chỉ mong làm sao để mái tóc mình đen lại.
Bà Thìn cao tuổi nhất, phải nhờ sự hỗ trợ trong phần trình diễn áo dài.
Hình ảnh xúc động khi một người đàn ông sống cùng xóm trọ quỳ gối trước chân người đáng tuổi mẹ mình.
Tất cả những người phụ nữ ở xóm trọ nghèo hạnh phúc rạng ngời bên tà áo dài truyền thống.
Công việc hàng ngày của bà Thìn là đi nhặt phế liệu ở quanh chợ Long Biên, đem bán lấy tiền rau cháo qua ngày. Tuổi đã cao, bà cũng chẳng đi được nhiều nên thu nhập cũng chẳng được là bao. Khi nói về điều ước của mình, bà chỉ mong: “Tôi chỉ ước là được lên đời, chuyển từ nghề nhặt ve chai sang nghề bán trà đá cho đỡ vất vả”.
Sau hôm nay, tất cả những người phụ nữ ở xóm trọ nghèo này lại bắt đầu quay về với công việc, cuộc sống hàng ngày. Nhưng có một điều chắc chắn, những gì các bạn tình nguyện viên mang đến sẽ là kỷ niệm đẹp họ nhớ mãi trong cuộc đời.