Chỉ là một cán bộ ở cấp cơ sở, nhưng số tiền tham nhũng và nhận hối lộ của quan bà này ở mức đáng kinh ngạc. Vụ án của bà ta được truyền thông Trung Quốc miêu tả là “ba nhất”, bao gồm: Cấp bậc thấp nhất, tiền tham nhũng lớn nhất và thủ đoạn gian xảo nhất.
Tháng 3.2008, La Á Bình - nguyên Cục trưởng Cục quản lý đất đai của thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, đã bị bắt giữ vì các hành vi hối lộ, nhận hối lộ, tham nhũng và biển thủ công quỹ.
Phủ Thuận là thành phố giàu tài nguyên, đặc biệt là than đá, rất thu hút các nhà đầu tư khai thác và kinh doanh bất động sản, đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho quan tham.
La Á Bình – quan bà đệ nhất lẳng lơ của Trung Quốc (ảnh minh họa)
Theo báo điện tử Skynet, ngày 15.12.2010, La Á Bình bị Tòa án thành phố Thẩm Dương, Liêu Ninh tuyên án tử hình. Bà này không chấp nhận và kháng cáo quyết liệt. Tháng 11.2011, La Á Bình bị tòa án Tối cao Trung Quốc tuyên giữ nguyên án tử, trở thành nữ quan tham đầu tiên của Trung Quốc bị thi hành án tử hình.
Theo báo điện tử Sohu, La Á Bình có tới 18 “chiêu thức” tham nhũng và biển thủ khác nhau trong lĩnh vực đất đai. Từ tháng 7.2001 đến tháng 4.2005, bà ta đã lợi dụng chức vụ Phó giám đốc Văn phòng quản lý nhà đất quận Thuận Thành, thành phố Phủ Thuận, để tham nhũng 300.000 nhân dân tệ.
Từ năm 2006 đến 2008, La Á Bình được giữ chức Cục trưởng Cục quản lý đất đai của thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, đây cũng là thời điểm giá nhà đất tại Trung Quốc lên cơn “sốt”, tăng gấp ba lần.
Lợi dụng chức vụ, bà này đã biển thủ và gian dối hồ sơ quỹ bồi thường đất với tổng số tiền hơn 34,27 triệu nhân dân tệ, nhận hối lộ tiền và tài sản hơn 32,39 triệu nhân dân tệ. Bà này còn có số tài sản trị giá 32,55 triệu nhân dân tệ bị thu giữ, không thể giải trình nguồn gốc. Ngoài ra, La Á Bình còn sở hữu 22 căn nhà ở thành phố Phủ Thuận.
Tổng cộng, La Á Bình đã tham nhũng 154 triệu nhân dân tệ (khoảng 450 tỷ VNĐ), hầu hết nguồn tiền đến từ lĩnh vực quản lý đất đai.
La Á Bình có vô vàn chiêu trò biến hóa để tham nhũng trong lĩnh vực đất đai (ảnh minh họa)
Theo tờ Kuaibao, La Á Bình sinh tháng 12.1960, quê ở một huyện ngoại ô của tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh nghèo khó, bố là cán bộ cấp thấp ở huyện, mẹ là nông dân, La Á Bình chỉ học hết cấp ba và không thi nổi vào đại học.
Được biết, bà này từ nhỏ đã không thích chơi với các bạn nữ mà chỉ thích giao du cùng những nam giới nhà giàu hoặc có thế lực trong vùng.
Năm 1979, sau khi tốt nghiệp trung học, La Á Bình được gia đình mở cho một cửa hàng buôn bán nhỏ để mưu sinh, sau đó lấy chồng và sinh được một người con gái. Năm 1984, La Á Bình ly dị, một mình nuôi con.
Nhờ sự giúp đỡ của người bố và dùng tiền chạy chọt khắp nơi, năm 1986, La Á Bình được kết nạp vào Ủy ban Đoàn Thanh niên thuộc Văn phòng Xây dựng đô thị quận. Năm 1987, bà ta chính thức đuợc nhận vào công tác tại Văn phòng Tài nguyên và Đất đai quận Thuận Thành và kết hôn lần thứ hai.
Năm 2001, La Á Bình được đề bạt chức Phó giám đốc Văn phòng quản lý nhà đất quận Thuận Thành. Bà ta đã triệt để lợi dụng những lỗ hổng trong quy định về quản lý chuyển nhượng đất, để ăn hối lộ từ các doanh nghiệp và nhà kinh doanh bất động sản.
La Á Bình cũng là người trực tiếp lên ý tưởng cho kế hoạch thu hồi và bồi thường đối với một số khu đất, trong địa bàn quận. Khi “chấm” được lô đất nào đẹp, bà ta sẽ làm giả hồ sơ tái định cư, cho đứng tên một người khác rồi chiếm đoạt. Thủ đoạn thường xuyên khác của La Á Bình là lập hồ sơ khống, để biển thủ quỹ tái định cư của thành phố.
La Á Bình vô cùng kiêu ngạo, giỏi đàn áp dân (ảnh minh họa)
Theo miêu tả của những đồng nghiệp, La Á Bình là người rất cứng rắn và táo bạo. Khi làm việc với dân, bà ta luôn che giấu cảm xúc thật và chỉ thể hiện ra bên ngoài một vẻ mặt đanh thép bất biến.
Đặc biệt, La Á Bình còn có rất nhiều chiêu trò và mánh khóe, khiến cho những hộ gia đình có nhà đất bị thu hồi phải bất lực và khuất phục, chủ động di dời mà không tốn thêm một xu tiền bồi thường.
La Á Bình được cấp trên đánh giá là rất mẫn cán và “dũng cảm” trong công việc. Bà ta cũng được không ít đồng nghiệp ngưỡng mộ về cách thức xử lý những vụ cưỡng chế, thu hồi nhà đất “khó nhằn” tại địa phương.
Với biệt danh “nữ diêm vương”, đối với những vụ thu hồi nhà đất dùng dằng, lâu ngày không giải quyết được, La Á Bình không ngần ngại xuống tận nơi làm việc, thậm chí, không ít lần dùng những lời lẽ chợ búa, thô tục, để đe dọa, khiến người dân sợ mất vía.
Bà ta được cấp trên chú ý, khi từng trực tiếp xuống chỉ đạo lực lượng cưỡng chế lôi cả người và tài sản trong nhà dân ra ngoài đường, rồi đưa xe vào phá dỡ, không bao giờ chấp nhận trả thêm tiền bồi thường, hay mất thời gian thuyết phục, đàm phán.
La Á Bình cũng nổi tiếng là người kiêu căng, ngạo mạn. Bà này từng phát biểu về năng lực làm việc của mình trong một hội nghị như sau:
“Đó là tiền (bồi thường) mà tôi giữ lại cho nhà nước, vì nhà nước nuôi tôi và các vị. Nếu không có tôi kiếm tiền, các vị chỉ có thể uống gió tây bắc”.
Quan bà dâm đãng, mê trai trẻ, mua dâm cả lãnh đạo (ảnh minh họa)
Theo tờ Sina, khi đã có chức quyền trong tay La Á Bình thể hiện ra là một quan bà vô cùng dâm đãng, dù ngoại hình chả mấy hấp dẫn. Đối tượng mà bà ta nhắm đến, là những quan chức có quyền lực và những cấp dưới trẻ đẹp, khỏe mạnh. Trong những chuyến công tác, bà này luôn đi cùng hai nam nhân viên cấp dưới, để thõa mãn nhu cầu sinh lý.
Theo báo điện tử Taizixun, dù đã có gia đình, La Á Bình vẫn có người tình là một cấp dưới tên Cát Phong, kém bà này 12 tuổi. La Á Bình còn đưa cho Cát Phong một triệu nhân dân tệ để “an ủi” bà vợ ở quê.
Không dừng lại ở đó, bà này còn nhiều lần mua dâm với giá 50.000 tệ mỗi lần quan hệ. Đáng nói, trong số những người này, còn có cả lãnh đạo cấp trên của quan bà họ La. Bà ta từng tuyên bố: “Đàn ông lọt vào mắt tôi phải là của tôi”.
Theo Tinvn dẫn nguồn báo chí Trung Quốc, năm 1990, La Á Bình còn nổi tiếng khi quyến rũ Lâm Tư Bản – Cục trưởng Cục quản lý đất đai thành phố Phủ Thuận, phải bỏ vợ lấy mình.
Bà ta nhiều lần đều đến cơ quan nơi vợ ông Lâm Tư Bản làm việc, rồi khóc lóc, chửi bới. Một thời gian sau, không chịu nổi sự quấy phá của La Á Bình, vợ ông Lâm phải yêu cầu ly hôn. La Á Bình thản nhiên đem con gái tới nhà Lâm Tư Bản ở. Không lâu sau đó, hai người này kết hôn, đây là cuộc hôn nhân lần thứ ba của La Á Bình.
La Á Bình có chồng như ý rồi vẫn không bỏ thói dâm đãng. Bà này từng có lần “mê như điếu đổ” một vị lãnh đạo, ngày ngày bắt nhân viên đem quà đến biếu xén. Khi đã chín muồi, La Á Bình còn táo tợn đến mức vào thẳng văn phòng lãnh đạo, nói: “Hãy đi cùng em tối nay, em sẽ cho anh phát tài”.
Quan bà dâm đãng họ La dẫn cấp trên vào phòng khách sạn, thẳng tay quẳng 50.000 nhân dân tệ lên giường, rồi nói: “Tiếp em đêm nay, số tiền này sẽ thuộc về anh”.
Nói về chuyện “ngã ngựa” của La Á Bình cũng không kém phần ly kỳ. Theo tờ Sohu, năm 2005, “địa chấn” đã xảy ra tại thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, khi 15 quan chức cấp cao, bao gồm cả Bí thư Thành ủy và Thị trưởng thành phố bị điều tra tham nhũng. Vụ án kéo dài và ngày càng lan rộng về quy mô, đến tháng 3.2008, La Á Bình chính thức bị bắt giữ điều tra vì có liên quan.
Buổi đầu làm việc với nhân viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của thành phố Phủ Thuận, La Á Bình đã hét lên: “Anh không đủ thẩm quyền để kiểm tra tôi, gọi thư ký của Ủy ban Kiếm tra tới đây. Tôi có chuyện muốn nói với ông ấy.”
Khi đối mặt với viên thư ký của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật, La Á Bình vẫn còn vênh váo: “Hãy dìm vụ việc của tôi xuống và tôi sẽ chi cho ông 6 triệu (nhân dân tệ)”.
Thấy vị thư ký Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật im lặng, La Á Bình lại nói thêm: “Nếu ông không hài lòng, ông có thể yêu cầu một con số tùy ý. Bây giờ ông ra giá và ngày mai tiền sẽ có trên bàn làm việc của ông."
La Á Bình là nữ quan tham Trung Quốc đầu tiên lãnh án tử hình (ảnh minh họa)
Ngay cả khi ra tòa án, La Á Bình vẫn chưa hết thói kiêu ngạo. Đối mặt với nhiều cáo buộc của các công tố viên, bà ta chống trả quyết liệt từng người và từ chối chấp nhận tội danh.
Báo chí Trung Quốc mô tả: “Không thể tìm thấy bất cứ một nét sợ hãi hay cảm xúc nào trên khuôn mặt La Á Bình, trong suốt thời gian phiên tòa diễn ra”.
Tờ Sina dẫn lời một đồng nghiệp lâu năm với La Á Bình, cho biết: “Với tính cách của bà ta (La Á Bình) thì hoàn toàn không bao giờ có chuyện thú nhận tội lỗi. Trong suốt thời gian công tác, bà ta là người duy nhất có quyền đàn áp người khác, người ngoài không thể chiếm một phần nhỏ lợi thế từ bà ta”.
Thậm chí ngay cả khi bị tòa tuyên án tử hình, La Á Bình vẫn giữ thái độ thản nhiên, nhìn thẳng về phía quan tòa. Khi được cho phép nói cuối cùng, La Á Bình dõng dạc: “Tôi đã nghe rõ phần tuyên án của tòa, nhưng tôi không phục bản án này”.