Với nhiều ưu điểm như số vốn bỏ ra ít, chẳng tốn công chăm sóc, nguồn thức ăn đa dạng, nuôi lươn không bùn hiện đang là mô hình làm giàu được nhiều hộ nông dân áp dụng, cho tiền lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Lươn là một loài thủy sản nước ngọt có từ lâu đời. Ở Việt Nam, lươn thường xuất hiện tại các vùng đầm lầy, đồng ruộng, mương kè,…đều là những nơi có nước, khí hậu mát mẻ với nhiều bùn đất để chui rúc, trú ẩn và kiếm thức ăn.
Lươn không có độc, không gây hại, rất hiền lành và là loài ăn tạp, chúng có thể ăn các động thực vật phù du trong nước hay rễ cây cỏ, lúa,... Ngày nay, khi nuôi lươn, người ta còn cho lươn ăn cám viên, cám tự làm hoặc cám công nghiệp. Có thể nói nguồn thức ăn của lươn rất đa dạng và dễ kiếm trong tự nhiên.
Mô hình nuôi lươn không bùn đang được đầu tư nhiều.
Đây là loài động vật có giá trị dinh dưỡng cao, có thể chế biến thành nhiều món ăn bồi bổ sức khỏe. Chính vì thế, lươn rất được ưa chuộng trong chế biến món ăn tại gia, kinh doanh và xuất khẩu. Lươn thường được bán số lượng lớn để phục vụ chế biến.
Ngày nay, nguồn lươn khai thác từ tự nhiên không đủ đáp ứng cho nhu cầu của con người, chính vì thế lươn đã được nghiên cứu và nuôi rất nhiều. Các hộ nông dân đã áp dụng mô hình nuôi con vật hiền lành này để làm giàu ngay tại địa phương.
Anh Nguyễn Thành Tân (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) đã phát triển thành công mô hình kinh doanh nuôi lươn không bùn, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Vốn xuất thân trong gia đình nông dân, nên học xong phổ thông, anh Tân đã tìm hiểu mô hình nuôi lươn và bắt đầu nuôi thử với con giống là lươn đồng.
Anh Tân và bể nuôi lươn lớn của gia đình.
Vụ đầu tiên, lươn nuôi hao hụt nhiều, anh Tân thất bại. Thấy mình chưa có kinh nghiệm, cần phải học hỏi thêm, anh Tân quyết tâm ôn tập và thi đậu vào ngành Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ để có thêm kiến thức áp dụng trong chăn nuôi. Sau khi ra trường, dù được nhiều đơn vị, doanh nghiệp mời về làm nhưng anh vẫn quyết tâm theo nghề nuôi lươn.
Anh quyết định đầu tư mở rộng diện tích nuôi, kết hợp làm giống và nuôi lươn thương phẩm. Đến năm 2014, anh Tân đã gặt hái được thành công với mô hình nuôi lươn theo công nghệ tuần hoàn nước.
Hiện tại, tổng diện tích nuôi lươn của anh Tân khoảng 5.000m2, với 78 bể nuôi cho sinh sản, mỗi bể là 28m2. Tổng đàn lươn bố mẹ hơn 2,5 tấn. Đối với lươn sinh sản thì từ 6-7 ngày trứng sẽ nở, được hơn 1 tháng có thể xuất bán lươn giống. Còn lươn thương phẩm thì nuôi khoảng 10-12 tháng có thể xuất bán.
Mỗi năm, anh Tân cung ứng trên 300.000 con lươn giống với giá 3.000-5.000 đồng/con (tùy kích cỡ). Riêng lươn thịt anh ký kết hợp đồng cung ứng khoảng 4,7 tấn, giá từ 112.000-115.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/năm.
Anh Phạm Ngọc Dung (xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cũng quyết định đầu tư nuôi lươn thương phẩm vào năm 2019. Tận dụng đất trống xung quanh nhà và vật liệu sẵn có, anh làm 5 ô bể lót bạt xung quanh, mỗi bể có diện tích 5m2 để nuôi lươn thương phẩm theo hình thức nuôi không bùn.
Anh Dung chịu khó đầu tư, thu lãi cao khi nuôi lươn.
Anh Dung đặt mua 1 vạn con giống từ tỉnh Phú Yên với trọng lượng 500 con/1kg, sau 8-10 tháng nuôi, lươn đạt 4-5 con/kg thì bắt đầu xuất bán. Lứa đầu tiên, anh Dung thu hoạch hơn 1,5 tấn lươn, mang lại nguồn thu hơn 200 trăm triệu đồng, sau khi trừ chi phí anh lãi hơn 60 triệu đồng. Những năm tiếp theo, mỗi năm anh thu hoạch trên 2,5 tấn lươn, sau khi trừ chi phí, anh lãi hơn 100 triệu đồng.
Nhận thấy thị trường tiêu thụ nhiều tiềm năng, đầu năm 2023, anh đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để mua 45 bể, các dụng cụ nuôi, thức ăn và lươn giống. Hiện tại, anh đang sở hữu hơn 120.000 con trong khu vực nuôi của mình. Với kỹ thuật chăm sóc bài bản cùng thị trường tiêu thụ rộng lớn, anh Dung dự tính có thể thu về gần 1 tỷ đồng từ mô hình nuôi lươn không bùn này.
Cũng là một người nông dân chân chính, anh Nguyễn Quốc Hưng (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã “bẻ lái” thành công với mô hình nuôi lươn không bùn. Anh Hưng đã từng nuôi heo, bò, dê, gà,... nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn, nên đã quyết định chuyển hướng sang nuôi lươn theo cách mới lạ, không bùn.
Anh Hưng rất tỉ mỉ trong khâu chăm sóc lươn giống.
Khoảng cuối năm 2021, anh quyết định đầu tư vốn xây dựng bể, lắp đặt hệ thống dẫn – xử lý nước, trang thiết bị và mua con giống về nuôi. Anh Hưng cũng vào tận Bến Tre mua 15.000 con lươn giống về thả nuôi.
Lứa lươn đầu tiên, anh đã không thành công, anh Hưng tiếp tục tìm mọi cách để khắc phục. Từ số lươn nuôi thương phẩm, anh chọn ra gần 300kg lươn chất lượng để nuôi sinh sản.
Nhờ chăm sóc đầy đủ nên lươn đã đẻ trứng đều, trứng sau khi đẻ được anh thu gom, đem ấp nở và sau 3 tháng nuôi dưỡng sẽ đưa ra bể nuôi lươn thương phẩm. Sau đó nuôi tiếp khoảng 6 tháng nữa thì thu hoạch, lươn đạt trọng lượng từ 200 – 250gam/con (4 – 5 con/kg).
Hiện tại, mỗi lứa anh Hưng thả nuôi 10 bể với 20.000 con lươn thương phẩm. Với giá bán hiện tại 120 nghìn đồng/kg, mỗi lứa cho tổng thu 480 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, anh Hưng thu lãi đều tay khoảng 240 triệu đồng.
Từ lươn thương phẩm, anh lựa chọn để duy trì khoảng 500kg lươn sinh sản để tạo giống. Mỗi tháng, anh xuất bán ra thị trường 10.000 con lươn giống với giá 4.000 đồng/con (kích cỡ 400 – 700 con/kg), thu về thêm 40 triệu đồng.
Nhiều hộ nông dân hiện cũng đang mạnh dạn đầu tư và triển khai xây dựng hệ thống nuôi lươn tuần hoàn khép kín để tiết kiệm nguồn nước, giảm công chăm sóc, hạn chế bệnh và tận dụng nguồn nước thải để mở rộng diện tích trồng rau, quả nhằm khai thác tối đa diện tích đất đai, tăng thu nhập.