Rách thực quản vì uống thuốc cả vỏ

Ngày 15/03/2013 20:34 PM (GMT+7)

Được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng đau rát họng, ho khạc ra máu. Trên phim chụp Xquang không thấy dị vật.

Tuy nhiên, khi tiến hành nội soi, các bác sĩ đã lấy ra được một viên thuốc còn nguyên vỏ trong thực quản bệnh nhân.

Uống thuốc, uống luôn cả vỏ

Trường hợp hy hữu trên xảy ra ngay giữa trung tâm Hà Nội. Bệnh nhân là cụ Nguyễn Thị P., 75 tuổi, ở Thụy Khuê, Hà Nội, được người nhà đưa đến phòng khám cấp cứu Bệnh viện Quân đội 354 trong tình trạng đau rát họng, vướng họng, ho, khạc ra máu... Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó mấy hôm, cụ P. bị ho, đau họng, được người nhà đưa đi khám ở phòng khám tư và được bác sĩ kê thuốc uống (thuốc được cắt thành từng viên còn cả vỏ cho vào từng túi để uống mỗi ngày).
 
Sáng hôm sau, bệnh nhân lấy một túi thuốc có 4 viên ra uống. Ngay sau khi uống thuốc xong, bệnh nhân thấy đau rát họng, họng vướng, nghĩ viên thuốc không trôi, vẫn bị mắc ở họng nên bệnh nhân cố uống nước, móc họng... nhưng cổ họng vẫn đau dữ dội, thậm chí còn ho khạc ra máu... Cụ P. được người nhà đưa đến viện cấp cứu ngay lập tức.

Rách thực quản vì uống thuốc cả vỏ - 1
Hình ảnh viên thuốc trong họng bệnh nhân qua nội soi
Rách thực quản vì uống thuốc cả vỏ - 2
Viên thuốc được lấy ra

Tại bệnh viện, bệnh nhân được khám và chụp Xquang nhưng không phát hiện dị vật do viên thuốc không cản quang. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi gây mê và phát hiện ở 1/3 giữa thực quản, cách cung răng trên 20cm có một dị vật giống hình viên thuốc kháng sinh còn nguyên cả vỏ nhựa cạnh sắc chính là dị vật gây rách lòng thực quản của bệnh nhân.

Theo BSCKII. Vũ Đức Chung - Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện 354, người trực tiếp lấy dị vật cho bệnh nhân P., khi nội soi cho thấy niêm mạc thực quản bệnh nhân đã bị trầy xước nhiều thành những vệt sắc như dao cắt. Nếu để lâu, vỏ nhựa cứng sắc tiếp tục đâm sâu vào các mạch máu lớn (vì thực quản nằm sát các mạch máu lớn) gây chảy máu ồ ạt thì bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng. Trường hợp này rất may là bệnh nhân được đưa đến viện sớm và đã gắp dị vật ra kịp thời chứ để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Chớ coi thường hóc, nghẹn ở người già

BS. Chung cảnh báo, người già thường bị nghẹn, hóc dị vật, nhất là trong khi ăn và uống thuốc. Các triệu chứng hóc, nghẹn, đau ngực cũng rất dễ nhầm với nhồi máu cơ tim cấp, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán đúng và xử trí kịp thời.

Do đó, BS. Chung khuyến cáo, tuyệt đối không nên để người già tự ý dùng thuốc mà cần có sự giám sát của con cái. Không nên cắt thuốc thành từng viên còn cả vỏ. Với viên thuốc to, nên bẻ nhỏ trước khi cho uống. Bởi ở người già, niêm mạc của ống tiêu hóa teo dần, gây giảm sút khả năng tiếp nhận đồ ăn, thức uống và khi nuốt, sự phối hợp các chức năng ở họng cũng mất sự nhịp nhàng... Do đó, chỉ cần nuốt một mẩu thức ăn to hoặc viên thuốc lớn là có thể gây nghẹn hoặc rơi nhầm vào khí quản, gây ho sặc sụa và nghẹt thở. Nếu thức ăn, thuốc uống làm bít tắc thực quản, bệnh nhân đang ăn, uống bỗng thấy nuốt khó, nấc, nôn ọe. Lúc này, cửa thanh môn mở ra, dị vật dễ di chuyển vào khí quản. Hậu quả là bệnh nhân ho dữ dội, nói không ra tiếng, khó thở, có thể bị nghẹt thở, dị vật làm tắc khí quản, bệnh nhân đột nhiên thở khó, sắc mặt đỏ tía rồi chuyển thành tím ngắt, thần sắc lờ đờ, nấc cụt, có thể tử vong trong vài phút.

Trường hợp người cao tuổi bị hóc, nghẹn dị vật do thuốc hoặc thức ăn, không được chữa mẹo mà phải nhanh chóng để bệnh nhân ngồi (nếu còn tỉnh táo) hơi cúi nửa người trên ra phía trước, động viên bệnh nhân gắng sức ho mạnh nhằm đẩy thức ăn ra ngoài và tạo khe hở để thở. Người cấp cứu đứng ở phía sau, dùng khuỷu tay đập mạnh 4 cái vào vùng lưng giữa hai xương bả vai. Trong trường hợp bệnh nhân bất tỉnh thì để người bệnh nằm nghiêng, người cấp cứu dùng ngón tay ấn lưỡi bệnh nhân xuống, đồng thời dùng khuỷu tay đánh mạnh 4 cái vào vùng lưng giữa hai xương bả vai. Nếu bệnh nhân vẫn chưa tỉnh thì phải nhanh chóng ép ngực, hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân, gọi cấp cứu. Trong bất kỳ tình huống nào, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

(Theo Phụ nữ TP.HCM)

Tin liên quan