Sở thích sống theo lối sống một mình, ăn một mình, làm việc một mình, du lịch một mình, bất cứ việc gì cũng một mình, hay thậm chí là tự kết hôn một mình, đang trở thành xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây tại Hàn Quốc.
Người trẻ Hàn Quốc những năm gần đây có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, họ không thích tụ tập hay tìm kiếm người yêu, chỉ muốn đến hàng quán và tìm cho mình một góc để thoát khỏi áp lực thường ngày.
Nếu như nhiều năm trước, cách sống này được xem là không bình thường, vì nó khiến người ta quan tâm đến thực tại chứ không lo lắng về tương lai, thì ngày nay đây là một điều không kỳ lạ nữa, thậm chí đang tăng nhanh trong thanh thiếu niên nước này.
Quán bar chỉ tiếp khách uống một mình ở Seoul.
“Chỉ tiếp khách uống một mình,” tấm bảng hiệu dựng trước quán bar Gitteol ở quận Hongdae, Seoul ghi. Quán được mở cách đây 6 tháng khi chủ quán nhận thấy nhiều người trẻ tìm đến quán bar chỉ thu mình vào một góc, ít tìm tiếp viên hay người khác để trò chuyện.
Theo các nhà nghiên cứu, tâm lý một sống làm một mình xuất phát từ cảm xúc về tương lai ảm đạm khi tình trạng thất nghiệp ở người trẻ đang có xu hướng tăng cao, mức lương thấp nhưng chi phí sinh hoạt lại không rẻ.
Những người sống lối sống độc thân, gọi là “honjok”. Nhiều dịch vụ bắt kịp trào lưu honjok và tung ra những hình thức quảng cáo nhắm vào đối tượng này để thu hút khách. Những nhà hàng đặc biệt dành các suất ăn một mình với giá ưu đãi thay vì bán theo combo như trước kia.
“Xã hội Hàn Quốc rất xem trọng việc phải ảnh hưởng đến người khác. Nếu đi tập thể, bạn có thể làm trễ giờ người khác hay lúc tính tiền có thể xảy ra một mâu thuẫn. Nên tốt nhất là hãy đi ăn một mình để đảm bảo được thời gian và tiền bạc chính xác, cũng như tránh cãi vả không cần thiết, và nó là cách được nhiều người chọn hiện nay,” một sinh viên chia sẻ.
Một lễ hội âm nhạc lấy lối sống đơn thân làm chủ đề chính ở Hàn Quốc.
Lối sống này của người Hàn được họ mô tả bằng từ YOLO - You Only Live Once. Đây là từ được phổ biến rộng rãi bởi rapper Drake người Canada năm 2011, nhưng nhanh chóng bị chế giễu ở phương Tây. Trong khi đó, xứ kim chi lại đang chuộng kiểu sống này.
Vậy còn đến tuổi thành gia lập thất thì sao? Khi nghĩ về chuyện hôn nhân, phụ nữ Hàn Quốc tuyên bố rằng sẽ làm đám cưới, nhưng cưới một mình. Nghĩa là vẫn có tiệc cưới, khách mời, tiền mừng, nhưng chỉ có cô dâu mà không có chú rể.
Tại sao lại vậy? Các cô gái cho biết, đơn giản bởi việc mặc áo cô dâu là giấc mơ mà bất cứ cô gái nào cũng muốn. Một số người thì cho biết sẽ lấy chồng nhưng đợi cho tuổi trẻ qua đi, còn vào thời gian này, họ chỉ đơn giản muốn được một lần khoác lên bộ đầm cưới thôi.
Theo thống kê của chính phủ, gia đình đơn thân hiện đang chiếm phần lớn và tăng nhanh chóng, số này tăng 27% so với 2015. Điều đáng nói, vào thập niên trước, gia đình chuẩn mực phổ biến ở Hàn Quốc là 4 thành viên, nhưng giờ gia đình một thành viên lại chiếm ưu thế.
Cô gái Yang Eun-joo, 32 tuổi, đăng hình ảnh mặc áo cưới một mình và nói bạn trai cô vừa chia tay tháng trước. Hiện cô không có ý định kết hôn nữa, nhưng vẫn ao ước được một lần mặc đầm cưới và cô đã thực hiện được, dù bên cạnh không có bóng dáng người đàn ông.
Yang Eun-joo chụp ảnh cưới đơn thân.
Lý giải cho việc này, phụ nữ Hàn ở các thành phố lớn khao khát đạt thành tựu trên con đường công danh, họ làm việc và tập trung vào sự nghiệp đến nỗi không có thời gian hoặc hứng thú cho kết hôn. Khi lập gia đình, việc chồng con khiến họ phân tâm rồi dẫn đến thất bại trong công việc.
Số liệu thống kê từ chính phủ nước này cho thấy số các cặp kết hôn vào năm 2011 là 329.100, trong khi năm 2016 là 281.600, thấp kỷ lục tính từ 1974. Số gia đình đơn thân ở Hàn đã tăng nhanh, mà đáng lo ngại là gia đình đơn thân hầu hết là nữ.
Dù bùng nổ nhanh chóng là thế, nhưng người lớn tuổi không chấp nhận việc này. Họ lo ngại tỷ lệ sinh cực thấp của đất nước nay lại càng thấp thêm. Tỷ lệ trẻ sinh ra qua các năm đều tụt giảm nghiêm trọng, Hàn Quốc là nước có tỷ lệ sinh thấp nhất trong nhóm các quốc gia OECD, chính phủ ước tính tỷ lệ này sẽ chạm đáy vào năm 2031.
Một phần khác, lối sống độc thân buông thả sẽ dẫn đến chế độ ăn uống, sinh hoạt kém khoa học, mất cân bằng, gây tác động xấu đến sức khỏe của những người trẻ là tương lai của đất nước. Cũng như lối sống này sẽ ảnh hưởng đến cách suy nghĩ, rằng họ không quan trọng về tương lai, mà chỉ sống cho hiện tại trước mắt.
Những người phản đối lối sống này bày tỏ sự lo ngại khi nó đang được cổ súy ở Hàn Quốc. Những chương trình truyền hình ăn theo mô tả cách sống này như là cách sống thoải mái, ngập tràn ánh sáng và màu hồng, khiến người trẻ dễ dàng bị ngộ nhận và mong muốn có được cuộc sống độc thân như thế.