Việc này nhằm tránh tình trạng gian lận cước, can thiệp vào đồng hồ tính cước.
Đây là đề xuất mới của Hiệp hội Taxi Hà Nội trong việc siết chặt quản lý tình trạng taxi hoạt động bát nháo, tính gian cước…Hiệp hội Taxi Hà Nội đề xuất, với những doanh nghiệp không có biện pháp chống kích xung trên đồng hồ để chống can thiệp vào cước đồng hồ, gian lận cước, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT) nên tạm thời rút Giấy phép kinh doanh.
Mới chỉ có 10 hãng gắn đồng hồ in hóa đơn
Theo số liệu của Hiệp hội Taxi Hà Nội, hiện tại trong tổng số hơn 17.000 xe taxi đang hoạt động tại Hà Nội, chỉ có khoảng 30% số xe niêm yết đường dây nóng. Cũng mới chỉ có khoảng 1/10 số lái xe taxi được đào tạo chứng chỉ hành nghề lái xe taxi. Nhưng việc đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề này thực chất cũng chỉ mang hình thức và đối phó. Ngoài ra, hiện vẫn tồn tại khoảng 1.000 taxi dù.
Đặc biệt, chỉ có 10 hãng taxi, là con số quá ít ỏi, có gắn thiết bị định vị và đồng hồ in hóa đơn để chống gian lận cước, đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Việc khách hàng phải trả những số tiền khác nhau để đi cùng một chặng đường giống nhau giữa các hãng có cùng giá cước và các xe cùng trong một hãng vẫn không còn là chuyện lạ.
Do vậy, trong thời gian tới, để tránh tình trạng gian lận cước, lái xe có thể can thiệp vào đồng hồ tính cước, Hiệp hội Taxi Hà Nội đề nghị: Với những doanh nghiệp không có biện pháp chống kích xung trên đồng hồ, Sở GTVT nên tạm thời rút Giấy phép kinh doanh.
Các hãng taxi bán thương hiệu sẽ bị rút giấy phép (Ảnh minh họa)
Đề nghị này nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân. Chị Trương Mai Anh, trú tại Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội cho hay: “Cùng chặng đường mình đi mà nhiều lần cước không đồng nhất dù chúng tôi gọi cùng một hãng taxi. Nếu Sở GTVT áp dụng quy định này thì chúng tôi phần nào yên tâm hơn khi gọi taxi. Tuy nhiên, tôi cũng hy vọng là các thiết bị, biện pháp chống gian lận cước đủ hiện đại để tài xế không can thiệp được sau khi đã gắn vào đồng hồ”.
Không “bán thương hiệu” ăn tiền
Dừng đón trả khách bừa bãi, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, taxi dù, taxi gian dối cước của khách hàng…không còn là chuyện lạ của taxi Hà Nội. Nói về tình trạng taxi lộn xộn, mất trật tự ATGT ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kết luận: “Không có thành phố nào mà tình trạng taxi lại lộn xộn như ở Hà Nội”.
Sở GTVT Hà Nội cho hay, Hà Nội hiện có hơn 17.000 xe taxi nhưng có đến 111 doanh nghiệp (DN) được cấp phép trong lĩnh vực này, với khoảng 30.000 lái xe.
Điều này dẫn ten tình trạng bán thương hiệu, bán thương quyền (xe cổ phần của cá nhân 100%).
Lái xe chỉ việc nộp về công ty một khoản phí dịch vụ nhất định hay “phí quản lý”, tùy theo từng hãng vào mỗi tháng. Giá thuê thương hiệu tại các hãng taxi Hà Nội hiện từ 1,5 triệu đồng - 3 triệu đồng/tháng/xe. Lái xe tự quản lý xe, tự đổ xăng, doanh thu giữ lại 100% và chỉ phải nộp phí thuê thương hiệu cho công ty.
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho hay, việc quản lý hoạt động taxi hiện nay không phải chưa đủ chế tài, không thiếu cơ sở pháp lý mà có thể nói, các văn bản, chính sách khá chặt chẽ.
Một chuyên gia trong ngành cho rằng, các văn bản quản lý taxi về mặt Nhà nước có thể nói không thiếu, cái thiếu chính là sự quản lý của cơ quan chức năng, đặc biệt là việc quá dễ dãi trong cấp phép kinh doanh taxi, giám sát và hậu kiểm.
Do vậy, điều cần làm trong thời gian tới là chấm dứt việc “bán thương hiệu” ăn tiền, tình trạng nhà nhà cùng kinh doanh taxi như hiện nay.
Trước ý kiến này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT khẳng định: “Với những DN taxi làm ăn chộp giật, bán thương hiệu, đẩy phần khó cho cơ quan quản lý, tới đây thanh tra phát hiện sẽ xử lý nghiêm, thu hồi phù hiệu taxi, rút Giấy phép kinh doanh”.