Thời điểm cận Tết, tình trạng trộm cắp lại nở rộ ở các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ,... khiến chị em hoang mang, lo lắng khi đi mua sắm Tết.
Hở cái là mất
Bao giờ cũng vậy, cứ bước vào dịp cuối năm, trong khi mọi người tất bật lo toan sắm sửa đón một cái tết tươm tất cũng là lúc bọn trộm cắp hoành hành với những thủ đoạn tinh vi.
Nhiều chị em đi sắm Tết lo ngại khi đi mua sắm “tay xách nách mang” sẽ trở thành miếng mồi ngon cho bọn trộm cướp. Nói về chuyện mất cắp cuối năm, chị Minh, sống tại quận Thanh Xuân vẫn chưa hết bàng hoàng. Năm ngoái, vừa được thưởng Tết chị vui mừng đi siêu thị gần cơ quan mua sắm cho gia đình. Siêu thị đông, chen lấn xô đẩy, khi ra đến bãi gửi xe chị mới phát hiện ra toàn bộ số tiền còn lại sau khi mua đồ lên tới gân chục triệu không cánh mà bay.
Còn chị Giang, sống tại quận Đống Đa cũng e dè, mỗi lần đi sắm Tết chị luôn phải căng thẳng vì số tiền mang theo trong người, lúc nào cũng phải giữ cái túi phía trước. “Mang ít thì không đủ tiêu còn mang nhiều thì không biết để đâu. Sơ hở tý là bị móc túi liền”, chị cho biết.
Ở các chợ, tình trạng này diễn ra thường xuyên vào dịp sát Tết. Đối tượng mà bọn trộm cắp để ý tới là những sinh viên nữ hay các chị em nội trợ mải mua bán, xem hàng không để ý. Nhiều chị em vừa xem xong móc ví ra trả tiền không thấy ví hay điện thoại đâu.
Chị em đi chợ Tết cần hết sức cảnh giác không sẽ trở thành 'mồi ngon' của trộm cắp (Ảnh minh hoạ)
Chị Linh Giang (nhân viên hành chính một công ty bất động sản trên phố Hoàng Hoa Thám) cho biết, chủ nhật vừa rồi (20/01), chị đi chợ Ngã Tư Sở sắm Tết, đang mải ngắm nghía xem xét mấy đồ trang trí Tết thì thấy có ai đi qua chạm vào mình, loáng cái đã mất cái điện thoại để trong áo khoác.
Còn Minh Anh, sinh viên trường Đại học Ngoại thường Hà Nội thì bức xúc: "Trong lúc đi mua quà Tết cho gia đình cùng với nhóm bạn ở cùng phòng trọ, vì quá đông nên người này phải chen sau lưng người kia thành từng dòng người. Tôi luôn cảm thấy có người đi sát sau lưng mình. Đến khi giật mình quay lại thì không thấy ví tiền đâu''.
Không chỉ trộm cắp của khách mà ngay cả người bán hàng cũng mất không ít đồ chủ yếu là quần áo do tội phạm trà trộn giả làm người mua hàng.
Chị Lan Anh, tiểu thương bán áo quần ở chợ đầu mối Đồng Xuân cho hay: “Vào những ngày này, khách đến xem hàng bất kể là ai, chúng tôi cũng căn dặn mọi người hãy cẩn thận, vì ở chợ mấy chục năm nay không năm nào là không có bọn tội phạm lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác mà ra tay. Công việc ở nhà có nhiều đến đâu cũng gác lại đó và vận động chồng, con ra phụ giúp để trông coi hàng”.
Đề cao cảnh giác
Trên các diễn đàn, chủ đề này đang được các chị em bàn luận rất sôi nổi để rút ra kinh nghiệm trong khi mua sắm Tết. Một mẹ có nickname Timmy78@... chia sẻ, mọi năm cứ đợi đến ngày nghỉ Tết mới bắt đầu đi mua sắm, loay hoay thoát ra khỏi biển người trộm móc mất điện thoại E71 chồng tặng lúc nào không biết. "Năm nay rút kinh nghiệm, đi mua sắm Tết tôi chỉ mang theo 1 ít tiền để trong túi áo có khóa, tất cả ví, túi xách, điện thoại đều để ở nhà.
Để chống trộm cắp và chén lấn trong khi đi mua sắm cuối năm, chị Linh Giang quyết định năm nay chủ yếu đều sắm hết qua mạng. Chị chia sẻ: "Những người có công việc bận rộn hay nhân viên văn phòng thường chọn hình thức này để tiết kiệm thời gian, đặc biệt là tránh nạn trộm cắp. Những năm trước, vừa có thưởng Tết, mấy chị em trong phòng rủ nhau đi mua sắm, người mất ví, người mất điện thoại, ai cũng sợ hú vía".
Còn chị Thu (Nghĩa Đô, Cầu Giấy) cho hay, trước đây, mỗi lần đi siêu thị sắm đồ cuối năm, chị lúc nào cũng lo lắng bởi cảnh chen chúc xô đẩy và cũng đã từng xảy ra mất tiền do quá nhiều tiền mặt mang theo. Năm nay chị chuyển sang thanh toán bằng thẻ, không phải nơm nớp 1 tay chọn đồ 1 tay giữ ví, điện thoại.
“Nếu không may mà bị mất thẻ thì còn gọi báo lại ngân hàng ngay để khóa thẻ, chính vì thế những tên trộm có thẻ trong tay cũng không làm được gì”, chị Thu phân tích.
Trên mạng xã hội các chị em kêu gọi nhau: “Bây giờ kinh tế khủng hoảng, trộm cắp lại gia tăng, mọi người hãy giữ đồ đạc của mình cẩn thận, không nên mang theo nhiều tiền, cất kỹ tài sản phòng chen lấn, xô đẩy ở các khu mua sắm Tết".
Theo thống kê của Công an thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2012 trên địa bàn thành phố xảy ra hơn 2.200 vụ trộm cắp tài sản. Trong số này thì có khoảng phân nửa là trộm cắp xe gắn máy. Công an thành phố Hồ Chí Minh triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm từ ngày 15/01 đến 15/03 năm 2013 với công tác trọng tâm là ngăn chặn hành vi xâm phạm sở hữu tài sản trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên Đán 2013. Đáng chú ý, toàn bộ lực lượng Cảnh sát giao thông được huy động tối đa để tuần tra, kiểm soát, xử lý triệt để các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Công an TPHCM sẽ cũng thành lập 34 tổ cảnh sát cơ động nhằm quyết tâm chặn đứng tội phạm lộng hành. Đặc biệt, trong năm 2013, TPHCM sẽ phấn đấu xây dựng 80% tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản về an ninh trật tự. |