Sau nhiều lần mua và được hoàn lại tiền vật phẩm, chị H. được yêu cầu chuyển số tiền lớn hơn. Chỉ trong vòng 2 ngày, chị đã bị chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng.
Còn 2 tháng nữa là kết thúc năm học. Đây cũng là khoảng thời gian các bậc cha mẹ đi tìm các khóa học hè cho con em mình. Các khóa học ngày càng đa dạng hơn, từ các nhà trường cho đến các trung tâm dạy năng khiếu. Nhiều gia đình đã chọn cho con mình các khóa học tu sinh. Đây cũng là cơ hội để các đối tượng lợi dụng để chiếm đoạt tài sản.
Theo Cổng thông tin điện tử Công an Tp.Hà Nội, khi nghiên cứu các khóa tu mùa hè cho con, chị H. (trú tại Hà Nội) có kết nối với tài khoản facebook “Tu Sinh Mùa Hè” để đăng ký cho con. Sau đó, một người xưng là “Trưởng ban Tu sinh” gọi cho chị H. giới thiệu và cung cấp số và ảnh căn cước công dân của “Trưởng ban” để tạo niềm tin.
Cẩn trọng về các khóa tu mùa hè trên các trang mạng xã hội.
Đối tượng đưa chị H. vào nhóm trên mạng xã hội Telegram và yêu cầu mua vật phẩm phong thủy nhằm tăng tương tác cho công ty vật phẩm phong thủy, vì họ là nhà tài trợ chính cho khóa tu. Khi mua vật phẩm, sau 3- 5 phút công ty sẽ hoàn lại tiền phụ huynh sẽ mua.
Sau nhiều lần mua và được hoàn lại tiền vật phẩm, chị H. được yêu cầu chuyển số tiền lớn hơn với lý do: sai thao tác, không chụp ảnh vật phẩm, phải hoàn thành thao tác, hoàn thành điểm tín nhiệm. Chỉ trong vòng 2 ngày, chị H. đã bị các đối tượng chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng.
Trước chiêu trò lừa đảo thông qua các khóa tu mùa hè đang rộ lên trên mạng xã hội, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi tìm hiểu các thông tin về các khóa học trên các trang mạng xã hội để tránh bị lừa đảo.
Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa, tuyên truyền cho người thân. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định.