Việc nhẹ lương cao - chiêu trò cũ nhưng nhiều người vẫn "sập bẫy": Nhận hàng về nhà làm, mất ngay 190 triệu đồng

Nguyễn Trà - Ngày 11/03/2024 12:06 PM (GMT+7)

Lấy hàng về gia công phải đặt tiền cọc lại cho công ty, nhận việc review sản phẩm phải cọc tiền sản phẩm.., số tiền tăng dần từ vài chục ngàn đến tiền triệu thậm chí tiền tỷ. Chiêu trò lừa đảo cũ rích nhưng vẫn khiến hàng trăm người sập bẫy.

Nhận hàng gia công về làm tại nhà, người đàn ông mất hơn 190 triệu

Mới đây, phóng sự “Việc nhẹ lương cao: Nửa chỉ vàng có giá hơn 190 triệu đồng” của VTV nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân.

Cụ thể, trong 20 ngày, người đàn ông đặt hơn 190 triệu để đặt cọc nhận hàng về gia công. Anh được công ty tri ân nửa chỉ vàng vì sự nhiệt huyết của mình. "Tôi đặt 150 đơn 143 triệu thì mới được nửa chỉ vàng. Mình phải đặt nhiều đơn lên thì họ tặng vàng. Một đơn là 6 vòng, họ trả công 170.000 đồng. Tính ra một vòng trả công 25.000 đến 30.000 đồng, một vòng làm trong vòng 5 đến 10 phút", nạn nhân nói trong phóng sự. Công việc của anh chỉ là xâu những hạt gỗ để làm chiếc vòng tay.

Không chỉ người đàn ông này mà nhiều người dân cũng đã chọn lựa công việc lấy hàng về gia công về làm. Yêu cầu phải đặt tiền cọc lại cho công ty, số tiền cọc lên tới 180-200 triệu. "Nếu hơn 1 ngày em cọc gần 70 đơn, tiền công của em là hơn 8 triệu. Làm 1 tháng cọc như này tiền công của em là hơn 200 triệu", một nạn nhân khác nói.

emVideo Việc nhẹ lương cao: Nửa chỉ vàng có giá hơn 190 triệu đồng của VTV thu hút hơn 1,1 triệu người xem/em

Video Việc nhẹ lương cao: Nửa chỉ vàng có giá hơn 190 triệu đồng của VTV thu hút hơn 1,1 triệu người xem

Một ứng dụng có tên Shopnew được công ty tạo ra để người dân theo dõi đơn hàng, nộp cọc, nhận hàng và nhận tiền nhanh chóng.

Người có nhiều tiền thì nhập chuỗi hạt vòng gỗ, có ít tiền thì nhận hàng lồng kẹp sắt vào chiếc vỏ nhựa. Đặt cọc nhận hàng, công việc dễ dàng ai cũng có thể làm được, thu nhập cao dựa vào số tiền cọc cho doanh nghiệp: cọc càng nhiều, công càng cao. Với lời hứa hẹn, cọc chỉ là để người làm việc có trách nhiệm với sản phẩm, với công ty, hoàn thành xong công việc, công ty sẽ hoàn trả lại cọc.

"Những mặt hàng bên em gia công là kẹp ngọc trai, kẹp màu và chuỗi hạt. Bây giờ đang trong thời gian ưu đãi thì mình sẽ được ưu đãi về công. Cọc như vậy là không cao, cọc vậy là để khách hàng có trách nhiệm với hàng hoá, giữ gìn hàng hoá công ty không bị thất thoát thôi ạ. Khi mình làm xong, công ty em hoàn lại công cọc cho mọi người”, nhân viên của công ty nói.

Theo phóng sự, hứa hẹn vậy nhưng chỉ được 4 tháng đầu chi trả đúng hẹn, đầu tháng 2 năm nay hàng ngàn khách hàng của công ty TNHH Thuận Trung Thông khắp cả nước không được trả cả cọc lẫn công. App sập, công ty đóng cửa, không còn cách nào để liên hệ, nhiều người dân mất hàng trăm triệu đồng nhưng không biết làm sao đòi lại tiền.

Bình mới rượu cũ nhưng nhiều người vẫn bị lừa

Mới đây, Công an quận Tây Hồ tiếp nhận đơn trình báo của anh T. (54 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội) lên mạng xã hội làm cộng tác viên bán hàng online.

Theo lời quảng cáo có cánh của những đối tượng lừa đảo, với mỗi đơn hàng thực hiện thành công, người làm sẽ được hưởng lãi suất cao (10-15% giá trị đơn hàng). Anh T. đã đóng 560 triệu đồng để làm nhiệm vụ thanh toán đơn hàng nhưng không rút được tiền ra. Lúc này, anh mới phát hiện mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Những bài học đau lòng phải trả giá bằng tiền được chia sẻ trên các diễn đàn mạng xã hội

Những bài học đau lòng phải trả giá bằng tiền được chia sẻ trên các diễn đàn mạng xã hội

Tại hội thảo "Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng" do Báo Tuổi trẻ tổ chức, Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ câu chuyện của một người quen vị lừa mất tổng cộng hơn 25 tỷ đồng.

Người này bị dẫn dụ vào làm công việc tương tác các clip trên Facebook, hứa hẹn nhận được khoản thu nhập tốt. Ban đầu nạn nhân được trả tiền 10.000 đồng/lần tương tác clip vào tài khoản đầy đủ. Sau đó bị dẫn dụ, mất tổng cộng hơn 25 tỉ đồng.

Đối tượng lừa đảo mượn danh những thương hiệu như: Youtube, Tiktok, Facebook, Shoppe, Lazada… tuyển cộng tác viên xem video, tương tác bài viết trên mạng, đánh giá sản phẩm, chốt đơn tặng hoa hồng, tạo đơn hàng ảo trên các sàn, làm những nhiệm vụ khác. Thủ đoạn chung là yêu cầu người làm mất khoản phí ban đầu, hoặc cọc, thường được gọi với nhiều tên khác nhau như phí hội viên, cọc giữ chân, phí trách nhiệm…

Thời gian đầu, đối tượng lừa đảo vẫn trả công đầy đủ. Nhưng một thời gian ngắn sau, chúng sẽ bốc hơi cùng tiền của nạn nhân.

Nhiều người mất trắng tiền hàng chục năm tích cóp bởi thủ đoạn lừa đảo “việc nhẹ lương cao” ngày càng trở nên tinh vi. Thay vì bắt cọc từ đầu thì kẻ lừa đảo sẽ tặng quà, tặng lì xì, những món quà nhỏ khiến người dân mất cảnh giác mới đề cập tới “đầu tư”, “nâng cấp”.

“Họ đăng bài tuyển CTV làm duyệt đơn và ăn theo % hoa hồng. Lúc đầu chỉ là những đơn có giá trị thấp, dần dần phải nạp tiền có thể lên đến tiền triệu rồi chục triệu để có thể ngang bằng với số tiền của đơn đó. Đến khi mình không đủ sức nạp thêm tiền thì chỉ có thể treo số tiền đó và không thể rút về và cuối cùng là mất. Làm gì có việc nhẹ lương cao, rảnh làm bận nghỉ. Nếu có thì họ để cho người thân, bạn bè họ làm hết rồi, không tới lượt mình"- chị H, một nạn nhân bức xúc chia sẻ câu chuyện của mình trên diễn đàn chống lừa đảo.

Thực tế, chiêu trò này chỉ là bình mới rượu cũ. Trước đó, báo chí từng phản ánh nhiều về thủ đoạn tuyển cộng tác viên làm online đánh giá sản phẩm, cũng là một thủ đoạn tương tự. Cụ thể, kẻ lừa đảo tiếp cận người dân thông qua cuộc gọi, tin nhắn điện thoại hoặc tin nhắn trên các nền tảng mạng xã hội facebook, zalo để dẫn dụ “con mồi” tham gia, mua hàng và chiếm đoạt tài sản.

Ngàn lẻ một kiểu lùa gà của những kẻ lừa đảo: bắt cọc tiền, muốn rút tiền phải đóng tiền...

Ngàn lẻ một kiểu "lùa gà" của những kẻ lừa đảo: bắt cọc tiền, muốn rút tiền phải đóng tiền...

Nguy hiểm hơn, hiện nay, những kẻ lừa đảo dẫn dụ người dân truy cập vào những đường link lạ. Chỉ một cú click chuột, không ít người mất sạch tiền. Nhẹ dạ cả tin, nhiều người dân đã sập bẫy.

Bị lừa việc nhẹ lương cao, người nhẹ thì mất tiền, nặng hơn còn vướng vào đường dây mua bán người bị đánh đập, giam giữ, bị ép vào các động mại dâm, ép gọi điện về nhà đòi tiền chuộc.

Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công An từng cảnh báo hình thức lừa đảo phổ biến nhất vẫn là lừa tuyển cộng tác viên "việc nhẹ lương cao". Công an nhiều lần khuyến cáo người dân tuyệt đối không chấp nhận những yêu cầu đặt cọc, ứng trước tiền khi tìm việc; tuyệt đối không đăng nhập, truy cập vào các đường link lạ vì đường link có nguy cơ chứa mã độc để chiếm quyền điều khiển điện thoại. Rất nhiều người chỉ sau cú click bay hết sạch tiền.

Công an TPHCM khuyến cáo trường hợp nghi vấn lừa đảo, người dân cần tham khảo ý kiến người thân trong gia đình, người hiểu biết, liên hệ công an khu vực hoặc liên hệ cơ quan công an gần nhất.

6 thủ đoạn lừa đảo cũ nhưng nhiều người vẫn mất tiền oan: Cảnh giác chiêu trò chuyển nhầm tiền vào tài khoản
Những chiêu trò lừa đảo không mới, nhưng luôn có nhiều “tình tiết" khiến người dùng dễ “sập bẫy".

Lừa đảo

Theo Nguyễn Trà Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Lừa đảo