Từ đêm 10 đến 18/8, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to, riêng thời kỳ từ đêm 10-14/8 có mưa, mưa vừa và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to.
Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc kéo dài hết ngày mai (10/8)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày hôm nay (09/8), ở Bắc Bộ có nắng nóng trên diện rộng; khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 38 độ như: Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 38.3 độ, Tây Hiếu (Nghệ An) 38.2 độ, tp Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) 38.2 độ, Hoài Nhơn (Bình Định) 38.5 độ,...; độ ẩm tương đối lúc 13h phổ biến 50-60%.
Miền Bắc sắp mưa dông mạnh sau nắng nóng gay gắt.
Ngày 10/8, ở Bắc Bộ có nắng nóng, riêng Nam Sơn La, Hòa Bình, đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-55%. Từ ngày 11/8, nắng nóng diện rộng kết thúc ở Bắc Bộ.
Khu vực từ Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-38 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-50%. Nắng nóng ở Trung Bộ còn có khả năng kéo dài trong những ngày tới với cường độ giảm dần. Từ khoảng ngày 11/8, nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ có khả năng kết thúc.
Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Cơ quan khí tượng nhận định, từ đêm 10 đến 18/8, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to; riêng thời kỳ từ đêm 10-14/8 có mưa, mưa vừa và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to.
Nhiệt độ giảm, tuy nhiên, những ngày đầu xuất hiện mưa cảm giác oi bức vẫn xuất hiện. Đến khoảng ngày 14-15/8, mưa nhiều nhiệt độ giảm, nền nhiệt phổ biến còn 30-31 độ, cảm giác dịu mát rõ rệt hơn. Trong khi đó tại khu vực Trung Bộ từ khoảng ngày 12-13/8, nắng nóng có khả năng dịu dần.
Năm nay mưa nhiều hơn, nguy cơ lũ lụt cao hơn
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, từ nay đến hết tháng 9 là mùa mưa lũ chính ở Bắc Bộ nên các địa phương sẽ đối mặt với các đợt mưa lớn. Nguy cơ gắn liền là lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi nên cần phải cảnh giác ở mức cao.
Lý giải nguyên nhân vì sao những tháng vừa qua mới là giai đoạn chuyển pha từ Elnino sang trung tính nhưng thời tiết đã diễn biến rất bất thường, ông Khiêm cho biết, tháng 6 - 7 là tháng mùa mưa chính ở Bắc Bộ, tổng lượng mưa trung bình trong 2 tháng này chiếm khoảng 30 -35% tổng lượng mưa của năm.
Ngoài ra, đây là giai đoạn chuyển từ pha nóng (El Nino) sang trạng thái trung tính nên hệ thống khí quyển toàn cầu có sự biến động lớn và làm cho quy luật thời tiết trên thế giới cũng như tại Việt Nam có sự xáo trộn, gây ra mưa lũ bất thường hơn.
Theo ông Khiêm, từ tháng 6 đến nay, miền Bắc đã xảy ra 6 đợt mưa lớn diện rộng. Hình thế gây mưa chủ yếu trong giai đoạn chuyển tiếp từ trạng thái El Nino sang trung tính ở Bắc Bộ là không bất thường: bao gồm rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực, dải hội tụ nhiệt đới kết hợp bão, áp thấp nhiệt đới.
Tuy nhiên đi kèm với các hình thế này là tất cả đều có kết hợp với hội tụ gió Đông Nam hoặc Tây Nam dày từ tầng thấp lên tầng cao, nên mưa thường xảy ra trên những khu vực như: Hà Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên…
Cường độ mưa rất lớn và xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn nên đã gây lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở nhiều nơi. Ngoại trừ đợt mưa do tác động trực tiếp của bão số 2 thì các đợt mưa còn lại thời gian mưa lại chủ yếu xảy ra vào chiều tối và đêm, do đó thiệt hại cũng lớn hơn do khó khăn trong việc quan sát, ứng phó.
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO vẫn đang ở pha trung tính và tiếp tục duy trì đến khoảng cuối tháng 8. Dự báo có thể chuyển sang trạng thái La Nina từ tháng 9 - 11 với xác suất 60 - 70%. Khí quyển đại dương chuyển trạng thái nhanh từ nóng sang lạnh sẽ là yếu tố bất lợi có thể gây ra thời tiết xấu ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trước mắt từ nay đến hết tháng 9 là mùa mưa lũ chính ở Bắc Bộ nên chúng ta vẫn phải đối mặt với các đợt mưa lớn, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi cần phải cảnh giác ở mức cao. Dự báo xa hơn trong khoảng từ nay đến cuối năm 2024 với kịch bản La Nina xuất hiện, phát triển và tác động đến nước ta đúng thời kỳ mùa mưa, bão ở Trung Bộ nên khả năng bão, mưa, lũ sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là các nguy cơ lượng mưa nhiều, lớn hơn bình thường ở ven biển Trung Bộ, làm tăng nguy cơ lũ lụt, và ngập lụt đô thị.
Với lượng mưa gia tăng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng, đặc biệt ở các vùng núi cao nơi có tính chất đất không ổn định.
La Nina có thể làm gia tăng tần suất và cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm. Từ nay đến hết năm 2024 trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 8 - 10 cơn bão/áp thấp nhiệt đới; trong đó có 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Nguy cơ tác động đến hoạt động tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản ven biển.
"Ngoài ra, một điều gần như chắc chắn là hiện tượng dông lốc cả trên đất liền và trên biển, mưa lớn cực đoan thời đoạn ngắn gây ngập úng đô thị sẽ xuất hiện nhiều hơn gây ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội" - ông Khiêm cho biết.