Đó là khoản tiền lớn mà cậu sinh viên 19 tuổi còn chân ướt chân ráo trên ghế nhà trường kiếm được khi mới bắt đầu kinh doanh.
Chỉ mới là sinh viên năm thứ hai tại trường đại học Bách khoa Ngee Ann nhưng Lan Ling, 19 tuổi đã điều hành công việc kinh doanh phát triển rất mạnh trong khuôn viên trường với hơn chục nhân viên.
Cửa hàng đồ ăn nhanh kiểu Mỹ của Lan Ling bán được khoảng 120 đến 150 chiếc bánh kẹp xúc xích mỗi ngày, với thu nhập được khoảng 8000 đô la (khoảng 167 triệu đồng) mỗi tháng tính từ khi mở hàng từ tháng 11 năm ngoái.
Lan Ling trong cửa hàng hot-dog của mình (Ảnh: Asiaone)
Anh cho biết: “Vừa học vừa làm đúng là không hề dễ dàng, tôi cũng thuê các bạn sinh viên ở trường làm nhân viên làm thêm”.
Cùng với 3 đối tác của Lan Ling: Chia Kun Seng (18 tuổi), Daryl Kooi (20 tuổi) và Goh Weisheng (18 tuổI) và 15 nhân viên khác, họ mở cửa kinh doanh hàng tuần từ 9h sáng tới 7h tối.
Ban đầu, Lan Ling định dành 20 tiếng mỗi ngày để kinh doanh nhưng hiện tại, anh đã quyết định giảm xuống dưới 10 tiếng 1 ngày.
Tuy nhiên, dành thời gian cho công việc kinh doanh cũng khiến Lan Ling phải tự cắt giảm những niềm đam mê khác của mình ví dụ như đạp xe. Cho đến hiện tại anh vẫn cố gắng dành ra 6 tiếng mỗi tuần để đi bộ và đạp xe, thay vì 20 tiếng như trước đây.
Bên cạnh việc sắp xếp thời gian, làm nghề kinh doanh đồ ăn nhanh cũng khiến Lan Ling phải đau đầu trong việc xin giấy phép hoạt động, đảm bảo cho các nhân viên trải qua kì huấn luyện vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi làm việc và sắp xếp thời gian đi làm hợp lí bởi lịch học của các sinh viên không phải lúc nào cũng giống nhau.
Số tiền vốn cho công việc kinh doanh được hỗ trợ từ cả gia đình và nhà trường, trong đó trường Ngee Ann đã cấp 3000$ cho Ling vay vốn. Cũng giống trường hợp của Ling, Tan Song Jie (19 tuổi) cũng nhận được 3000$ từ trường Ngee Ann để làm vốn cho công việc kinh doanh kem của mình.
Những sinh viên bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh cũng được nhà trường hỗ trợ việc thuê cơ sở kinh doanh lên tới 80%, tức là họ chỉ việc trả 500$ mỗi tháng.