Với chi phí sinh hoạt cao ngất ngưởng, Singapore đã soán ngôi Tokyo và trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới trong năm nay.
Theo khảo sát chi phí sinh hoạt toàn cầu của Economist Intelligence Unit (EIU), cơ quan nghiên cứu thuộc tạp chí uy tín The Economist, Singapore đã vượt qua 131 thành phố trên toàn cầu để trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới trong năm 2014, đánh bật vị trí đầu bảng của Tokyo vào năm 2013.
Kết quả này được đưa ra sau khi EIU làm cuộc khảo sát 131 thành phố trên thế giới về giá sản phẩm và dịch vụ như thực phẩm, quần áo, giao thông, trường học tư và hỗ trợ trong nước, lấy New York làm chuẩn so sánh.
Singapore trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới
“Chi phí sở hữu ô tô ở Singapore cao hơn bất cứ nơi nào do phí đăng ký giấy phép đắt “cắt cổ”. Do đó, phí giao thông ở đảo quốc sư tử cao gấp 3 lần ở New York (Mỹ). Một chiếc xe Corolla Altis mới có giá 110.000 USD tại Singapore, so với chỉ 35.000 USD tại quốc gia láng giềng Malaysia.
Đây cũng là thành phố đắt đỏ nhất về giá trang phục trên toàn cầu, do các hãng bán lẻ ở đây thường nhập hàng xa xỉ châu Âu.
Giá trị đồng đôla Singapore đã tăng 40%, trong khi chi phí điện nước thành phố này cũng cao thứ ba thế giới do phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng và nước ngọt từ bên ngoài.
Xếp sau Singapore, 4 thành phố khác nằm trong Top 5 thành phố đắt đỏ nhất thế giới bao gồm: Paris (Pháp), Oslo (Na Uy), Zurich (Thụy Sĩ) và Sydney (Australia). Tokyo giờ đây rơi xuống hạng thứ sáu.
Top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2014 theo bảng xếp hạng của EIU
Ngoài ra, là một thành phố- nhà nước với rất ít tài nguyên thiên nhiên, Singapore phụ thuộc vào các nước khác về năng lượng và nguồn cung cấp nước, khiến nó trở thành điểm đến đắt đỏ thứ ba thế giới về các chi phí tiện ích.
Bảng so sánh các tiêu chí xếp hạn, lấy New York làm chuẩn so sánh.
“Giá cả ngày càng đắt đỏ tại các thành phố của châu Âu cũng như sự gia tăng giá cả tại các thành phố ở châu Á đồng nghĩa với việc nhiều thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới sẽ nằm tại hai khu vực này,” biên tập viên của chương trình khảo sát của EIU, ông Jon Copestake, nhận định.
Hầu hết các thành phố châu Á đứng ở đầu bảng xếp hạng chủ yếu là do phi phí đồ tạp phẩm đắt đỏ. Tokyo vẫn đứng đầu danh sách về thực phẩm hàng ngày. Tuy nhiên, châu Á cũng là nơi có những thành phố có mức chi phí sinh hoạt rẻ nhất, trong đó có 2 thành phố của Ấn Độ bao gồm Newdeli, Mumbai, còn Karachi (Pakistam) cũng lọt top này.
Tại Việt Nam, EIU cho biết có tiến hành khảo sát tại 2 thành phố là Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên, kết quả cụ thể không được công bố trong báo cáo này.