Lễ cúng tất niên là cột mốc quan trọng để khép lại năm cũ, chuẩn bị bước sang năm mới, được thực hiện vào những ngày cuối năm. Chọn ngày giờ đẹp cúng tất niên sẽ mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ.
Tất niên còn gọi là lễ tất niên hay tiệc tất niên là một nghi thức nhằm đánh dấu kết thúc một năm và chuẩn bị bước sang năm mới. Cúng tất niên là tục lệ truyền thống đã có từ rất lâu đời, đây là dịp để gia đình, con cháu chuẩn bị mâm cơm dâng lên thần linh, tổ tiên nhằm báo cáo tới các đấng bề trên về những việc đã làm được và chưa làm được trong suốt một năm qua. Đây cũng là dịp để con cháu quây quần, đoàn tụ sau những ngày làm ăn xa nhà.
Vào những ngày cuối năm, người dân Việt Nam thường làm một mâm lễ cúng Tất niên. Trước là dâng kính Thần linh, Gia tiên bày tỏ chân tâm, lòng thành, sau là bữa cơm đoàn viên sum vầy của gia đình, tiễn năm cũ đón năm mới. Theo các chuyên gia phong thủy, mâm cúng tất niên không cần quá linh đình, khoa trương, nhưng vẫn phải đủ lễ nghi thể hiện sự tôn trọng, tôn kính với đấng bề trên.
Ngày đẹp, giờ đẹp cúng tất niên năm nay
Theo chuyên gia phong thủy Song Hà, trong tháng Chạp năm Giáp Thìn, có 1 số ngày tốt giờ tốt có để làm lễ cúng lễ tất niên gồm:
Ngày 26 tháng Chạp (tức 25/1/2025 dương lịch) ngày Giáp Ngọ có các khung giờ đẹp:
- Đinh Mão (5h-7h): Ngọc Đường
- Nhâm Thân (15h-17h): Thanh Long
- Quý Dậu (17h-19h): Minh Đường.
Ngày 27 tháng Chạp (tức 26/1/2025 dương lịch) ngày Ất Mùi có các khung giờ đẹp:
- Kỷ Mão (5h-7h): Bảo Quang
- Tân Tị (9h-11h): Ngọc Đường
- Giáp Thân (15h-17h): Tư Mệnh.
Ngày 28 tháng Chạp (tức 27/1/2025 dương lịch) ngày Bính Thân có các khung giờ đẹp:
- Nhâm Thìn (7h-9h)
- Kim Quỹ, Quý Tị (9h-11h)
- Bảo Quang, Ất Mùi (13h-15h): Ngọc Đường.
Ngày 29 tháng Chạp (tức 28/01/2025 dương lịch) ngày Đinh Dậu có các khung giờ đẹp
- Quý Mão (5h-7h): Minh Đường
- Đinh Mùi (13h-15h): Bảo Quang
- Kỷ Dậu (17h-19h): Ngọc Đường
Những kiêng kỵ cần nhớ trong mâm cúng tất niên
Phải chuẩn bị lễ cúng trước khi ăn cơm tất niên
Trước khi cả gia đình ăn cơm Tất niên phải chuẩn bị đồ cúng và khấn vái với tổ tiên. Lúc cúng, tất cả các thành viên trong gia đình nên mặc quần áo đẹp, sạch sẽ cùng tụ họp lại để cúng trình diện trước bàn thờ gia tiên. Nếu không sẽ dễ dẫn đến lục đục trong gia đình trong năm mới.
Không cười đùa, thiếu nghiêm túc khi làm lễ cúng
Khi làm lễ cúng tất niên, bạn tuyệt đối không nên cười đùa, nói chuyện to hoặc nói tục, chửi bậy vì như vậy được xem là bất kính, không thành tâm với bề trên.
Làm đổ vỡ đồ dùng trong nhà
Cần tránh làm đổ vỡ đồ dùng, bát đĩa trong nhà đặc biệt là trong mâm cơm vì theo quan niệm của người xưa, đổ vỡ mang tới điềm xui xẻo.
Do đó, khi tiến hành các nghi lễ quan trọng nên hết sức cẩn thận để tránh xảy ra đổ vỡ.
Tránh căng thẳng khi dùng bữa cơm tất niên
Sau lễ cúng tất niên, hạ lễ chính là bữa cơm đoàn viên của gia đình. Đây là thời khắc quý giá để mọi thành viên trong nhà có thể trò chuyện, nhìn lại những gì đã qua trong năm cũ. Đồng thời cũng là cơ hội để cùng nhau hứa hẹn những kế hoạch, mong ước trong năm mới. Cố gắng cùng nhau tạo ra không khí vui vẻ, hoà ái, tránh đánh mắng, cãi cọ, quát tháo nhau trong bữa cơm.
Mâm cơm cúng không được xuề xòa như ngày thường
Tùy thuộc theo vùng miền và điều kiện gia đình, mỗi nơi sẽ có mâm cơm cúng khác nhau, nhưng một số vật phẩm nhất định phải có khi cúng theo phong tục của người Việt đó là: mâm ngũ quả, hương hoa, vàng mã, trầu cau, rượu, bánh chưng... Các món ăn trong ngày Tết sẽ được bầy biện trang nghiêm trên bàn thờ.
Văn khấn cúng tất niên
Theo sách Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hóa thông tin), văn khấn lễ tất niên chuẩn truyền thống như sau:
Nam mô a di đà phật!
Nam mô a di đà phật!
Nam mô a di đà phật!
Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần. Con kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái tuế Chí đức Tôn thần.
Con kính lạy các ngài bản cảnh Thành hoàng Chư vị đại vương. Con kính lạy các ngài ngũ phương, ngũ thổ long mạch, tài thần, bản gia Táo Quân cùng tất cả vị thần linh cai quản ở trong xứ này.
Con kính lạy chư gia cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, tiên linh nội ngoại họ... Hôm nay là ngày 30 tháng chạp năm..., tín chủ chúng con là... ngụ tại ...
Trước án kính cẩn thưa trình:
Đông tàn sắp hết. Năm kiệt tháng cùng. Xuân tiết gần kề. Minh niên sắp tới. Hôm nay là ngày 30 Tết, chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh thịnh soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng thiên địa tôn thần, phụng hiến tổ tiên, truy niệm chư linh.
Theo như thường lệ tuệ trừ cáo tế cúi xin chư vị tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chư vị hương linh giáng lâm án tọa, phủ thùy chứng giám, thụ hưởng lễ vật phù hộ cho toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng, luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận.
Nam mô a di đà phật!
Nam mô a di đà phật!
Nam mô a di đà phật!
* Thông tin trong bài mang tính tham khảo.