Tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng vọt, nhiều gia đình cả nhà phải nhập viện.
Mẹ tìm mọi cách chống muỗi để con không bị sốt xuất huyết
Hà Nội hiện đang là trung tâm của dịch sốt xuất huyết khu vực phía Bắc với hơn 5.000 ca mắc từ đầu năm tới nay. Trong số đó, không ít trẻ phải điều trị nhập viện vì biến chứng của căn bệnh này.
Ghi nhận của phóng viên tại một số điểm có đông người mắc sốt xuất huyết cho thấy, hiện rất nhiều ông bố, bà mẹ cuống cuồng tìm mọi cách chống muỗi để phòng bệnh cho con.
Chị Minh Nguyệt (Từ Liêm - Hà Nội) cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay chị phải cho con gái 4 tuổi nghỉ học vì sợ đến đến trường con bị muỗi đốt, lây bệnh sốt xuất huyết từ người khác sang.
"Từ khi báo đài nói rầm rộ về dịch sốt xuất huyết, tôi phải cho con nghỉ học ở trong nhà, vì sợ đến trường con bị muỗi đốt lây bệnh. Người lớn bị còn khổ như vậy, trẻ con thì không biết như thế nào, cứ phòng hơn chống", chị Nguyệt chia sẻ.
Còn chị Thu Hà (Hà Đông - Hà Nội) cũng lo lắng không kém, con trai 3 tuổi của chị rất nhạy cảm với thay đổi thời tiết cũng như dịch bệnh.
Nói về dịch sốt xuất huyết, chị Hà thốt lên: "Nhà tôi phải phòng bằng đủ mọi cách đấy, trong nhà không có một con muỗi nào".
Khi đi làm, chị Thu Hà vẫn luôn lo lắng ở nhà con bị muỗi đốt và mắc bệnh sốt xuất huyết.
Hàng ngày chị Hà phải đốt tinh dầu chống muỗi, ngay dưới đầu giường chị phải để 2-3 củ sả để muỗi khỏi vào. Không chỉ có vậy, khi đi ngủ chị bật điều hòa, cho con mặc áo dài vì sợ muỗi đốt.
"Tốn tiền điện tôi cũng chấp nhận, miễn làm sao muỗi không đốt con tôi là được", chị Thu Hà Nói.
Bố mẹ mắc sốt xuất huyết phải gửi con về quê
Tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, ghi nhận của chúng tôi cho thấy, có nhiều trường hợp cả bố mẹ mắc sốt xuất huyết và phải gửi con về quê vì sợ lây bệnh.
Điển hình là một gia đình ở Hoàng Mai (Hà Nội). Người đầu tiên vào viện là chị H. (35 tuổi), có biểu hiện sốt cao, chảy máu chân răng. Sau khi làm xét nghiệm, chị H. phải nhập viện ngay vì mắc sốt xuất huyết.
Trong quá trình ở viện, chồng là người thường xuyên vào chăm sóc vợ. Sau 3 ngày điều trị, chồng bắt đầu thấy sốt, có biểu hiện giống như vợ trước khi vào viện. Khi khám và làm test nhanh, các bác sĩ chẩn đoán người chồng cũng mắc sốt xuất huyết và cũng được nhập viện điều trị cùng vợ.
Lo con mắc bệnh, chị H. phải chuyển về quê với ông bà nội.
Chia sẻ với chúng tôi tại phòng bệnh, chị H. cho biết: “Giờ cả hai vợ chồng cùng mắc sốt xuất huyết phải điều trị, nên tôi phải gọi bà nội lên đưa 2 con về quê. Chỉ sợ cho ở nhà rồi muỗi đốt lại lây bệnh”.
Theo TS Đỗ Duy Cường (Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai), việc hai vợ chồng cùng mắc sốt xuất huyết không phải hiếm gặp, thậm chí khoa đã từng tiếp nhận những trường hợp cả 4 người trong một nhà nhập viện điều trị do sốt xuất huyết.
Hay có những trường hợp, một phòng trọ có 4 người ở chung nhau mắc sốt xuất huyết và cùng nhập viện một lúc. Điển hình như trường hợp bạn Nguyễn Đình T. (21 tuổi) đang điều trị ở khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai.
“Phòng em có 4 người thì cả 4 người cùng mắc sốt xuất huyết, hiện em và 1 bạn nữa đang điều trị tại đây, hai bạn còn lại thì điều trị tại Bệnh viện Đống Đa”, T. chia sẻ.
BS Cường đang khám cho nam sinh viên mắc sốt xuất huyết.
Theo lời kể của T., 3 năm ở trọ, chuyện bị muỗi đốt là bình thường, nhưng không ngờ lần này cả phòng lại mắc bệnh như vậy. “Tại bọn em chủ quan ngủ chỉ bật quạt chứ không mắc màn, nên mới bị muỗi đốt và mắc bệnh”, T. nói.
Ngoài Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, một số bệnh viện khác ở Hà Nội cũng đang trong tình trạng quá tải vì số người nhập viện do sốt xuất huyết gia tăng. Ví dụ điển hình nhất là Bệnh viện Đống đa, số người nhập viện do sốt xuất huyết trong tháng 7 tăng đột biến, bệnh viện phải huy động thêm giường bệnh, bác sĩ để tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân.
Được biết, đối tượng mắc sốt xuất huyết đang được điều trị nhiều nhất tại bệnh viện này là sinh viên các trường đại học.
Phòng và chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn, loài muỗi này thường sống trong nhà, đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước. Vì vậy trẻ có thể bị muỗi chích vào ban ngày hoặc xẩm tối. Để phòng ngừa bệnh, các gia đình nên tích cực diệt muỗi, loăng quăng, ngủ màn kể cả ban ngày. Ngoài ra, có thể sử dụng các sản phẩm kem hoặc xịt chống muỗi, mặc quần áo dài tay…Quan trọng nhất là phải tuyên truyền mọi người xung quanh, cộng đồng cùng tham gia phòng chống dịch. Khi trẻ có dấu hiệu bị sốt xuất huyết, cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để có chẩn đoán chính xác và kịp thời. Nếu trẻ bị nhẹ có thể chăm sóc ở nhà, khi đó phụ huynh cần chú ý: - Việc đầu tiên là hạ sốt cho trẻ bằng cách cho uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và lau mát. Khi lau mát nên chú ý lau bằng nước ấm ở các kẽ nách, háng. Lau nhanh ở ngực, lưng vì hai nơi này dễ dẫn đến viêm phổi. - Trẻ bị bệnh, cần được khuyến khích ăn uống nhiều nước (nước sôi để nguội, cam, chanh, dừa…). Các bậc phụ huynh cũng nên nhớ đừng cho trẻ ăn uống những thức ăn có màu sẫm vì khó phân biệt với màu máu khi trẻ ói hoặc đi ngoài. - Luôn ở bên cạnh trẻ để theo dõi diễn biến của bệnh, có phát hiện dấu hiệu trở nặng của sốt xuất huyết không (như ói mửa nhiều, đau bụng, bứt rứt, quấy khóc, tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi; chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói và đi tiêu ra máu...). Lúc này cha mẹ phải cho trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời. |