Suýt mất tử cung vì… đẻ mổ

Ngày 05/03/2013 08:37 AM (GMT+7)

Khi đứa con đầu tiên được 3 năm (sinh bằng phương pháp mổ đẻ), vợ chồng chị N. T. H (Đông Anh, Hà Nội), quyết định sinh tiếp.

Vậy nhưng, khi thai nhi được 14 tuần, chị H bị ra máu âm đạo. Được đưa vào bệnh viện cấp cứu, chị tiếp tục bị chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, nguyên nhân do vỡ tử cung vì có thai tại vết mổ đẻ cũ.

Thảm họa đối với bất kỳ thai phụ nào

Bác sĩ Bùi Văn Giang (Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh –BV Xanh Pôn, Hà Nội) – người trực tiếp tham gia vào ca cấp cứu cho chị H kể: Ngày 23/1 chị H đau bụng dưới, ra máu âm đạo nên vào BV Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) khám. Ngay sau đó bệnh nhân được chuyển đến BV Xanh Pôn trong tình trạng đau bụng dữ dội, biểu hiện lâm sàng mất máu cấp, bắt đầu rơi vào trạng thái sốc. Sau khi siêu âm, các bác sĩ đã chẩn đoán chị bị vỡ tử cung do mang thai 14 tuần tại sẹo mổ đẻ cũ.

Theo BS Giang, trong tháng 1/2013, BV Xanh Pôn đã phẫu thuật cấp cứu cho hai trường hợp tương tự. “Bình thường, khi đã siêu âm chẩn đoán thai phụ chửa tại vết mổ đẻ cũ, đề phòng chảy máu không kiểm soát được, các bác sĩ sẽ tiến hành cấp cứu. Cắt bỏ tử cung là một thảm họa đối với bất kỳ sản phụ nào...”, BS Giang nói.

BS Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh (BV Xanh Pôn) chia sẻ:  Đây không phải là hiếm gặp, nguy cơ của nó ngoài gây vỡ tử cung vì với hầu hết những trường hợp này, chỗ vết sẹo tử cung thường là nơi yếu nhất, dễ bị bục vết mổ gây vỡ tử cung khi các cơn co tử cung tăng mạnh. Ngoài ra có thể gây ra rau cài răng lược, dẫn đến tình trạng chảy máu dữ dội.

Suýt mất tử cung vì… đẻ mổ - 1
Thai phụ và gia đình cần thay đổi tư duy về việc mổ đẻ, bởi nó có thể đe dọa đến thai phụ và em bé trong lần sinh sau. Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Theo một thống kê tại BV Phụ sản Hà Nội, từ năm 2008-2012, số trường hợp bị chửa tại vết mổ đẻ cũ lên tới 151 ca. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều không biết bản thân mình bị, do siêu âm không phát hiện ra.

BS Giang cũng thông tin: Hiện nay có hai phương pháp để mổ cấp cứu các trường hợp chửa tại vết mổ đẻ cũ, đó là truyền hóa chất để hủy thai, can thiệp phá thai dưới hướng dẫn của siêu âm. Tuy nhiên, nếu xử trí theo hướng hút thai thì nguy cơ chảy máu không cầm nổi, trường hợp phẫu thuật cũng có nguy cơ phải cắt bỏ tử cung. Trước khó khăn đó, các bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội đã hội chẩn với các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh BV Xanh Pôn và đi đến quyết định nút tắc toàn bộ các mạch máu nuôi khối thai để tiến hành gắp thai an toàn, bảo tồn toàn bộ tử cung thai phụ sau đó.

Theo các bác sĩ, nút mạch là giải pháp tối ưu cho những trường hợp như chị H trên đây. Kỹ thuật này còn được áp dụng cho cả các trường hợp chảy máu sau đẻ, rau cài răng lược, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung. Trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng phương pháp này. Tuy nhiên tại Việt Nam, sự hợp tác giữa BV Xanh Pôn và BV Phụ sản Hà Nội trong việc áp dụng phương pháp nút mạch gắp thai bảo tồn tử cung sản phụ là trường hợp đầu tiên.

Ai cũng có thể “dính”!

Vậy những ai là đối tượng nguy cơ có thể bị chửa tại vết mổ đẻ cũ? Theo BS Giang, tất cả những người đã từng một lần sinh con bằng phương pháp mổ đều có thể “dính”. Thời gian, khoảng cách giữa các lần mang thai không ảnh hưởng đến nguy cơ bị. Tuy nhiên, xác suất sau một lần phẫu thuật, bỏ thai vì chửa tại vết mổ đẻ cũ, nguy cơ mắc lại là rất cao.

Theo các chuyên gia sản khoa, hiện nay, việc mổ đẻ đang có xu hướng bị lạm dụng, thậm chí, nhiều trường hợp sản phụ và người nhà nằng nặc đề nghị bác sĩ “chỉ định đẻ mổ”. Theo khảo sát tại một số bệnh viện lớn trong cả nước, tỷ lệ mổ đẻ lên tới 40-60%, trong khi trên thế giới, chỉ có 15% sản phụ phải mổ lấy thai theo chỉ định y khoa.

Theo số liệu của BV Phụ sản Hà Nội, trong năm 2012, có hơn 45.900 ca đẻ, trên 50% trong đó là sinh mổ. Đây cũng là bệnh viện nằm trong “top đầu” các bệnh viện có tỷ lệ mổ lấy thai lớn nhất cả nước.

Các bác sĩ sản khoa chia sẻ: Có nhiều nguyên nhân của sự lạm dụng này, phần lớn do sản phụ và gia đình yêu cầu với nhiều lý do như: Chọn “ngày giờ tốt”, dễ nhớ, đặc biệt để sinh con; gia đình thấy sản phụ đau, chờ lâu nên gây áp lực để bác sĩ phải chỉ định mổ. Tình trạng viết đơn tay xin được mổ đẻ là chuyện rất bình thường tại các bệnh viện sản khoa, khoa sản lớn trong cả nước…

Trong khi đó, việc mổ đẻ không phải là giải pháp tốt cho bản thân mẹ và bé, trừ những trường hợp như theo tư vấn của BS Lê Thiện Thái – Trưởng khoa Đẻ, BV Phụ sản Trung ương: Chỉ định mổ là những sản phụ không thể đẻ được đường dưới do khung chậu người mẹ, thai to, ngôi bất thường, mổ đẻ cũ, rau tiền đạo, nhau bong non, các bệnh nặng của mẹ... Đôi khi nguy cơ đẻ mổ tai biến có thể cao hơn đẻ thường. Đẻ mổ còn tiêu tốn một lượng kinh phí của nhà nước và bệnh nhân, hậu sản kém hơn, những lần có thai sau sẽ khó khăn, vất vả hơn. Vỡ tử cung trong những lần có chửa sau đó là một ví dụ điển hình.

Suýt mất tử cung vì… đẻ mổ - 2

Bác sĩ Bùi Văn Giang (trong ảnh) khuyến cáo: Khi mang thai, các thai phụ cần tuân thủ nghiêm ngặt định kỳ khám và siêu âm thai. Với biến chứng chửa tại vết mổ đẻ cũ, thai khoảng 5-12 tuần là có thể siêu âm thấy. Việc can thiệp càng sớm càng tốt cho thai phụ. Tuy nhiên, vấn đề trở ngại là việc siêu âm phát hiện biến chứng này không hề dễ dàng, phải là các bác sĩ có trình độ, kinh nghiệm mới phát hiện ra. Do đó, thai phụ cần đến các cơ sở y tế uy tín, khám và siêu âm thai kỹ càng để đề phòng trường hợp trên đây. Quan trọng nhất là thai phụ và gia đình cần thay đổi tư duy về việc mổ đẻ, bởi nó có thể đe dọa đến thai phụ và em bé trong lần sinh sau.

Theo Thu Nguyên (Gia đình và Xã hội)
Nguồn:

Tin liên quan