Tâm bão số 3 có thể đi qua các huyện ngoại thành phía Nam Hà Nội trong vài giờ tới. Vào thời điểm đó, bão sẽ suy yếu, không còn ở cấp 10-11 song vẫn gây mưa lớn, gió giật mạnh cho đến hết đêm nay.
Bão đổ bộ vào khu vực nào của Hà Nội đầu tiên?
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 19h tối nay (ngày 7/9), vị trí tâm bão ở vào khoảng 20.9 độ Vĩ Bắc; 106.0 độ Kinh Đông, trên đất liền Hải Dương. Sức gió mạnh nhất cấp 10-11 (89-117km/h), giật cấp 13. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15km/h.
Đối chiếu theo bản đồ bão, tâm bão sẽ từ Hải Dương đi ngang qua Hưng Yên, rồi tới các huyện ngoại thành phía Nam của Thủ đô Hà Nội, vào khoảng 21-22 giờ đêm nay.
Cây xanh ở Hà Nội bật gốc do gió mạnh, mưa lớn.
Từ khoảng 16 giờ, người dân Hà Nội đã cảm nhận được sức mạnh của bão số 3, vốn là siêu bão khi còn ngoài biển Đông và cập bờ với sức mạnh hiếm có trong 30 năm trở lại đây. Tại khu vực Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm có gió rít mạnh. Mưa không quá lớn xét về cường độ nhưng với sức gió quất ràn rạt xuống mặt đường, nhiều cây trên vỉa hè đã gãy cành, rơi đầy đường. Đường phố vắng người qua lại.
Mưa và gió mạnh nên một vài người còn lại di chuyển bằng xe máy rất khó khăn và nguy hiểm. Tại khu vực phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, cư dân trong khu chung cư cao tầng Vinhomes Smart City đã sớm kiểm tra lại từng chốt cửa, để chắc chắn gió không thể lọt vào bên trong. Ban quản lý khu chung cư liên tục phát loa thông báo cho người dân về tình hình diễn biến cơn bão.
Ngoài đường, những đợt gió mạnh dần lên, quật đổ nhiều cây xanh. Số ô tô còn đậu ngoài đường được chuyển vào khu vực trú bão miễn phí, an toàn của khu đô thị.
Tối 7/9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo trong thời gian tiếp theo, bão số 3 này sẽ có xu hướng di chuyển theo hướng Tây. Như vậy nó sẽ đi qua các khu vực đồng bằng, trung du Bắc bộ hướng về phía các tỉnh Tây Bắc bộ. Tốc độ di chuyển trong những giờ tới ước tính khoảng 20km/h.
"Với tốc độ di chuyển như vậy thì chúng tôi cảnh báo trong thời gian tới, đặc biệt thời điểm này cho đến hết đêm nay thì khu vực các tỉnh thuộc đồng bằng, trung du Bắc bộ, trong đó có cả các tỉnh Đông bắc bộ như Hải Phòng, Quảng Ninh vẫn chịu tác động của gió mạnh của cơn bão số 3 này. Đặc biệt chúng tôi muốn nhấn mạnh đó là trong cơn bão thứ 3 này gió rất mạnh, nó giật rất nguy hiểm, các cây, vật cao chính là chịu các tác động mạnh này.
Từ sau khoảng đêm nay đến sáng mai khi mà cơn bão đi sâu vào đất liền và di chuyển về phía Tây thì bắt đầu cường độ suy giảm và suy giảm thành áp thấp nhiệt đới, thậm chí là thành vùng thấp và tan dần", ông Mai Văn Khiêm cho hay.
"Đối với khu vực Hà Nội, từ giờ cho đến đêm, Hà Nội vẫn chịu tác động của gió mạnh tầm cấp 6, cấp 7. Đặc biệt chúng tôi muốn nhấn mạnh về gió giật mạnh, cường độ gió mạnh trong khoảng thời gian từ giờ cho đến nửa đêm. Sau khi hoàn lưu của cơn bão này di chuyển dọc lên phía Tây thì có thể gây ra gió giật mạnh cấp 10, cấp 11", ông Khiêm nói.
Với thực tế gió giật mạnh như vậy, ảnh hưởng thiệt hại đến cây đổ trong chiều ngày hôm nay thì chúng ta cần thiết phải khuyến nghị người dân lưu ý trong khoảng thời gian từ giờ cho đến hết đêm nay khi mà hoàn lưu cơn bão số 3, kể cả khu vực Hà Nội cố gắng tránh trú, đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.
4 người thiệt mạng, 78 người bị thương do bão số 3
Thông tin sơ bộ về thiệt hại do bão số 3 gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tính đến 17h30 ngày 7/9, đã có 4 người thiệt mạng (Quảng Ninh 3, Hải Dương 1, không tính 1 người thiệt mạng tại Hà Nội do dông lốc chiều 6/9) và 78 người bị thương (Quảng Ninh 58, Hải Phòng 20).
Về tàu thuyền, có 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh), 1 tàu vận tải (Huyền Trang 02 - Hải Phòng) bị đứt neo trôi dạt. Về điện lực: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương mất điện diện rộng.
Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh - Nghệ An và Quảng Bình đã cấm biển. Tính đến chiều 7/9, đã sơ tán 52.979 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn (Quảng Ninh: 3.460 người; Hải Phòng: 23.581 người; Thái Bình: 21.510 người; Nam Định: 1.743 người; Ninh Bình: 2.685 người).
Đã triển khai các phương án đảm bảo an toàn các trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công từ Quảng Ninh đến Ninh Bình (31 trọng điểm) nhất là các tuyến đê tại Quảng Ninh, Hải Phòng (12 trọng điểm), có phương án chống tràn cho các tuyến đê.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Đối với miền núi phía Bắc, yêu cầu các địa phương phải triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.
Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ chứa xung yếu, đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống. Triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Duy trì lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.