"Nghề này bạc bẽo quá, sự tôn trọng đối với nghề chẳng còn nữa nên tôi xin ra khỏi biên chế giáo dục không chút nuối tiếc. Tôi nghĩ rằng, nếu mình là người có năng lực, chẳng việc gì phải bám lấy hai từ “biên chế” mà đày đọa bản thân"...
Câu chuyện về thầy giáo cũng là thạc sĩ đầu tiên của huyện miền núi sau 16 năm công tác đã viết đơn xin ra khỏi ngành giáo dục đang làm xôn xao dư luận những ngày qua.
Đơn xin ra khỏi ngành biên chế giáo dục của thầy Đoàn Hùng Cường
Hai từ “biên chế” được cho là điều gì đó rất khủng khiếp với giáo viên, là niềm mong đợi của biết bao người. Có những giáo viên đã phải đánh đổi tất cả để được đứng trong hàng ngũ biên chế ngành giáo dục.
Vậy tại sao một giáo viên 16 năm kinh nghiệm, một thạc sĩ đầu tiên của huyện miền núi lại quyết tâm nói lời dã từ với hai từ “biên chế”?
Chiều 11/9 chia sẻ với PV báo Infonet, thầy Đoàn Hùng Cường (SN 1979) cho hay: “Tôi tốt nghiệp ĐH và sau hơn 1 năm (năm 2001) thì chính thức được nhận dạy tại trường THCS Thị Trấn Bình Liêu.
Sau đó, từ năm 2004 tôi được đề cử làm chuyên viên của Phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu và trở thành một trong những cán bộ trẻ nhất của phòng. Đến năm 2009, khi chứng kiến quá nhiều bất cập, tôi xin được về làm giáo viên đứng lớp giảng dạy tại trường THCS Tình Húc (huyện Bình Liêu) chứ cũng không mong muốn được làm hiệu trưởng hay hiệu phó.
Thời gian đó, tôi âm thầm luyện tập tiếng Anh và năm 2010 tôi thi đỗ thạc sĩ ngành Lí luận văn học tại ĐH sư phạm Hà Nội.
Tôi có mang kết quả trúng tuyển về Phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu để xin đi học theo công văn 2871 của tỉnh Quảng Ninh về ưu đãi nhân tài. Tuy nhiên, tôi không được hưởng chế độ này với lời giải thích là không thuộc diện trong quy hoạch cán bộ nguồn.
Một lãnh đạo phòng GD&ĐT đã nói với tôi: “Hiện nay huyện mình chưa cần trình độ thạc sĩ em ạ”. Tôi thấy ngay cả lãnh đạo giáo dục một huyện mà còn không trọng việc phát triển chuyên môn, trọng dụng tài năng thì cũng không còn gì để nuối tiếc.
Quá chán ngán, tôi xin nghỉ việc không lương để đi học cao học. Suốt quãng thời gian học cao học trên Hà Nội tôi đã phải làm đủ thứ việc để có thể duy trì việc học. Tôi chẳng nề hà việc đi gia sư, làm xe ôm...thậm chí phục vụ quán ăn.
Đến 2012 tôi quay trở về Quảng Ninh với tấm bằng Thạc sĩ ngành Lí luận Văn học. Tôi còn là một trong số ít giáo viên tại huyện Bình Liêu dùng được 2 ngoại ngữ Tiếng Trung và Chứng chỉ B1 tiếng Anh châu Âu. Đến năm 2013 tôi chính thức quay trở về trường THCS Tình Húc với mức lương tầm 1,8 – 2 triệu”.
Bằng thạc sĩ ngành Lí luận Văn học của thầy Cường
Thầy Đoàn Hùng Cường cũng chia sẻ thêm: “Đến 2016 tôi bị điều chuyển về trường THPT Nội trú huyện Bình Liêu và trở thành giáo viên đầu tiên trong huyện có bằng thạc sĩ. Dưới sự dẫn dắt của tôi, lần đầu tiên học sinh dân tộc Tày của nhà trường đạt giải nhì môn Văn cấp tỉnh. Đây được coi là “hiện tượng” của ngành. Bởi lẽ, học sinh dân tộc Tày nói tiếng Kinh còn rất khó khăn chứ nói gì đến việc viết văn.
Đến tháng 8 vừa qua tôi đã viết đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục. 16 năm đứng trên bục giảng tôi đã chứng kiến quá nhiều bất cập của ngành, khao khát thay đổi nhưng lực bất tòng tâm.
Căn phòng trọ dột nát của giáo viên 16 năm dạy học
Yêu nghề ư? Tất nhiên là yêu chứ. Thế nhưng làm sao có thể yêu mãi được khi đồng lương chỉ vẻn vẹn vài triệu, vợ con nheo nhóc, bố mẹ già thì khổ sở. Tôi dạy cách xa nhà gần 130km, tuần nào cũng phải đi đi về về thăm con và bố mẹ. Tôi có hai đứa con, một đứa 3 tuổi, một đứa 5 tuổi, vợ không nghề nghiệp, bố mẹ lại già. Bản thân lại bị bệnh hen, bị khó thở…nhiều đêm không thở được nhưng một mình vẫn phải vật lộn. Tôi mong muốn được chuyển công tác về gần nhà nhưng xin mãi không được.
Nghề này bạc bẽo quá, sự tôn trọng đối với nghề chẳng còn nữa nên tôi xin ra khỏi biên chế giáo dục không chút nuối tiếc. Tôi nghĩ rằng, nếu mình là người có năng lực, chẳng việc gì phải bám lấy hai từ “biên chế” mà đày đọa bản thân.
Từ khi được phê duyệt ra khỏi ngành thực sự là tôi thấy ăn cơm ngon hơn và ngủ ngon hơn. Ngày trước có những lúc đang ngủ tôi còn mơ mình phải làm giáo án, phải lên lớp tới ám ảnh luôn.
Điều khiến tôi thấy hạnh phúc nhất kể từ khi ra khỏi ngành là cảm giác sung sướng, thoải mái không còn bị áp lực chuyện kiểm tra giáo án, lập các kế hoạch…
Căn nhà trọ của thầy Cường khi thầy còn công tác tại trường THPT Nội trú huyện Bình Liêu
Khi PV thắc mắc “nếu thời gian quay trở lại thầy có chọn sư phạm nữa không?” thì thầy Cường cho hay: “Chúng ta không có quyền được chọn lại quá khứ nhưng chúng ta điều khiển được hiện tại và tương lai. Chính vì thế, tất cả những người thân của tôi thì tôi sẽ khuyên đừng ai bước chân vào ngành sư phạm”.
Nội dung công văn 2871/ 2004/QĐ-UB ngày 19/8/2004 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc khuyến khích đào tạo và bồi dưỡng nhân tài: Đối tượng được cơ quan có thẩm quyền theo quy định cử đi học trong nước được hưởng các chế độ sau: Được hưởng nguyên lương cơ bản và các khoản phụ cấp lương theo chế độ hiện hành; Được thanh toán tiền vé tàu xe đi về theo các kỳ học từ cơ quan đến nơi học tập theo quy định (kể cả nghỉ tết, nghỉ hè); Được thanh toán tiền học phí của khoá học; Được hỗ trợ tiền ở đối với các học viên ở xa theo thực tế nhưng không quá 600.000 đồng/tháng, không quá 20.000 đồng/ngày; Được thanh toán tiền mua tài liệu, giáo trình phục vụ học tập trong chương trình chính khoá theo thực tế nhưng không quá 500.000 đồng/năm; Được thanh toán tiền đi thực tập theo quy định của nhà trường theo thực tế nhưng không quá 1.500.000 đồng/khoá học; Học ngoài tỉnh: Mỗi tháng học được trợ cấp bằng 1,5 lần tháng lương tối thiểu. Các lớp bồi dưỡng: Học ngoài tỉnh: Mỗi tháng học được trợ cấp 200.000 đồng. |