Hoàn lưu bão số 3 đã gây ra thiệt hại nặng nề cho nông dân xã Hà Thanh (Tứ Kỳ, Hải Dương) với hàng trăm tấn cá lồng bị mất và hầu hết diện tích chuối xuất khẩu bị tàn phá.
Ông Nguyễn Trọng Tải - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Hà Thanh nói về những thiệt hại về chuối, cá lồng tại địa phương.
Ngập lụt do hoàn lưu bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân ở Hải Dương. Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, hiện nay hầu hết diện tích trồng chuối xuất khẩu đã bị phá hủy.
Đứng trên con đê cấp thôn Hữu Trung (xã Hà Thanh), PV Tiền Phong chứng kiến cảnh hoang tàn, phía trong con đê là cánh đồng chuối hữu cơ bạt ngàn trĩu quả, bị gió bão quật gãy ngang thân ngâm dưới nước nhiều ngày. Toàn bộ số chuối là cuộc sống và tương lai của người dân nơi đây.
Nguyễn Trọng Tải (55 tuổi, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Hà Thanh) cho biết, cơn bão số 3 đã lấy đi tất cả cơ nghiệp của người dân nơi đây, 170 héc ta chuối xuất khẩu, cùng với chuối tiêu phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới đã bị cơn bão cuốn đi. Bao nhiêu hi vọng, ước mơ làm giàu phút chốc tan biến.
“Toàn bộ diện tích trồng chuối hữu cơ của người dân đã được ký hợp đồng với doanh nghiệp để cuối năm xuất khẩu sang các nước các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản. Theo giá hợp đồng ký với doanh nghiệp, 1 sào chuối doanh nghiệp thu mua 19 đến 21 triệu đồng tùy theo chất lượng. Thực sự xót xa, tiếc nuối!”, ông Tải ngậm ngùi nói.
Bên cạnh chuối xuất khẩu, chuối tiêu hồng cũng mang lại nguồn lợi lớn cho người nông dân. Theo ông Tải, những ngày giáp Tết, mỗi buồng chuối tiêu hồng có giá dao động từ 1 đến 1,2 triệu đồng/buồng nghìn đồng. Ước tính, mỗi sào chuối trồng được khoảng 60 cây, người trồng chuối Tết thu về khoảng 70 triệu đồng/sào.
Theo thống kê, một số hộ trồng chuối xuất khẩu ở xã Hà Thanh, bão đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng, bao nhiêu tiền của dồn đầu tư vào cây chuối đến giờ trắng tay.
Phía trong đê thì chuối đổ sập, còn phía ngoài bờ sông là dãy lồng cá bị nước lũ đánh cho tan tác và người dân đang cố sửa chữa, khắc phục để bắt đầu vào vụ cá mới.
Bần thần dọn về sinh để chuẩn bị sửa chữa hệ thống lồng cá tái sản xuất, ông Phạm Văn Huận (xóm Hữu Trung, xã Hà Thanh) buồn rầu nói, trong trận lũ vừa rồi đã gây ra thiệt hại lớn cho gia đình ông. Rác từ thượng nguồn đổ về đánh dựng đứng 6 lồng cá của ông, toàn bộ hơn 10 tấn cá trôi sông hết.
“Lũ về nước dâng lên liên tục, tôi ra túc trực ở đây để chằng néo lồng cá khỏi bị trôi. Khi tôi đang lúi húi chằng chéo lồng cá, thì bất ngờ một “núi” rác ập xuống đánh toang toàn bộ lồng cá. Lúc đó, rất may chạy kịp, nếu không lồng cá dựng lên đánh úp vào người, giờ không còn ngồi đây được nữa”, ông Huấn kể lại.
Ông cũng cho biết, dù nhanh chân thoát nạn, những vẫn bị thanh sắt quật vào chân, gây ra vết thương ở đầu gối và phải khâu đến 10 mũi. “Dù vết thương chưa lành, ngồi ở nhà không yên, hàng ngày vẫn ra để dọn dẹp lồng cá, chuẩn bị gọi thợ vào sửa sang lồng cá, tiếp tục vào giống”, ông Huận nói.
Theo người nuôi cá lồng ở đây chia sẻ, nuôi cá trở thành nghề nghiệp của người dân xã Hà Thanh, dù thiệt hại lớn, nhưng không bỏ được, phải tiếp tục vay vốn sửa chữa lồng cá tiếp tục sản xuất.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội nông dân xã Hà Thanh cho biết, hiện nay nguồn vốn trong dân đã cạn kiệt, tất cả vốn liếng tập trung đầu tư xây dựng vào chuối xuất khẩu, chuối tiêu hồng phục vụ Tết nguyên đán sắp tới và đầu tư lồng cá sản xuất. Người dân mong muốn ngân hàng tạo điều kiện cho người dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để tái sản xuất.