Hôm qua (15/11) là một ngày Chủ nhật tang thương ở thôn nghèo Quý Thạnh, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Hàng trăm người dân sau khi nghe tin đã tìm về nhà 3 em học sinh chết đuối để chia sẻ nỗi đau và giúp gia đình lo hậu sự.
Khoảng 17h chiều cùng ngày, chúng tôi tìm về thôn Quý Thạnh, nơi 3 em Trần Đức Kha, Đặng Hoàng Lâm và Đặng Trần Hoàng Mẫn, học sinh lớp 4C, trưởng tiểu học Nguyễn Thành chết đuối.
Lúc này, có rất đông người dân đang trên đường tìm về nhà các em. Theo quan sát, nhà của 3 em Kha, Lâm và Mẫn đều cùng trên một con đường, cách nhau khoảng 400 mét.
Anh Nguyễn Văn Dũng, một người dân địa phương đã tận tình dẫn chúng tôi đến địa điểm phát hiện thi thể 3 em. Đó là một hồ nước rộng khoảng 300 mét vuông, ở trên bờ vẫn còn đồ dùng là quần áo, dép, truyện tranh của 3 em để lại.
Người dân vớt đồ dùng các em tại hồ nước
"Hồ nước này do khai thác cát mà không lấp lại nên mưa đầy nước, sâu đến hơn 4 mét. Có nhiều người dân đã buộc tre lại thành bè rồi ngâm dưới hồ để làm nhà. Có thể 3 em đã đến đây chơi, thấy chiếc bè tre nổi lên rồi treo lên đùa chơi dẫn đến chết đuối.
Thi thể 3 em được mò dưới hồ hơn 30 phút mới vớt lên được, chỉ có 2 em mặc quần đùi, còn 1 em vẫn mặc nguyên bộ đồ trên người. Thương tâm lắm!”, anh Dũng nói.
Thầy Huỳnh Kim Thống – Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Thành cho biết: “Cả 3 em đều học cùng lớp 4C, có thành tích học tập loại khá giỏi. Giờ đây, gia đình các em đau nỗi đau mất con, nhà trường mất đi các em học sinh ngoan hiền, chăm học”.
Chúng tôi tìm đến nhà em Trần Đức Kha, cách hồ nước xảy ra chết đuối khoảng 60 mét. Lúc này, người dân giúp gia đình dựng rạp để lo hậu sự. Bên trong, chiếc giường hằng ngày em Kha nằm ngủ giờ đã được treo khăn trắng xung quanh 4 góc. Bà Trương Thị Na (SN 1975, mẹ em Kha) gào khóc thảm thiết: “Con ơi, tỉnh lại đi con ơi! Con bỏ cha mẹ đi sớm quá con ơi! Con mất đi rồi cha mẹ sống sao, con ơi!”. Nhiều người dân có mặt đã không cầm được nước mắt.
Gia đình em Kha đau buồn
Ông Đặng Viết Thanh (dượng em Kha) cho hay, Kha là em út trong gia đình có hai anh em trai. Kha đang học lớp 4C, hạnh kiểm tốt, học lực khá; còn anh trai đang học lớp 9. Buổi chiều xảy ra sự việc, cha em là Trần Đức Thành (SN 1973) đang đi làm công nhân ở nhà máy thép; mẹ em đang ở Tam Kỳ cách nhà hơn 30 km chăm cho mẹ già đau ốm.
“Cháu Kha học giỏi, chăm ngoan, là niềm tự hào của gia đình. Giờ đây cháu mất để lại nỗi đau lớn quá! Chị Na mẹ cháu hay đau ốm, từ chiều giờ cứ gào khóc gọi tên con mà anh em họ hàng trong nhà như đứt từng khúc ruột, xót xa. Trước mắt là lo hậu sự cho cháu, anh em đóng góp lại giúp đỡ vì gia đình anh Thành, chị Na cuộc sống rất khó khăn”, ông Thanh chia sẻ.
Lúc này, tại nhà em Đặng Trần Hoàng Mẫn đông người dân cũng đã đến phụ giúp lo nấu nước, dựng bàn ghế, đón khách đến thăm, chia sẻ. Ông Đặng Văn Minh (SN 1968, cha em Mẫn) ngồi khóc lóc trước nhà. Những người bạn là hàng xóm vỗ về, nắm chặt tay ông chia sẻ. Bà Trần Thị Lắm (mẹ em Mẫn) ngồi bên chiếc giường, nơi để thi thể em Mẫn nằm mà gào khóc đau đớn: “Con ơi con đi sớm quá con ơi! Sao lại ra nông nỗi này con ơi!”.
Mẹ và bà em Mẫn ngồi bên thẫn thờ trước nỗi đau mất mát
Hai vợ chồng ông Minh, bà Lắm đều làm nghề nông, cuộc sống nghèo khó. Mẫn là con trai đầu, sau Mẫn còn một đứa em gái nhỏ.
Em Đặng Hoàng Lâm là con của chị Nguyễn Thị Phương, giáo viên cấp hai, cha là Đặng Minh Cảnh làm nghề lái xe. Em Lâm học lực rất giỏi, chăm ngoan, lễ phép.
Thầy Thống cho biết, đã cử giáo viên trong trường đến nhà cả 3 em để giúp lo hậu sự. Thông tin về 3 em mất cũng đã được báo lên phòng giáo dục huyện Thăng Bình.
Ông Trần Phương Ái, Phó chủ tịch HĐND xã Bình Quý nghe tin báo từ người dân đã đến trực tiếp đến nhà các em thăm hỏi, chia sẻ. “Các em mất đi để lại nỗi đau lớn cho cả gia đình, nhà trường và địa phương”, ông Ái nói.