Phát hiện gia đình sơ cứu cho bé trai bị đuối nước sai cách, điều dưỡng Hồng đã giới thiệu mình là nhân viên y tế rồi nhanh chóng ép tim, phổi cứu sống bé Tuyên.
Chị Dương Thị Hồng, (32 tuổi) hiện là điều dưỡng tại khoa Nội Tiết - Cơ xương khớp, Bệnh viện Lão khoa Trung ương.
Gần đây, chị Hồng có kỳ nghỉ với gia ở một khu nghỉ dưỡng, đúng lúc một bé trai tên Tuyên bị đuối nước ở đây. Đang đi dạo, điều dưỡng Hồng nhìn thấy sự việc và phát hiện gia đình đã sơ cứu cho bé sai cách. Bằng phản xạ của nhân viên y tế, chị chạy tới, giới thiệu mình là điều dưỡng và quyết liệt yêu cầu gia đình đặt bé Tuyên xuống mặt phẳng cứng để mình tiến hành cấp cứu.
Điều dưỡng Hồng được Ban lãnh đạo bệnh viện tặng bằng khen. Ảnh: BVCC.
Sau khi kiểm tra thấy không còn dấu hiệu sinh tồn, điều dưỡng Hồng nhanh chóng thực hiện ép tim, thổi ngạt trong khoảng 3-4 phút cho bé trai. Nhờ vậy, bé nôn ra nhiều nước, có ý thức trở lại và được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện gần nhất.
Hiện, sức khỏe bé Tuyên ổn định. Bé đã có thể ăn uống, sinh hoạt và học tập trở lại bình thường. Chị Hảo - mẹ bé Tuyên rất xúc động và biết ơn việc làm của điều dưỡng Hồng với con trai mình. Chị nói: “Khi con trai gặp nạn, tôi không có mặt tại đó. Nghe người nhà kể lại hành động dũng cảm và quyết liệt của điều dưỡng Hồng, tôi thấy gia đình mình rất may mắn. Nếu không có chị Hồng ở đó, không biết giờ con tôi sẽ thế nào”.
Ngày 23/5, chị Hồng được bệnh viện nơi mình đang làm việc trao bằng khen do có thành tích xuất sắc, cấp cứu kịp thời người gặp nạn tại cộng đồng. “Đây là việc làm rất nhân văn, góp phần tạo nên hình ảnh của người điều dưỡng trong sự chuyên nghiệp, tận tâm và đặc biệt ý nghĩa”, PGS.TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương chia sẻ.
Ngoài ra, Chi hội Điều dưỡng bệnh viện cũng dành tặng một phần quà chúc mừng chị Hồng đã vững vàng vận dụng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp vào tình huống khẩn cấp cứu người tại cộng đồng.
Đuối nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ. Ảnh minh họa.
5 bước cần thực hiện khi trẻ bị đuối nước
Theo TS.BS Lê Ngọc Duy,Trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em 5-14 tuổi. Hiện nay là thời điểm của mùa hè, vì vậy, cha mẹ cần phòng tránh trẻ đuối nước và cần biết cách sơ cứu khi trẻ không may gặp tai nạn.
“Vài phút đầu là thời gian vàng để cấp cứu trẻ đuối nước, việc cấp cứu đúng cách cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của trẻ, nếu sơ cấp cứu không đúng trẻ có thể tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề dù sau đó có được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực do quá trình thiếu oxy não kéo dài”, bác sĩ Duy chia sẻ.
Dưới đây là 5 bước cấp cứu đuối nước ở trẻ em, cha mẹ cần nằm lòng:
Bước 1: Gọi cấp cứu ngay khi phát hiện trẻ bị đuối nước.
Bước 2: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước bằng mọi cách.
Bước 3: Khi đưa trẻ lên bờ, cần kiểm tra xem trẻ có thở không và có tỉnh không. Trong khi kiểm tra hơi thở, bạn cũng có thể lay gọi để xem trẻ có phản ứng không.
Ép tim, phổi là một trong những bước cấp cứu không chỉ cho trẻ mà với cả người lớn bị đuối nước. Ảnh minh họa.
Bước 4: Nếu trẻ không thở, hãy đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng rồi bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR).
Bước 5: Sau khi trẻ tỉnh, cần đặt trẻ ở tư thế an toàn là nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại. Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm trẻ, sau đó nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường đi, người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. Tốt nhất là có sự trợ giúp vận chuyển của nhân viên y tế.
Một số chú ý khi cấp cứu trẻ đuối nước và những sai lầm cần tránh
- Không được dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược hít vào đường thở và làm chậm trễ hồi sức tim phổi (ép tim/thổi ngạt) làm mất thời gian vàng để cấp cứu trẻ.
- Không được ngừng hồi sức tim phổi nếu trẻ chưa có nhịp thở. Khi ép tim ngoài lồng ngực, không ấn ngực quá mạnh sẽ gây gãy xương sườn, đụng dập phổi.
- Cần đưa tất cả trẻ bị đuối nước đến các cơ sở y tế để tiếp tục kiểm tra và theo dõi các biến chứng sau đuối nước.
- Người cứu không biết bơi nhưng lại cố gắng nhảy xuống nước gây nguy hiểm tính mạng.
* Tên bé trai trong bài đã được thay đổi.