Tổng giám đốc một ngân hàng tháp tùng Thủ tướng đi công tác nước ngoài, lúc về sân bay mất cả 1 vali. Còn lãnh đạo Bộ Công an đi công tác nước ngoài về cũng bị mất cắp iPad
Một vấn đề nhức nhối của ngành hàng không - nạn mất cắp hành lý đã được Bộ Giao thông Vận tải “mổ xẻ” trong cuộc họp diễn ra chiều 18-6 với sự tham dự của liên ngành, trong đó có đại diện Bộ Công an.
Có dấu hiệu tiếp tay nội bộ
Tại cuộc họp, Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an (C45), đã cung cấp những thông tin khá bất ngờ: Một trong những nguyên nhân khiến nạn trộm cắp hành lý trên máy bay diễn biến phức tạp là do khâu tuyển nhân viên hợp đồng không chặt chẽ và coi nhẹ công tác bảo vệ nội bộ. Có đối tượng truy nã còn lọt vào làm việc tại một công ty cung cấp suất ăn trên máy bay tại TP HCM, được bổ nhiệm đến chức vụ trưởng phòng tổ chức, chỉ đến khi bị lực lượng công an điều tra “sờ gáy” thì doanh nghiệp mới biết. Đội ngũ nhân viên không được tuyên truyền, giáo dục, được trả lương thấp nên thiếu trách nhiệm, tiếp tay cho nội bộ ăn cắp.
Đại diện ngành công an khẳng định có dấu hiệu tiếp tay nội bộ trong vấn nạn trộm cắp hành lý của hành khách đi máy bay - Trong ảnh: Một khâu vận chuyển hành lý lên/xuống máy bay tại sân bay
Bên cạnh đó, hệ thống tường rào chưa được kiên cố, lực lượng giám sát xung quanh sân bay mỏng, đối tượng được cấp thẻ ra vào sân bay chưa được siết chặt nên việc đi lại nội bộ tại một số cảng hàng không chưa nghiêm túc cũng là nguyên nhân khiến nạn trộm cắp hành lý gia tăng.
Chỉ tính riêng từ năm 2013 đến 6 tháng đầu năm 2015 đã xảy ra trên 600 vụ mất cắp hành lý. Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận cũng nhấn mạnh nạn nhân của các vụ trộm cắp hành lý không chỉ là khách của các chuyến bay thương mại bình thường mà còn là khách đặc biệt trên chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Cụ thể là Tổng giám đốc một ngân hàng tháp tùng Thủ tướng đi công tác nước ngoài, lúc về mất cả một vali. Còn lãnh đạo Bộ Công an đi công tác nước ngoài về có hành lý ký gửi cũng bị mất iPad và các đồ dùng khác. “Hành lý và hàng hóa ký gửi thường bị cạy móc và rạch rất đúng vị trí để đồ có giá trị. Khách quan mà nói không thể dễ phát hiện các đồ vật giá trị này, tôi cho rằng phải có sự móc nối, không loại trừ có liên quan đến soi chiếu” - Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận khẳng định và dẫn chứng về trường hợp một hành khách đi từ TP HCM ra Nội Bài bị rách kiện hàng và bị móc đúng chỗ để 7 chiếc đồng hồ có giá trị cao.
Đại tá Hồ Sỹ Niêm, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, cũng cho biết đối tượng trộm cắp hành lý được xác định chủ yếu là nhân viên của công ty thuộc cảng hàng không và phục vụ trong lĩnh vực hàng không. Nếu người ngoài vào thì cũng phải móc nối với nhân viên trong cụm cảng.
Về phía ngành hàng không, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, ông Vũ Thế Phiệt đánh giá hiện tượng trộm cắp hành lý của khách đi máy bay ngày càng phức tạp, còn ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khẳng định khi mở cửa hầm hàng, việc tác động của cán bộ công nhân viên, cán bộ bốc xếp là không có.
Phải coi là nỗi nhục!
Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh đánh giá nguyên nhân dẫn đến các vụ trộm cắp tài sản trong hành lý ký gửi là do hạn chế trong cơ sở hạ tầng và quy trình giám sát. Hiện nay, hệ thống camera giám sát chưa bao quát được toàn bộ các khu vực xử lý hành lý, còn một số điểm mù ở các cổng ra vào khu bay của nhân viên ngành hàng không chưa có hệ thống soi chiếu để phát hiện các đồ vật bất thường. Trách nhiệm của các bên liên quan trong dây chuyền xử lý hành lý chưa được phân định rõ nên đa số các trường hợp không kết luận được hành lý bị can thiệp ở giai đoạn nào, ở đầu sân bay đi hay đến. Ngoài ra còn có nguyên nhân do việc kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả, các biện pháp phòng ngừa trộm cắp chưa được triển khai đồng bộ.
Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng gay gắt truy Cục Hàng không đã làm tốt vai trò của cơ quan quản lý nhà nước hay chưa. Về phía các doanh nghiệp liên quan đã có trách nhiệm đến đâu, đã đánh giá đúng thực trạng để đưa ra giải pháp hiệu quả hay chưa. Bộ trưởng Thăng cho rằng phải coi hiện tượng này là nỗi nhục để khắc phục bằng được. “Để như vậy là có lỗi với đất nước, với nhân dân. Không có lòng tự trọng thì mới để tình trạng này kéo dài mãi. Phải có lòng tự trọng của một đất nước hoà bình, là điểm đến của du lịch mà lại để hành khách nơm nớp lo sợ mất cắp. Mỗi năm để xảy ra hàng trăm vụ mất cắp mà các anh không thấy xấu hổ à?. Không thông về tư tưởng, chưa thấy được trách nhiệm của mình, còn vô cảm thì còn mất cắp” - Bộ trưởng Thăng nói.
“Tư lệnh” ngành giao thông cũng đánh giá Cục Hàng không đã đưa ra giải pháp tích cực nhưng năm sau số vụ vẫn nhiều hơn năm trước chứng tỏ giải pháp đưa ra chưa đồng bộ, chưa hiệu quả. Cần phải quy rõ trách nhiệm người đứng đầu từ tổ trưởng, đội trưởng, trưởng ca. Mỗi vụ trộm cắp phải làm rõ ai là người chịu trách nhiệm, ở khâu nào. Từ nay đến cuối năm, nếu không giảm được số vụ trộm cắp hành lý ở sân bay sẽ truy trách nhiệm các Giám đốc cảng vụ.
Về giải pháp khắc phục, Đại tá Hồ Sỹ Niêm cho rằng nếu hành vi trộm cắp cấu thành tội phạm hình sự, cho xử lý nghiêm khắc thì chắc chắn sẽ đảm bảo tính răn đe. Nhưng trong 2 năm vừa qua chưa khởi tố được vụ nào liên quan đến nhân viên hàng không, như vậy không loại trừ khả năng có sự bảo vệ nhân viên trong đơn vị mình.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, năm 2013 có 205 khiếu nại của hành khách liên quan đến việc bị trộm cắp tài sản, trong đó có 141 vụ liên quan đến các chuyến bay quốc tế. Năm 2014 là 301 vụ và chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2015 là 168 vụ. Về các vụ trộm cắp liên quan đến nhân viên hàng không bị phát hiện, năm 2013 có 8 vụ, năm 2014 có 9 vụ và 6 tháng đầu năm 2015 có 5 vụ. |