Do sợi chuỗi có giá trị khá lớn nên việc bảo quản rất cẩn mật. Chuỗi vàng chỉ được đeo cho Bà vào những ngày 14, 15, 29 và 30 âm lịch hàng tháng.
Nhiều năm qua, tượng bà Chúa xứ núi Sam thuộc Khu du lịch Núi Sam (thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) được nhiều người dân, đặc biệt là tiểu thương khắp cả nước biết đến là nơi linh thiêng. Mỗi khi đến tết, mùa lễ hội, từng đoàn người đổ về nườm nượp.
Bà chúa xứ núi Sam đang đeo sợi dây chuyền vàng kỷ lục
Bên cạnh du lịch hành hương, họ còn đến với hy vọng cầu xin sư an bình, buôn may bán đắt. Nhiều người còn vay tiền “giả” làm ăn, khi đã thành công, họ đến trả bằng tiền thật hay vàng. Và, số người đến hành hương cúng dường chưa bao giờ giảm. Từ đó, số tiền, vàng hành khách đến cúng dường ngày một lớn.
Mới đây, dư luận cả nước bất ngờ với thông tin, Ban quản trị lăng miếu núi Sam quyết định đeo lên tượng Bà sợi chuỗi vàng 162 lượng và một chiếc kiềng vàng 20 lượng. Điều này khiến du khách hành hương đến núi Sam cảm thấy thú vị.
Trước đây, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục ngôi miếu lớn nhất Việt Nam đối với lăng miếu núi Sam. Ngoài ra, ngôi miếu này còn được xác nhận một kỷ lục khác là tượng Bà bằng đá sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam. Năm nay, ban quản trị lăng miếu Núi Sam lại tiếp tục mang lại một kỷ lục mới là mang sợi chuỗi vàng 162 lượng.
Ông Huỳnh Văn Đường (Trưởng Ban quản trị lăng miếu núi Sam) cho biết, nhiều năm qua, người dân cúng Bà số lượng vàng khá lớn. Phía Ban quản trị lăng miếu núi Sam họp và quyết định chọn ra số vàng tốt, chế tác để làm trang sức, đeo lên tượng Bà. Lúc đầu, Ban quản trị nhất trí, tượng Bà là nữ nên sẽ chế tác dây chuyền, hoa tai và số vàng được sử dụng là 150 lượng.
Sợi chuỗi được chế tác từ 162 lượng vàng
Khi đã thống nhất, Ban quản lý liên hệ với một công ty chế tác vàng bạc tại TP HCM. Khi nghe trình bày, phía công ty này góp ý, không nên chế tác chiếc kiềng vàng đeo vào cổ Bà. Bởi, như thế có vẻ không được thẩm mỹ.
Thay vào đó, các nghệ nhân đề xuất nên chế tác vàng thành một sợi chuỗi. Không chỉ thế, nghệ nhân cũng đề xuất, nên thay 150 lượng vàng bằng 162 lượng vàng vì cộng lại là số 9, vừa thể hiện sự trường tồn, vừa hợp phong thủy.
Hai bên ký hợp đồng sợi chuỗi vàng sẽ hoàn thành trong vòng ba tháng. Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau, sản phẩm đã được hoàn thành. Sợi chuỗi được thiết kế 3 lớp với 187 hạt chuỗi. Trong đó, có 1 hạt chuỗi chủ, trọng lượng 5 lượng vàng, toát lên vẻ độc đáo, sang trọng và mang nhiều ý nghĩa về tâm linh.
Hoa văn trên hạt chuỗi chủ có hình chim phụng, phun những hạt châu nhỏ, được kết thành dây, tỏa ra nhiều hướng, với ý nghĩa “phun châu nhả ngọc”, thể hiện hàm ý bà Chúa xứ luôn ban phước lành đến ba tánh trên khắp thế gian.
Hạt chuỗi được điêu khắc tinh vi
Do sợi chuỗi có giá trị khá lớn nên việc bảo quản rất cẩn mật. Chuỗi vàng chỉ được đeo cho Bà vào những ngày 14, 15, 29 và 30 âm lịch hàng tháng. Ngoài ra, vào ngày lễ vía Bà trong tháng tư âm lịch, chuỗi vàng sẽ được đeo trong suốt thời gian 5 ngày diễn ra lễ hội. Vào những ngày này, ban quản lý sẽ bố trí lực lượng bảo vệ túc trực và camera 24/24. Mỗi lúc du khách quá đông, ban quản lý sẽ còn được sự trợ giúp an ninh của công an phường núi Sam. Còn những ngày khác, sợi chuỗi sẽ được thỉnh đưa vào kho cất cẩn thận.
Ông Thái Công Nô (Phó Trưởng Ban quản trị lăng miếu núi Sam) cho biết, tượng Bà còn có thêm một chiếc kiềng chế tác từ 20 lượng vàng. Ban quản lý sẽ thay đổi giữa chiếc kiềng và chuỗi vàng để du khách đến hành hương chiêm ngưỡng.
Phía Ban quản trị lăng miếu núi Sam cho rằng tượng bà chúa Xứ là nữ. Tuy nhiên, có một số ý kiến hoàn toàn ngược lại. Nhà văn Sơn Nam từng viết: “Tượng của Bà là pho tượng Phật đàn ông của người Kh’mer, bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Người Việt đưa tượng vào miếu, điểm tô lại với nước sơn, trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền. Và từ đó “bà Chúa Xứ” là vị thần có quyền thế lớn ở khu vực ấy, xứ ấy...”. Còn theo nhà khảo cổ học người Pháp, Malleret, trong thời gian tiến hành khai quật khu di chỉ Óc Eo (1942 – 1944), ông có đến núi Sam nghiên cứu tượng bà Chúa Xứ và cho biết: “Đây là loại tượng nam thần, được tạo theo dáng người ngồi nghỉ ngơi, vương giả, vật liệu bằng sa thạch, giá trị nghệ thuật cao”. |