Thanh tra 5 doanh nghiệp nghi vấn 'làm loạn' giá sữa

Ngày 05/03/2014 08:38 AM (GMT+7)

Một loạt các doanh nghiệp công bố sẽ tăng giá sữa đã khiến thị trường “nóng” lên trong thời gian gần đây.

Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính cho biết, sẽ kiểm tra một số doanh nghiệp đầu ngành xem thực hư tình trạng bắt tay làm giá sữa. Liệu sự bắt tay vào cuộc của liên bộ đầu ngành về quản lý sữa có mang lại kết quả?

Không cho phép vẫn cứ tăng

Tại Hà Nội, sức mua các mặt hàng sữa trong những ngày gần đây giảm sút. Theo phản ánh của nhiều đại lý, hầu hết các hãng sữa đều đã tăng giá. Mead Johnson, Abbott tăng giá 5-6%; Nutifood tăng 11%...

Sinh con trai đầu lòng được chừng 5 tháng tuổi, nhưng do thiếu sữa, nên chị Nguyễn Thị Nga (Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội) gần như phải nuôi con bằng sữa ngoài. “Cháu từ lúc sinh ra chủ yếu đã phải ăn sữa ngoài. Hiện, trung bình mỗi tháng, tiền sữa của cháu mất khoảng 3 triệu đồng. Vậy mà giá sữa cứ đến hẹn lại lên, không lẽ bắt trẻ phải giảm sữa ăn hàng ngày. Câu chuyện giá sữa tăng năm nào cũng làm “nóng” dư luận, nhưng kêu là việc của người tiêu dùng còn giá sữa trên thị trường Việt Nam chỉ có tăng mà không giảm”, chị Nga phân trần.

Thanh tra 5 doanh nghiệp nghi vấn #039;làm loạn#039; giá sữa - 1

Tăng giá sữa tác động lớn tới hàng chục triệu người tiêu dùng

Cũng theo chị Nga, nếu các yếu tố đầu vào tăng, bắt buộc các hãng sữa phải tăng giá thì người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận nhưng thông tin một số hãng bắt tay, làm giá khiến người tiêu dùng thật sự hoang mang vì sự quản lý giá sữa bấy lâu dường như vẫn thiếu công khai, minh bạch.

Ngày 31/1/2014, Nestle Việt Nam thông báo điều chỉnh giá. Mead Johnson và Vinamilk cùng tăng ngày 12/2/2014 và FrieslandCampina tăng ngày 25/2… Thông tin từ Bộ Tài cho biết, trong 4 doanh nghiệp này, duy nhất trường hợp công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam) được Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chấp nhận cho tăng giá bán vì giải trình của doanh nghiệp này khá thuyết phục.

Còn công ty Nestle Việt Nam, Cục đề nghị chưa tăng vội vì không đủ căn cứ. Tuy nhiên, trên thị trường, giá bán một số sản phẩm của Nestle vẫn được điều chỉnh. Cụ thể, sản phẩm Nan AH 110 loại 400g có giá mới là 194.400 đồng/hộp (tăng 9.200 đồng/hộp so với bảng báo giá cũ); Nan 1 Pro 400g tăng từ 222.200 đồng lên 233.300 đồng/hộp; loại 800g từ 391.700 đồng lên 412.000 đồng/hộp…

Áp giá trần với sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi?

Sáng 4/3, liên bộ Tài chính – Công thương đã có cuộc họp về việc quản lý giá sữa. Ngay sau cuộc họp này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, liên bộ Tài chính – Công thương và các ngành chức năng sẽ thanh tra 5 doanh nghiệp sữa chiếm thị phần lớn gồm: Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam và Công ty Dinh dưỡng 3A (phân phối sữa Abbott).

Trong tuần này, các đoàn công tác sẽ thanh tra để làm rõ cơ cấu giá, rà soát các quy định của pháp luật để lý giải nghi vấn có hay không việc các doanh nghiệp sữa “bắt tay” tăng giá, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công thương xem xét điều tra dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh, nếu phát hiện tình trạng các doanh nghiệp liên kết với nhau để tăng giá, thao túng thị trường, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Sau khi thanh tra kiểm tra, có vi phạm sẽ xử lý ngay. Không loại trừ sẽ áp dụng một trong 7 biện pháp bình ổn giá trong Luật Giá trong đó có thể tính tới biện pháp áp giá trần đối với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, ông Tuấn cho hay.

Trước thực tế một số doanh nghiệp tự ý tăng giá sữa khi chưa giải trình theo quy định, ông Tuấn, khẳng định, ngay sau khi có những dấu hiệu vi phạm về việc tăng giá sữa bột của doanh nghiệp, Cục đã phối hợp với Thanh tra Bộ Tài chính vào cuộc làm rõ vấn đề này. Khi có kết quả, Bộ Tài chính sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhận định về việc các doanh nghiệp sữa tại Việt Nam đồng loạt tăng giá bán khi chưa có sự đồng thuận của cơ quan quản lý Giá, các chuyên gia kinh tế cho rằng, không loại trừ có sự thỏa thuận về giá bán, hay lạm dụng vị thế trên thị trường để nâng giá bán lẻ.

Sữa vốn là mặt hàng liên quan đến đời sống hàng ngày của hàng chục triệu người dân. Việc tăng giá sữa thiếu minh bạch bấy lâu luôn khiến người tiêu dùng hoài nghi nhưng sự vào cuộc thiếu quyết liệt của cơ quan quản lý khiến người tiêu dùng thiệt thòi. Nếu không có một cơ quan kiểm định giá độc lập thì việc “đá bóng” trách nhiệm là điều khó tránh khỏi.

Hải Thanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan