Chuyện giá sữa và nỗi buồn của các bà mẹ

Ngày 27/10/2013 09:27 AM (GMT+7)

Nhìn vào thị trường sữa có đến 200 nhà nhập khẩu, rõ ràng Việt Nam với dân số gần 90 triệu dân là một thị trường béo bở cho các hãng sữa ngoại “tấn công”.

Với gần 90 triệu dân, có thể nói Việt Nam là một thị trường béo bở cho các hãng sữa ngoại “tấn công”. Thoạt nhìn nhiều người sẽ đánh giá với một thị trường như vậy, nhiều hãng sữa có mặt, tất nhiên giá cả phải cạnh tranh theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Nhưng thực tế về giá sữa thì hoàn toàn không phải như vậy.

Giá sữa liên tục tăng làm người tiêu dùng khốn đốn.

1 - Số liệu của Phòng Thương mại – công nghiệp Việt Nam cho thấy, trong 3 năm, từ 2007 - 2010 giá sữa có tới 16 lần tăng giá. Tức là trung bình một năm giá sữa tăng lên hơn 5 lần. Bàng hoàng hơn nữa khi một lãnh đạo công ty sữa trong nước tiết lộ, trong vòng 6 năm từ 2007 đến nay, sữa bột đã tăng tới 30 lần, sữa nước cũng tăng gấp đôi giá trị.

Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy giá sữa ở Việt Nam đã bị đẩy lên mức cao nhất thế giới, giá bán lẻ trung bình tại Việt Nam là 1,4 USD/lít, trong khi Trung Quốc 1,1 USD/lít, Ấn Độ 0,5 USD/lít, các nước Âu-Mỹ 0,5 - 0,9 USD/lít. Giá sữa tăng cao ngất ngưởng là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến tỷ lệ sữa/đầu người của VN chỉ bằng 1/4 so với Thái Lan và Trung Quốc.

Chuyện giá sữa và nỗi buồn của các bà mẹ - 1

Giá sữa liên tục tăng làm người tiêu dùng khốn đốn.

Khi dư luận phản ứng với giá sữa hiện nay, thì các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá sữa mới vào cuộc.

Hệ quả nào cũng phải xuất phát từ nguyên nhân, và nguyên nhân giá sữa tăng được Bộ Tài chính - cơ quan quản lý nhà nước về giá sữa - nhận định là sữa đã “thay tên đổi họ” để mặc sức tăng giá. Hiểu nôm na là việc, mọi người ai cũng biết đó là sữa cho trẻ em, nhưng những công ty nhập khẩu không gọi nó là sữa mà gọi qua cái tên khác “sản phẩm dinh dưỡng”, “thức ăn công thức” hay “thực phẩm bổ sung”. Và, đương nhiên khi sữa không còn được gọi là “sữa”, mà là các “sản phẩm, công thức…” thì nó đã lọt ra ngoài danh mục bình ổn giá được quy định của Luật Giá có hiệu lực từ đầu năm 2013.

Trong danh mục bình ổn giá có hạng mục “sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi”, điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm sữa dành cho trẻ em phải đăng ký với Bộ Tài chính mỗi lần điều chỉnh giá.

Khi đã lọt khỏi danh sách này các mặt hàng sữa ngoại thoải mái theo kiểu: tôi tăng giá là việc của tôi, không phải báo cáo để xem có được đồng ý cho tăng hay không? Chúng ta nên nhớ, cùng vào chu kỳ tăng giá sữa chóng mặt (khoảng 6 năm gần đây) là việc nền kinh tế đang rất khó khăn, lạm phát khiến mức sống của người dân giảm. Mức sống của người dân ngày càng giảm đi với giá sữa ngày càng tăng sẽ dẫn đến một hệ quả tất yếu là nhiều trẻ em phải giảm nhu cầu uống sữa, và có thể là phải cắt sữa.

2 - Liên quan đến việc giá sữa phi mã trong những năm qua, mới đây Bộ Y tế vừa “trả lại tên cho sữa” bằng thông tư quy định “Danh mục sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá”. Theo danh mục này, từ ngày 20.11.2013, các sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 36 tháng tuổi; sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa động vật dưới dạng bột hoặc dạng lỏng có công bố sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ thuộc danh mục hàng bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.

Như vậy, các mặt hàng sữa trước đây đã được “thay tên đổi họ” thành sản phẩm dinh dưỡng theo quy chuẩn của Bộ Y tế thì tới đây được coi là sữa. Các sản phẩm này sẽ quay trở về nằm trong danh mục hàng hóa phải bình ổn giá do Bộ Tài chính quản lý.

Động thái này là một tín hiệu tốt trong việc quản lý giá sữa, nhưng có đủ sức nặng để đưa giá sữa về mức hợp lý hay không thì phải chờ. Tuy nhiên, về căn bản đây chỉ được xem là một giải pháp của Bộ Y tế theo đề nghị “trả lại tên cho sữa” của Bộ Tài chính, ngay Bộ Tài chính vẫn còn thể hiện những bất cập trong việc quản lý sữa.

Tại thông tư về quản lý giá sữa vào năm 2008, tưởng rằng sẽ quản lý chặt giá sữa nhưng đây lại là kẽ hở để doanh nghiệp làm giá. Theo thông tư, “quy định trong vòng 15 ngày liên tục, sữa không được tăng 20% so với giá hiện tại”. Với mức trần cao và thời gian quy định không được tăng giá ngắn như vậy thì khác gì tạo cơ hội để doanh nghiệp “rộng đường” tăng giá. Rõ ràng, các quy định quản lý sữa hiện nay đang có vấn đề chứ không riêng gì việc sữa thay đổi tên gọi.

3 - Nhìn vào thị trường sữa có đến 200 nhà nhập khẩu, 70% mặt hàng sữa bột tại Việt Nam là sữa nhập, 2/3 nguyên liệu sữa trong nước cũng là nhập khẩu, rõ ràng Việt Nam với dân số gần 90 triệu dân là một thị trường béo bở cho các hãng sữa ngoại “tấn công”. Thoạt nhìn nhiều người sẽ đánh giá với một thị trường như vậy, nhiều hãng sữa có mặt thì tất nhiên giá cả phải cạnh tranh theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.

Nhưng thực tế lại ngược lại hoàn toàn, khi mà các sản phẩm sữa ồ ạt tăng giá, mà lại tăng theo kiểu: cùng tăng và tăng cùng thời điểm. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đây là một việc bất thường và việc giá sữa tăng chưa hẳn là việc “thay tên đổi họ” mà ở đây có thể có sự thỏa thuận, làm giá giữa các doanh nghiệp sữa. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây là Bộ Công thương cần phải điều tra, làm rõ có hay không sự “bắt tay” của các hãng sữa nhằm thao túng thị trường Việt Nam.

Nhà nước có đủ các công cụ, quyền hạn để đưa giá sữa về mức hợp lý, không nhìn đâu xa, Trung Quốc vừa phạt 5 đại gia trong ngành sữa thế giới và một công ty sữa trong nước hơn 100 triệu USD về hành vi thao túng giá.

Với biểu hiện rõ ràng nói trên, nếu chúng ta không mạnh tay, không ngăn chặn và buộc giá sữa phải trở về mức hợp lý, dư luận sẽ đặt câu hỏi về sự “bất lực” đến mức vô lý của các cơ quan quản lý. Đã đến lúc cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ liên quan để điều chỉnh giá sữa, tránh trường hợp các doanh nghiệp móc túi người tiêu dùng, “ăn” trên đầu trẻ và quan trọng là hạn chế quyền được uống sữa của trẻ em Việt Nam.

Theo P.C.K (Dân Việt/Dòng Đời)
Nguồn:

Tin liên quan