Ông Lê Cao Tánh được Hiệu trưởng Trường THPT Bán công Nguyễn Du (Đà Lạt, Lâm Đồng) ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn vào ngày 31/12/2004.
Sáng 12/12/2006, một học sinh lớp 10 đã vô cớ xúc phạm ông trước đám đông. Ông đưa học sinh này về phòng giám thị của trường và hỏi lý do thì học sinh này trả lời quanh co. Không giữ được bình tĩnh, ông đã tát vào mặt làm học sinh này chảy máu mũi.
Vài ngày sau, ông Tánh bị hiệu trưởng ra quyết định tạm đình chỉ công tác. Sau đó, nhà trường đề nghị Sở GDĐT tỉnh Lâm Đồng xem xét, quyết định hình thức kỷ luật ông. Đầu năm 2007, căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Sở, hiệu trưởng đã ra quyết định sa thải ông Tánh.
Thầy giáo Lê Cao Tánh
Không đồng ý với quyết định trên, ông Tánh đã khiếu nại. Tháng 7/2007, ông khởi kiện vụ án ra TAND TP.Đà Lạt. Tuy nhiên, phiên tòa sơ thẩm (của TAND TP.Đà Lạt) và phiên tòa phúc thẩm (của TAND tỉnh Lâm Đồng) đều xử Trường THPT Nguyễn Du thắng kiện. Không nản, ông Tánh đã yêu cầu lên cấp giám đốc thẩm.
Ngày 27/9/2011, TAND Tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm vụ án “Tranh chấp kỷ luật sa thải” của ông Tánh. Tòa đã hủy cả 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.Đà Lạt xét xử sơ thẩm lại. Ngày 17/9/2013, TAND TP.Đà Lạt đã mở phiên tòa sơ thẩm lần hai để xét xử vụ án.
Căn cứ vào Điều 85 Bộ luật Lao động sửa đổi các năm 2002, 2006, HĐXX cho rằng các hành vi vi phạm của ông Tánh không thuộc trường hợp xử lý kỷ luật sa thải. Do vậy, quyết định sa thải của nhà trường không đúng quy định. HĐXX đã xử buộc Trường Nguyễn Du phải nhận ông Tánh trở lại làm việc, thanh toán cho ông số tiền lương từ ngày bị đuổi việc oan đến nay (khoảng 232 triệu đồng).