Nửa đêm, nước lũ đổ về ầm ầm. Cây cối, đất đá theo dòng nước từ trên núi tràn xuống phá tan nhà cửa. Trong đêm ấy, có hai thầy giáo ở một ngôi trường vùng biên giới xứ Thanh phải trải qua những thời khắc kinh hoàng, không thể nào quên.
Dù thời gian đã trôi qua gần chục ngày, nhưng trên nét mặt của thầy giáo Lê Văn Lâm - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Khương 1, xã Yên Khương, huyện miền núi Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa) vẫn hiện lên nỗi sợ hãi.
Khi phóng viên Dân Việt tiếp cận được Trường Tiểu học Yên Khương 1 - nơi có thầy giáo Lê Văn Lâm đang công tác, thầy Lâm phải lấy hết bình tĩnh mới có thể kể trọn vẹn câu chuyện ấy.
Thầy giáo Lê Văn Lâm - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Khương 1 - bên khu nhà bếp của trường bị lũ xô sập trong đêm 10.10. Ảnh: Hồng Đức
Thầy Lâm kể: “Đêm 10.10, tôi và thầy giáo Ngân Hữu Hà - một giáo viên của nhà trường - nhận nhiệm vụ ở lại trực đêm. Vì đây là phiên trực bình thường như mọi ngày, chứ không phải trực lũ lụt hay bão bùng gì nên mọi người rất yên tâm làm nhiệm vụ. Đến khoảng 22h, thấy trời mưa rất to và có diễn biến phức tạp, tôi gọi điện thoại cho thầy Hiệu trưởng Tạ Văn Biên (gia đình của thầy Biên ở thị trấn Lang Chánh) để báo cáo tình hình trời mưa có dấu hiệu bất thường.
Khi vừa gọi điện báo cáo thì cũng là lúc bỗng dưng sóng điện thoại mất liên lạc, điện sinh hoạt cũng tắt phụt luôn. Lúc đó, tôi và thầy giáo Hà đang ở dãy phòng nhà công vụ của trường, bật đèn pin lên và bàn với nhau chạy về khu nhà bếp, với ý định sẽ đưa bình gas, bếp gas, xoong nồi và một số đồ dùng nấu ăn lên khu hiệu bộ để tránh lũ. Lúc ấy soi đèn pin thì thấy dòng nước ở con suối sau khu nhà công vụ và nhà bếp của trường, nước dâng lên một cách khủng khiếp.
Khi tôi bảo thầy Hà soi đèn pin để mở cửa gian bếp của trường thì nghe từ phía trên phía đồi có tiếng ầm ầm như thác đổ. Tôi nấn ná một lúc sau đó quyết định không tra chìa vào ổ khóa cửa bếp nữa mà hô thầy Hà hãy chạy quay về phòng ngủ của mình ngay vơ vội đống quần áo, đồ dùng cá nhân cùng một chiếc sổ ghi chép của nhà trường để chạy về phía khu nhà hiệu bộ.
Nghe tôi gào to trong tiếng mưa và tiếng nước đổ về ầm ầm, thầy Hà lập tức cùng tôi chạy về phòng. Chúng tôi vơ đồ rất nhanh, rồi ốm cả đống chạy về phía dãy nhà hiệu bộ. Khi vừa tới nơi thì nghe những tiếng “ầm ầm" như bom. Soi đèn pin tôi thấy cả khu nhà bếp của trường bị những thân cây gỗ khổng lồ thúc vào khiến căn nhà bếp sập xuống, trong tích tắc, bị dòng nước lũ cuốn trôi đi tất cả.
Lúc chúng tôi hoàn hồn thì dòng nước lũ đã tràn vào sân trường. Chúng tôi chạy ngược lên những phòng học của học sinh để tránh lũ. Chỉ trong nháy mắt, nước lũ, bùn đất đã tràn vào sân, phủ kín toàn bộ khuôn viên nhà trường. Những cây gỗ khổng lồ, những tảng đá to tướng lăn lóc bị nước lũ cuốn trôi. Khoảng hơn 1 giờ sau, nước rút dần và lộ thành bãi tan hoang, ngổn ngang đất đá, cây cối".
"Thú thật với anh, tôi công tác ở trên địa bàn này đã hàng chục năm trời, mà chưa bao giờ gặp một trận lũ kinh hoàng như vừa qua. Tôi thấy mình là người may mắn khi thoát chết trong gang tấc. Nếu đêm hôm ấy, tôi chỉ cần lưỡng lự nửa phút thôi, cứ cố vào khuân bình gas và đồ dùng trong bếp, có lẽ bây giờ đã không còn đứng đây để mà nói chuyện với anh”, thầy Lâm khựng lại.
Lũ tràn qua cánh đồng lúa của bản Hằng, xã Yên Khương, khiến tất cả trở thành một bãi hoang tàn, xơ xác. Ảnh: Hồng Đức
Sau 10 ngày cơn lũ lịch sử tràn qua, cả một vùng biên giới này hoang tàn, xơ xác và tiêu điều. Người dân nơi đây đang phải gồng mình lên để khắc phục hậu quả. Học sinh của Trường Tiểu học Yên Khương 1 đến bây giờ vẫn chưa thể tới trường. Người dân trong các bản kéo nhau về giúp thầy, cô giáo dọn dẹp, vệ sinh trường lớp.
Chia sẻ với phóng viên, thầy Tạ Văn Biên - Hiệu trưởng nhà trường - nói: “Chúng tôi đang cố gắng dọn dẹp vệ sinh trường lớp trong tuần này, để đầu tuần có thể đón học sinh trở lại lớp học”.
>> XEM THÊ: Mưa lũ lịch sử ở Quảng Bình xuất hiện trên báo nước ngoài