Hiện nay thế giới có 28 quốc gia tổ chức và tôn vinh ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 trong tổng số hơn 200 quốc gia toàn cầu, một con số vẫn còn rất khiêm tốn dù ngày này đã có lịch sử hơn 100 năm.
Tranh cổ động mừng ngày 8.3 ở Nga những năm 1910.
Một số nước tiêu biểu trong 28 nước có thể kể tới như Angola, Belarus, Trung Quốc, Cuba, Lào, Nga, Mông Cổ, Ukraine, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Việt Nam.
Ngày 8.3 đầu tiên ghi nhận được là do một nghiệp đoàn may phụ nữ Mỹ tổ chức vào năm 1909. Tại Nga, ngày lễ này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1913. Kể từ năm 1977 khi LHQ quyết định ngày Quốc tế phụ nữ là một sự kiện thường niên trọng đại, các quốc gia phương Tây bắt đầu chú ý hơn.
Hoa mimosa vàng ở Ý thường được nam giới tặng cho phụ nữ.
Nổi bật nhất trong số những quốc gia phương Tây tổ chức ngày 8.3 là Italia. Trong ngày này, nam giới sẽ mua hoa mimosa vàng để tặng những người phụ nữ yêu thương. Lí do họ chọn hoa này là bởi… giá rẻ so với giá hoa lily hay violet. Ý tưởng này được một chính trị gia mang tên Terasa Mattei khởi xướng và được nam giới Ý nhiệt thành ủng hộ.
Tuần hành trong ngày 8.3.2016 với chủ đề về bình đẳng giới New York, Mỹ.
Không rõ tại sao nhiều nước không kỷ niệm ngày 8.3, nhưng tại Mỹ, nơi được ghi nhận là khởi xướng ngày phụ nữ, thì ngày này không được coi là một ngày lễ chính thức.
Nữ diễn viên, nhà vận động nhân quyền Beata Pozniak trong năm 1994 đã làm việc với thị trưởng thành phố Los Angeles và Thống đốc bang California nhằm vận động hành lang Quốc hội Mỹ thông qua dự thảo đồng ý ngày 8.3 là ngày lễ chính thức. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ không bỏ một phiếu nào thông qua dự thảo này.
Bà Clinton phát biểu trong lễ kỉ niệm 100 năm ngày Quốc tế phụ nữ khi còn là ngoại trưởng Mỹ.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng từng tổ chức hẳn một sự kiện mang tên “Trao quyền trẻ em gái và phụ nữ thông qua giao lưu quốc tế” nhân kỉ niệm 100 năm ngày Quốc tế phụ nữ nhưng ngày 8.3 ở nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn rất ít nhận được sự quan tâm.
Tuần hành ở Sydney, Australia năm 2011.
Nile Capello, tác giả hàng loạt trang web như whoarethewe và yesliketheriver có bài đăng tải trên Huffington Post phản đối việc tổ chức ngày 8.3. Theo cô Nile, việc tôn vinh nữ quyền vào một ngày duy nhất chẳng khác gì “muối bỏ bể”. Cô muốn 365 ngày nữ quyền phải được tôn trọng. Theo tác giả, những thành tựu, cống hiến và hy sinh của phụ nữ sau hơn 100 năm kể từ ngày Quốc tế Phụ nữ ra đời vẫn chưa đánh giá đúng mức.
Chốt lại bài viết với góc nhìn rất mới, Nile viết: “Tôi từ chối coi Quốc tế Phụ nữ là một ngày đặc biệt. Tôi sẽ vẫn sống cuộc đời bằng sự bình tâm, mạnh mẽ, và sự tự hào là một người phụ nữ”.
Trong khi đó, năm 2005 Quốc hội Anh đồng ý chấp thuận ngày 8.3 là ngày lễ toàn quốc.
Tuy nhiên, hoạt động phổ biến nhất trong ngày 8.3 trên thế giới không đến từ đàn ông mà lại từ chính những người phụ nữ. Họ sẽ ra đường, kêu gọi và hô to khẩu hiệu, biểu ngữ nhằm nâng cao nhận thức của người dân và chính nữ giới về quyền bình đẳng giới. Pakistan, Ba Lan hay Hà Lan thường xuyên có những hoạt động như vậy.
Nữ giới ăn mừng ngày 8.3 tại Brazil năm 2013.
Nữ giới ở Bồ Đào Nha có cách khác để tôn vinh chính bản thân mình: họ tự tổ chức một bữa ăn tối thịnh soạn, “toàn nữ giới” để tận hưởng ngày duy nhất trong năm nữ giới được tôn vinh.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), chính quyền cũng hưởng ứng ngày 8.3 bằng một hoạt động rất ý nghĩa: đưa ra số liệu hằng năm về vòng eo của nữ giới. Theo họ giải thích, cân nặng tăng, vòng eo lớn ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe những người phụ nữ thân yêu.
Ba Lan cũng tổ chức ngày 8.3 theo cách thức rất riêng tại Warsaw.
Có thể thấy rằng tại nhiều nước, ngày Quốc tế Phụ nữ là dịp để nâng cao nhận thức về nữ quyền. Ở rất nhiều nước trên thế giới, dù có kỷ niệm ngày 8.3 hay không, tình trạng phân biệt giới tính, đối xử bất bình đẳng với nữ giới vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, theo nhiều tổ chức về nữ quyền, món quà đẹp nhất đối với phụ nữ là nhận thức và hành động của nam giới vì quyền bình đẳng, chứ không phải là đơn giản tặng một bông hoa hay món quà vào ngày 8.3.
Những quốc gia tổ chức ngày 8.3 Afghanistan-Angola-Armenia-Azerbaijan-Belarus-Burkina Faso-Campuchia-TrungQuốc-Cuba-Georgia-Guinea-Bissau-Eritrea-Kazakhstan-Kyrgyzstan-Lào-Macedonia-Madagascar-Moldova-Mông Cổ-Nepal-Nga-Tajikistan-Turkmenistan-Uganda-Ukraine-Uzbekistan-Việt Nam-Zambia |