Miền Bắc, Bắc Trung bộ những ngày qua trong trạng thái giao mùa đông – xuân, thời tiết liên tục thay đổi. Trời chuyển nóng - lạnh thất thường khiến hàng loạt trẻ trở bệnh, nhập viện với các triệu chứng cơ bản như sốt cao, ho nhiều, khó thở.
Hàng loạt trẻ trở bệnh
Ghi nhận của PV Báo GĐ&XH tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào hai ngày cuối tuần cho thấy, rất đông bệnh nhi đến khám và điều trị. Khu vực Khoa Khám bệnh luôn trong tình trạng chật cứng người. Nhiều phụ huynh phải bế trẻ đứng chờ khám. Khu vực trước cửa phòng chụp X-quang luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều ông bố, bà mẹ ôm con ngồi chờ với gương mặt lo lắng, mệt mỏi.
Ngồi trông cháu ở hàng ghế chờ, ông Tạ Quang Hữu (quê ở TP Hải Phòng) cho biết, hai cháu nội của ông đều bị sốt cao, ho nhiều kèm đờm, thỉnh thoảng khó thở. Trong đó, cháu thứ hai (3 tuổi) có dấu hiệu nặng hơn anh trai (5 tuổi) vì cháu thở khó, tần suất ho cũng dày hơn. “Thời tiết chuyển mùa, ẩm thấp, người lớn còn dễ “dặt dẹo”, nói gì đến trẻ con. Cả xóm tôi trẻ ốm hàng loạt”, ông Hữu vừa dỗ dành cháu, vừa nói.
Kế bên ông Hữu, chị Nguyễn Thị Hương (quê Việt Trì, Phú Thọ) cho biết: “Cách đây gần một tháng, con trai tôi (11 tháng tuối) bị ho nhiều, sốt cao. Điều trị gần khỏi rồi, nhưng mấy ngày gần đây, cháu lại ho nhiều, đêm đến ho còn dai dẳng hơn. Sốt, ho… nên cháu trông teo tóp hẳn đi”.
Các bậc phụ huynh lo lắng đưa con đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: N.Mai
Tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), dù không đông như Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng số bệnh nhi tới khám cũng tăng đáng kể do thời tiết chuyển mùa. Tại Phòng Cấp cứu nhi, các bác sĩ cho biết, đa phần những trường hợp nhập viện đều do trẻ mắc các vấn đề liên quan đến đường hô hấp như ho nhiều, khó thở, viêm phế quản, viêm phổi…
Trường hợp bé Hoàng Phương Thảo (20 ngày tuổi), nhập viện do ho nhiều, khó thở, thở khò khè. Chị Hà Thị Ngoan (mẹ bé, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết, cách đây vài ngày, thấy con sổ mũi, ho nhiều nên chị đã hấp mật ong và lá hẹ cho con uống. Tuy nhiên, tình trạng của bé vẫn không cải thiện, thậm chí còn nặng hơn.
Nhập viện cấp cứu, bé Thảo được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi nặng, phải nhập viện để theo dõi và điều trị. Chị Ngoan cho biết thêm, cậu con trai 5 tuổi nhà chị cũng thường bị ho, sốt mỗi khi chuyển mùa. Trước đây, cháu cũng đã từng phải nhập viện vì bị viêm phế quản. Còn bé Thảo, do bị sinh non, nhẹ cân (1,9kg) nên bị suy hô hấp khi mới chào đời. Do sức đề kháng yếu, lại gặp thời tiết nóng lạnh thất thường, khi về nhà được vài ngày, bé Thảo hay quấy khóc, ho nhiều nên phải đưa trở lại viện. Hiện bé Thảo đang được hỗ trợ thở bằng oxy và được các bác sĩ theo dõi.
Ngưng thở, thổ huyết vì dùng thuốc hạ sốt sai cách
TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, mùa đông - xuân với đặc điểm là nhiệt độ lạnh, độ ẩm cao, nhất là những nước như ở Việt Nam, sự biến đổi nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, thuận lợi cho một số loại virus tồn tại và phát triển. Sức đề kháng của cơ thể, đặc biệt là hàng rào bảo vệ tự nhiên ở niêm mạc mũi, đường hô hấp dễ bị tổn thương, tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh xâm nhập.Trong mùa đông - xuân, mọi người thường có xu hướng tập trung đông trong phòng kín, thiếu thông khí. Bên cạnh đó, đây cũng là khoảng thời gian có nhiều dịp lễ hội tập trung đông người, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh đường hô hấp lây lan và phát triển.
Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, một trong những tâm lý phổ biến mà phụ huynh thường mắc phải khi thấy con bị các triệu chứng như sốt, ho hắng là tức tốc tự tìm mua thuốc giảm sốt cho con. Theo BS Bạch Văn Cam - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), bình thường nhiệt độ của cơ thể con người là từ 36,5 – 37,50C. Ở trẻ em, do trung tâm điều hòa chưa hoàn chỉnh nên trẻ dễ bị sốt và sốt cao. Còn BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, không ít cha mẹ đang cho con dùng thuốc paracetamol rất lành, nhưng hạ sốt không sâu, thời gian tái sốt nhanh, lại tìm ngay loại thuốc khác thay thế cho yên tâm. Tuy nhiên, có những nhóm thuốc hạ sốt vốn bị hạn chế sử dụng vì nhiều nguy cơ. “Như thuốc hạ sốt chứa hoạt chất ibuprofen, tốt với bệnh nhi mắc tay - chân - miệng do vừa hạ sốt, vừa chống viêm, giảm phản ứng viêm. Còn với sốt do nguyên nhân khác, dùng thuốc này không đúng rất nguy hiểm. Nhiều trường hợp em bé ho, nôn ra máu vì uống loại thuốc này”, BS Đỗ Thiện Hải cho biết.
Đơn cử với trẻ bị sốt xuất huyết, theo BS Đỗ Thiện Hải, trẻ bị bệnh này tiểu cầu giảm mạnh, dùng thuốc chứa hoạt chất ibuprofen sẽ ảnh hưởng đến đông máu, nguy cơ chảy máu càng cao hơn, thậm chí có em bé chảy máu ào ạt. BS Đỗ Thiện Hải nói: “Tôi đã từng tiếp nhận bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết ngày 3 - 4, sốt cao 39 - 400C, dùng paracetamol hạ sốt không hiệu quả, mẹ em bé đã chủ động đổi thuốc. Đến ngày thứ hai bé nôn ra máu, vào viện dừng thuốc là hết bởi may mắn bị chảy máu nhẹ vùng họng. Còn nếu chảy máu nặng, ở cả đường tiêu hóa, chảy 1 - 2 tiếng gây tụt huyết áp, em bé sốc có thể tử vong”.
Theo BS Đỗ Thiện Hải, khi trẻ sốt, các hoạt động chuyển hóa của cơ thể tăng lên, huy động hệ thống bảo vệ cơ thể. Nếu người lớn can thiệp hạ sốt nhanh thì khả năng bảo vệ này sẽ kém đi. Với bệnh sốt virus thông thường, các bác sĩ không khuyến khích hạ sốt quá sâu, chỉ xuống dưới 38,50C để tránh nguy cơ co giật. Vì thế, thuốc chứa hoạt chất ibuprofen cũng không được khuyến cáo dùng.
Loại thuốc hạ sốt khác mà các bác sĩ cảnh báo, đó là nhóm thuốc chứa chlorpheniramine. Loại thuốc này được sử dụng rất phổ biến ở các vùng nông thôn vì giá rẻ, hạ sốt tốt. BS Đỗ Thiện Hải đã từng gặp hai trường hợp bệnh nhi ngưng thở vì uống loại thuốc hạ sốt này. Đây là nhóm thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ, không nên dùng, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi vì thuốc có cơ chế có thể gây ngừng thở.
BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: “Phụ huynh cần kiên nhẫn vì dùng bất kỳ thuốc nào cũng cần có thời gian. Với thuốc hạ sốt paracetamol có tác dụng sau uống khoảng gần một tiếng. Trong thời gian này, cha mẹ có thể lau mát cho trẻ bằng nước ấm. Sử dụng 5 khăn ướt nhỏ đặt hai bên nách và hai bên bẹn, một khăn dùng để lau khắp người. 2-3 phút thay một lần. Nước ấm sẽ bốc hơi, làm giãn mạch máu giúp trẻ hạ nhiệt. Ngưng lau khi nhiệt độ bé xuống dưới 380C. Lau khô, cho trẻ mặc đồ mỏng. Nếu trẻ khóc và phản đối việc đắp khăn ấm, có thể đặt trẻ ngồi vào thau nước ấm (nhiệt độ thấp hơn 2-3 độ so với thân nhiệt trẻ), dùng khăn lau vùng bẹn, vùng nách và khắp người. Không dùng nước lạnh, cồn hay dấm để lau cho trẻ. Theo dõi thân nhiệt 4 giờ/lần, cho trẻ uống nhiều nước oresol, nước trái cây. Trong mùa đông, khi bé sốt không nên ủ chăn, nhiều quần áo. Tuyệt đối không tự ý dùng phối hợp thuốc, không dùng các nhóm hạ sốt khác ngoài paracetamol nếu chưa được bác sĩ chỉ định”. |