Thủ tướng: Không tăng tổng biên chế đến hết năm 2016

Ngày 15/02/2015 18:33 PM (GMT+7)

“Cơ bản không tăng tổng biên chế cho đến hết năm 2016, trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc phát sinh nhiệm vụ mới”, Thủ tướng trả lời chất vấn bằng văn bản Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 (20.10 - 8.11.2014), Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chất vấn Thủ tướng về giải pháp tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân và giải pháp nào để có bộ máy tinh giản, hiệu quả?

Trả lời chất vấn bằng văn bản ngày 14.2.2015, Thủ tướng cho rằng, việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được chú trọng và đạt một số kết quả.

Đã có trên 69.0000 cán bộ, công chức, viên chức ra khỏi biên chế theo các chính sách nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc, chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách.

Tuy vậy, biên chế cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên (không kể công an, quân đội) tăng từ hơn 346.000 năm 2007 lên hơn 396.000 năm 2014 (tăng gần 50.000 người).

Nguyên nhân chủ yếu là do bổ sung chức năng nhiệm vụ, thành lập mới tổ chức để tăng cường quản lý nhà nước ở một số ngành, lĩnh vực và chia tách đơn vị hành chính.

Thủ tướng: Không tăng tổng biên chế đến hết năm 2016 - 1

Hàng trăm người xếp hàng trước Cục Thuế TP.Hà Nội để nộp hồ sơ thi tuyển công chức tháng 8.2014.

Biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhanh, từ 1,63 triệu người năm 2010 lên 2,31 triệu người năm 2014. Nguyên nhân chủ yếu là do thành lập mới, nâng cấp các đơn vị sự nghiệp công đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và việc quản lý biên chế chưa chặt chẽ.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã xây dựng, trình Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung triển khai đề án này sau khi có nghị quyết của Bộ Chính trị; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận 63-KL/TW, cơ bản không tăng tổng biên chế cho đến hết năm 2016, trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc phát sinh nhiệm vụ mới.

Đẩy mạnh thực hiện đề án xác định vị trí việc làm, xác định biên chế và tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Có phương án xử lý phù hợp đối với các cơ quan, đơn vị có biên chế vượt quy định.

Sắp xếp tổ chức lại bộ máy các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Quản lý chặt chẽ việc thành lập mới các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế sự nghiệp.

Chính phủ cũng sẽ tập trung đổi mới cơ chế hoạt động, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công, đẩy mạnh xã hội hoá, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tiếp tục rà soát, kiện toàn bộ máy công chức cấp xã theo hướng quy định số lượng phù hợp, tăng cường kiêm nhiệm, khoán phụ cấp, khuyến khích hình thức tự quản, bảo đảm ổn định hệ thống chính trị cơ sở.

Bình quân mỗi bộ có 5,4 thứ trưởng

Trả lời chất vấn bằng văn bản về số lượng cấp phó trong các bộ, ngành, địa phương của các đại biểu: Nguyễn Thị Phúc và Bùi Thị An, Thủ tướng cho biết, số lượng bộ, cơ quan ngang bộ đã giảm từ 26 trong nhiệm kỳ 1997-2002 xuống còn 22 trong 2 nhiệm kỳ gần đây.

 Theo nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, số lượng cấp thứ trưởng ở mỗi bộ, cơ quan ngang bộ không quá 4 người. Đối với bộ quản lý đa ngành, số lượng thứ trưởng có thể nhiều hơn do cấp có thẩm quyền quyết định.

Việc bổ nhiệm một thứ trưởng phải được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý trước về chủ trương, sau đó mới làm quy trình nhân sự cụ thể để trình lại Ban Bí thư xem xét, chấp thuận. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ mới ký quyết định bổ nhiệm.

Theo Dương Tùng (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan