Phố vẫn trôi nườm nượp, Tết như rất gần mà như lơ lửng đâu đó. Hãy cùng Khám phá lang thang khắp miền đất nước qua chuyên mục "Cà kê Tết".
LTS: Trong những ngày Tết Ất Mùi 2015, Khampha.vn sẽ mở chuyên mục “Cà kê Tết” giới thiệu với bạn đọc những khoảnh khắc bình dị, hoặc lạ lẫm của Tết ở mọi nơi trên đất nước. Mỗi ngày chúng tôi sẽ giới thiệu một “cà kê”, hy vọng qua đấy bạn đọc sẽ được thưởng thức những cảm nhận Tết một cách bình dị và ngẫu nhiên nhất của nhiều vùng quê đón tết với phương châm cách kể song hành cùng chuyện kể… Số đầu tiên, Khampha.vn giới thiệu “cà kê” của nhà thơ Văn Công Hùng với ngày 27 Tết ở Pleiku (Gia Lai). |
27 tết, ngày nghỉ đầu tiên trong kỳ nghỉ dài.
Pleiku nắng, và đông.
Cách đây trên chục năm, cứ tết là dân Pleiku tỏa về quê, gọi là hạ sơn. Giờ ngược lại. Người ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hồ Chí Minh đổ về đây ăn tết, nên tết Pleiku rất đông người. Một thế hệ đã sinh ra, lớn lên ở đây, lấy đây làm quê, trong năm tỏa đi, tết lại tụ về, như bản sắc tết Việt.
Không khí Tết đã rộn ràng ở phố núi Pleiku
Nhà văn Phạm Đức Long quần xăn móng lợn phóng xe máy đến rủ tôi xuống vườn… bắt gà. Anh này là kỹ sư nông nghiệp, có 1 cái vườn ở ngoại ô, vừa là của để dành, vừa là nơi áp dụng các sáng kiến chăn nuôi của anh, vừa là nơi thi thoảng bạn bè văn chương tụ tập. Một cặp gà vườn và một con thỏ được bỏ vào cốp ô tô, tôi quay về phố mua hoa.
Từ 600.000 đến 1 triệu đồng một chậu cúc
Từ 600.000 đến 1 triệu đồng một chậu cúc, 300 ngàn một bó ly, đắt kinh người. Nhưng lay ơn lại rẻ. Hoa vườn, 20 nghìn một bó, cắm một lọ đầy. Dưa hấu 10 ngàn một cân. Đây là dưa Kon Tum chuyển về, dưa miền Tây đắt hơn. Ai cũng than tết ế.
Mà ế là đúng. Chúng ta luôn trong tâm thế chuẩn bị tết như thời bao cấp. Trước tết cả tháng truyền thông đã tập trung tuyên truyền tết. Mà là tuyên truyền theo kiểu sức mua tăng hay giảm, giá cả lên hay xuống, các ngành các cấp quan tâm tết ra sao…, tóm lại là chú trọng vào hàng tết. Lo cho cái ăn.
Bây giờ, ăn đã trở thành thứ yếu. Chơi mới là chính. Mối quan tâm chơi nó lớn hơn ăn, nhưng có vẻ như các nhà quản lý xã hội chưa quan tâm mấy đến chơi, vẫn tập trung lo cho dân ăn. Thêm nữa có chơi cũng phải sau ngày mùng một tết. Mà hôm nay mới 27 nên mọi người đang đổ xô đi mua sắm. Mà mua sắm lại rất hay lây, rất dễ bị tâm lý đám đông dẫn dụ. Vậy nên, hôm nay ra đường, người vừa đông mà ai cũng có như có vẻ rất vội vã.
Một không gian Tết rất Pleiku
Các quán cà phê rất vắng khách, và số khách ít ỏi ấy cũng không ngồi cù cưa như mọi khi, dù Pleiku là thủ phủ của cà phê, dân ở đây coi cái sự mỗi sáng phải một ly cà phê là… lẽ sống. Mặt mọi người hôm nay cũng có vẻ… hình sự hơn, “như chuẩn bị đi gặp… IS ấy”, một nhà báo than thở.
Tôi kêu nhân viên nhà sạch dọn nhà, được hồi đáp: “dạ anh chịu khó chờ nhé, sáng mai mới có người anh ạ”.
Đang trưng bàn thờ thì điện thoại réo, số lạ. A lô, anh là VCH ạ. Vâng, tôi đây. Mời anh ra bưu điện lấy tiền ạ. Thôi đang bận lắm, em để ra năm anh lấy cho hên nhé, chắc mấy trăm bọ nhuận bút. Giờ có khoản nào lớn các tòa soạn chuyển vào tài khoản hết rồi. Không ít anh ạ, đến 4 phiếu, phiếu nào cũng tươi. Ơ thế à, thế thì anh ra ngay, là lá la…
Cuối cũng thì ngày 27 tết không vô vị lắm, dù nếu không nhuận, giờ nó đã là tháng… sau rồi…
Phố vẫn trôi nườm nượp, tết như rất gần mà lại cũng như lơ lửng đâu đó…
***