Tựa game này đưa ra những thử thách vô cùng nguy hại tới sức khỏe, tính mạng của người chơi.
Vừa qua, mạng xã hội lan truyền thông tin một tựa game di động mang tính thử thách nguy hiểm có tên "Cá voi xanh" (Blue Whale) đang tràn vào Việt Nam, cụ thể là tại huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) khiến nhiều học sinh trở thành nạn nhân của trò chơi này.
Game “Cá voi xanh” từng được truyền thông quốc tế cảnh báo về sự nguy hiểm.
Chỉ là cảnh báo
Trao đổi với PV sáng 9/5, ông Nguyễn Quốc Thanh - Chủ tịch UBND huyện Cái Bè xác nhận vấn đề liên quan tới game "Cá voi xanh" đã được Ban Tuyên giáo Huyện ủy nhắc tới trong một cuộc họp giao ban nhưng chỉ là sự “nhắc nhở chung, yêu cầu cảnh giác”.
Cụ thể, theo ông Thanh, trên cơ sở báo cáo dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cái Bè, giữa tháng 4 vừa qua, UBND huyện có văn bản giao cho các ngành liên quan kiểm tra, rà soát và trả lời phản ánh nói trên.
Sau đó, Phòng GD-ĐT đã có văn bản gửi tới các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn, trong đó yêu cầu các trường quan tâm, rà soát tất cả học sinh, phối hợp với phụ huynh ngăn chặn kịp thời, không để các em tham gia trò chơi nguy hại này.
Kết quả, theo báo cáo của Phòng GD-ĐT, các trường đã kiểm tra và chưa phát hiện học sinh tham gia trò chơi “Cá voi xanh” như dư luận phản ánh. Một ngôi trường được nhắc tới cụ thể trong báo cáo dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Huyện ủy là Trường THCS Cái Bè cũng chưa phát hiện hiện tượng học sinh tham gia trò chơi nói trên.
Về phát ngôn của Chủ tịch UBND huyện Cái Bè đăng tải trên một trang báo điện tử có nội dung: “Sáng 8/5, ông Nguyễn Quốc Thanh - Chủ tịch UBND huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) xác nhận trò chơi nguy hiểm “Thử thách Cá voi xanh” đã có dấu hiệu lan tới huyện này”, ông Thanh khẳng định trong 2 ngày (7/5 và 8/5) không tiếp bất kỳ phóng viên nào liên quan tới nội dung như vậy.
“Đến nay, UBND huyện Cái Bè khẳng định, trên địa bàn huyện chưa phát hiện học sinh tham gia trò chơi này và các trường đang tiếp tục phối hợp với phụ huynh học sinh kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn nếu xảy ra”, ông Nguyễn Quốc Thanh - Chủ tịch UBND huyện Cái Bè nhấn mạnh.
Thử thách đầu tiên trong game là khắc hình cá heo xanh lên cánh tay, còn thử thách cuối cùng là tự sát.
Game “Cá voi xanh” là gì?
Trước đó, hồi giữa năm 2017, quản lý các trường học và các nhóm phụ huynh ở thành phố Kolkata (thuộc miền Tây Bengal, Ấn Độ) cũng đã đưa ra những lời cảnh báo thông qua các trang web, phương tiện truyền thông xã hội và các ứng dụng nhắn tin nhóm về game di động “Cá voi xanh” (Blue Whale).
Theo cảnh báo, Blue Whale là một trò chơi trực tuyến có liên quan đến cái chết của hàng trăm người tuổi teen trên khắp thế giới, trường hợp gần nhất tính tới thời điểm nói trên là tại Andheri (một vùng ngoại ô của Mumbai, phía tây thành phố) - nơi một cậu bé 14 tuổi đã nhảy khỏi sân thượng để làm “nhiệm vụ cuối cùng” của trò chơi.
Truyền thông địa phương cho biết, trò chơi này ra mắt ở Nga từ 4 năm trước dưới dạng ứng dụng di động và người chơi không thể xóa nó khỏi smartphone. Sau khi cài đặt, nó sẽ đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng. Tiếp theo, game yêu cầu người chơi vẽ một con cá voi xanh lên một miếng giấy rồi chạm khắc hình ảnh đó lên chính cơ thể của mình.
Đó chỉ là thử thách đầu tiên trong tổng cộng 50 thử thách trong 50 ngày của game. Ngoài ra còn có các thử thách khác như xem phim kinh dị một mình hoặc tự làm tổn thương mình theo một cách nào đó. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, người chơi được yêu cầu phải trả tiền để chuộc lại thông tin cá nhân bị đánh cắp. Kinh khủng hơn tất cả, nhiệm vụ cuối cùng trong game là yêu cầu người chơi hãy tự sát. Game cũng yêu cầu người chơi phải quay phim và chia sẻ với người quản trị những thước phim thực tế khi làm nhiệm vụ.
Bà Sandy Cadena và cháu gái Bella đang xem lại những hình ảnh của Natasha Cadena - nạn nhân của game Blue Whale. (Ảnh: USA Today)
Theo USA Today, tại Mỹ, đã có ít nhất 2 thiếu niên thiệt mạng liên quan tới game nói trên chỉ cách nhau gần 1 tuần, là một nạn nhân tên Natasha Cadena và một bạn trẻ ở San Antonio.
Mới đây, trong bài viết đăng ngày 28/2, trang Forbes cũng một lần nữa phát đi cảnh báo về trò chơi này. Theo Forbes, nếu một người chia sẻ bài đăng trên mạng xã hội kèm hashtag (gắn thẻ) #f57, #bluewhalechallenge, #curatorfindme hay #i_am_whale thì đó là dấu hiệu của việc họ đang tham gia các thử thách của game “Cá voi xanh”.