Tưởng rằng đã tìm được bố mẹ sau khi bị bắt cóc, nào ngờ đó lại là khởi đầu cho những chuỗi bi kịch trong cuộc đời chàng trai này.
Vào năm 1988, một cậu bé tên Ding Sheng, đến từ thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, đã bị những kẻ buôn người bắt cóc. Vài năm sau, bố mẹ đã tìm được Ding Sheng và đưa cậu bé về nhà. Khi Ding Sheng lên 27 tuổi, một chàng trai khác đã xuất hiện trước mặt bố mẹ anh rồi tuyên bố mình mới là người con trai mất tích của họ. Vậy rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra? Ai mới là người con trai bị mất tích?
Tìm thấy con trai sau 2 năm mất tích
Anh Ding Chucai và cô Lian Huazhen sống trong một căn nhà cũ và chật chội ở Cám Châu. Năm 1984, cặp đôi sinh được cậu con trai đầu lòng, đặt tên là Ding Sheng. Hơn 1 năm sau, họ lại sinh thêm một cô con gái. Gia đình 4 người tuy nghèo khổ, khó khăn nhưng vẫn sống hạnh phúc bên nhau.
Ngày 16/12/1988, Ding Chucai dậy sớm đi làm, còn người vợ Lian Huazhen đẩy xe bánh ra chợ bán. Lúc này, Ding Sheng dẫn cô em gái nhỏ đến sân một trường tiểu học gần đó chơi. Một lúc sau, cô em gái kêu đói nên Ding Sheng đã lấy 50 xu đưa cho em. Cô bé chạy đi mua đồ ăn vặt nhưng mãi không thấy quay về.
Thấy vậy, Ding Sheng lập tức chạy ra chợ để báo tin cho mẹ. Lian Huazhen khi đó đang bận bán bánh, thấy con trai nói em gái biến mất nên vô cùng tức giận, mắng con trai rằng nếu không tìm được em gái thì sẽ bị đánh đòn. Nghe thấy vậy, Ding Sheng vô cùng hoảng sợ, chạy đi khắp nơi để tìm em gái.
Nghe tin con gái mất tích, Ding Chucai cũng nhanh chóng xin nghỉ việc để đi tìm con. Hơn 2h sau, cặp vợ chồng tìm thấy con gái đang bị lạc đường. Lúc này, cặp đôi mới nhận ra sự biến mất của con trai Ding Sheng. Ban đầu, họ còn tưởng cậu bé sợ bị bố mẹ mắng nên đang trốn ở đâu đó, thế nhưng đợi đến đêm vẫn không thấy con trai trở về. Nhận ra mức độ nghiêm trọng, cặp đôi lập tức tới đồn cảnh sát báo cáo vụ mất tích.
Người thân và bạn bè biết tin Ding Sheng mất tích cũng nhanh chóng chia ra để tìm cậu bé. Họ lùng sục khắp nơi, thậm chí còn tìm kiếm ở những cái giếng và ao hồ quanh đó nhưng không có tung tích gì. Thông tin này còn được đăng tải lên đài truyền hình tỉnh nhưng Ding Sheng vẫn bặt vô âm tín. Con trai mất tích khiến vợ chồng Ding Chucai và Lian Huazhen vô cùng đau khổ, lo lắng. Họ dốc hết tiền bạc và thời gian để tìm kiếm con trai trong tuyệt vọng.
Hai năm sau, vào tháng 8/1990, cặp đôi xem TV thì thấy thông tin về một bé trai bị bắt cóc đến tỉnh Hà Nam. Cặp đôi lập tức lên đường để xem đó có phải là con trai mình không.
Theo thông tin từ cảnh sát, bé trai này bị bọn buôn người bắt cóc, bị đánh đập và hành hạ dã man, sau đó may mắn trốn thoát, được một người phụ nữ họ Cai thương tình cứu giúp rồi đưa tới đồn cảnh sát.
Khi ấy, rất nhiều cặp vợ chồng khác cũng tới nhận con. Giữa đám đông, cảnh sát đã hỏi bé trai xem ai là bố mẹ mình, cậu bé lập tức chạy tới ôm chân Ding Chucai. Người bố cúi xuống nhìn, thấy cậu bé quả thực giống con trai mình, bật khóc nức nở, mừng mừng tủi tủi nhận lại con. Ding Chucai còn cung cấp thêm bằng chứng rằng con trai mình từng trải qua một cuộc tiểu phẫu ở cổ nên có vết sẹo. Bé trai kia cũng có một đốm trắng ở cổ, giống như vết sẹo bị mờ.
Để chắc chắn hơn, cảnh sát còn đưa vợ chồng Ding Chucai và đứa trẻ tới bệnh viện kiểm chứng. Thời đó, công nghệ xét nghiệm ADN chưa phổ biến, họ chỉ có thể kiểm tra nhóm máu. Kết quả cho thấy nhóm máu của bé trai thực sự tương thích với 2 vợ chồng. Cặp đôi lập tức đưa con trai về nhà. Cậu bé sống dưới cái tên Ding Sheng kể từ đó.
Chuỗi bi kịch gia đình
Biết tin Ding Sheng được tìm thấy, người thân và bạn bè hết sức vui mừng. Thế nhưng đối với Ding Sheng, cậu luôn cảm thấy có điều gì đó xa lạ khi sống trong gia đình này, dường như lựa chọn lúc trước là sai lầm.
Bố mẹ nói Ding Sheng trước đây rất thích ăn cam và yêu thương em gái. Thế nhưng thực tế, Ding Sheng không thích ăn cam, cũng không có ấn tượng gì về em gái. Vợ chồng Ding Chucai cứ nghĩ rằng 2 năm biến cố đã khiến con trai mất một phần ký ức.
Khi đến tuổi đi học, Ding Sheng thường xuyên bị bạn bè trêu chọc là đứa trẻ nhặt được. Năm lớp 5, Ding Sheng cãi nhau với em gái. Trong lúc tức giận, người mẹ đã quát cậu rằng: "Con chỉ là đứa trẻ được nhặt về thôi". Điều này đã có tác động lớn đối với Ding Sheng.
Kể từ đó, Ding Sheng luôn hoài nghi không biết mình có thật sự là con trai của gia đình này hay không. Ding Sheng cũng nói suy nghĩ này với bố mẹ nhưng họ đều gạt đi, cho rằng cậu suy nghĩ lung tung. Bố mẹ càng trách móc, Ding Sheng càng nổi loạn, cho rằng đây không phải tổ ấm thực sự của mình. Ding Chucai thấy con trai học hành sa sút thì ra sức trách mắng khiến khoảng cách gia đình càng thêm lớn dần.
Ding Jiulong
Cuối cấp 2, Ding Sheng không cởi bỏ được những nút thắt trong lòng nên đã quyết định lấy trộm sổ hộ khẩu, đi đổi tên thành Ding Jiulong vì cho rằng cái tên này hợp với mình hơn.
Nhiều năm sau, chính quyền Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc kiểm tra ADN nhằm tìm kiếm các gia đình thất lạc lẫn nhau. Lúc này, Ding Chucai liền bảo con trai rằng hãy cùng nhau đi xét nghiệm ADN. Mục đích của Ding Chucai là để xóa bỏ sự nghi ngờ, ghẻ lạnh giữa mình với con trai. Ding Jiulong cũng cảm thấy chuyện này hợp lý nên đã cùng bố đi kiểm tra. Thật không ngờ, kết quả trả về cho thấy 2 người không hề có quan hệ huyết thống.
Đối với Ding Chucai, sự thật này như một giấc mơ. Ông không thể ngờ người mình nuôi nấng hơn 10 năm qua lại không phải con ruột. Mặc dù vậy, vợ chồng Ding Chucai vẫn hứa rằng luôn coi Ding Jiulong như con ruột, sẽ lo cho tương lai của anh.
Thế nhưng đối với Ding Jiulong, sự thật này khiến sự ghẻ lạnh của anh với gia đình càng lớn hơn. Anh không cảm thấy gia đình này phù hợp với mình, thậm chí còn cố gắng tìm kiếm bố mẹ ruột nhưng không có manh mối gì. Ding Jiulong quyết định đi làm ăn xa, chỉ thỉnh thoảng về thăm bố mẹ.
Con trai thật xuất hiện và bi kịch của con trai nuôi
Năm 2011, Ding Jiulong nhận được cuộc gọi từ bố nuôi Ding Chucai, nói anh hãy đến ngay đồn cảnh sát. Ding Jiulong tưởng họ tìm thấy bố mẹ ruột của mình nên tức tốc chạy đến. Nào ngờ khi đến nơi, anh nhìn thấy bố mẹ nuôi đang ngồi cạnh một chàng trai trạc tuổi anh. Ánh mắt của tất cả mọi người đều đổ dồn vào chàng trai ấy khiến Ding Jiulong lờ mờ nhận ra mọi chuyện. Hóa ra, bố mẹ nuôi của anh đã tìm được con trai ruột, tìm được Ding Sheng thật sự.
Theo điều tra của cảnh sát, vào năm 1988, Ding Sheng đã bị bọn buôn người bắt cóc, đưa đến Hà Nam. Tại đó, một gia đình họ Cheng không sinh được con trai nối dõi nên đã mua Ding Sheng về với giá 3.000 nhân dân tệ (hơn 10 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại), đặt tên là Cheng Chaoyang.
Cheng Chaoyang, tức Ding Sheng thật
Cheng Chaoyang được bố mẹ nuôi đối xử rất tốt. Anh cũng lấy vợ, sinh con, sống trong hạnh phúc. Năm 2005, Cheng Chaoyang về quê thăm bà, mới được bà tiết lộ sự thật rằng anh chỉ là con nuôi. Dù rất yêu thương gia đình này nhưng Cheng Chaoyang vẫn quyết định đi tìm bố mẹ ruột. Anh nghe nói bọn buôn người đến từ Cám Châu nên suy đoán rằng mình cũng bị bắt cóc ở đó.
Tháng 11/2011, Cheng Chaoyang đến tìm cảnh sát Cám Châu nhờ giúp đỡ. Anh cũng đăng thông tin lên mạng xã hội, được nhiều tổ chức và cá nhân giúp đỡ. Cuối cùng, Cheng Chaoyang đã liên hệ được với ông bố mất con Ding Chucai. Vì vậy, họ đã có một cuộc nói chuyện trực tuyến.
Tất cả mọi chi tiết mà Cheng Chaoyang còn nhớ được, từ vết sẹo trên cổ, mối quan hệ với em gái, bộ quần áo mặc hôm bị bắt cóc, những ngôi nhà xung quanh... đều trùng khớp 100%. Kết quả giám định ADN cũng đã xác định Cheng Chaoyang chính là Ding Sheng.
Ngay sau đó, Cheng Chaoyang đã quay về Cám Châu để đoàn tụ với bố mẹ ruột. Bố anh lúc đó đã 64 tuổi, còn mẹ 54 tuổi. Để chào mừng sự trở lại của anh, chính quyền địa phương còn tổ chức hẳn một sự kiện lớn.
Ding Jiulong cũng được mời đến tham dự sự kiện này nhưng anh không muốn tham gia bởi luôn cảm thấy mình là người thừa. Mãi sau đó, trước sự khuyên nhủ của người thân, Ding Jiulong miễn cưỡng đến thăm, thế nhưng khi nhìn dòng chữ "Chào mừng Ding Sheng trở về nhà", anh lại chạnh lòng, nghĩ rằng mình không thuộc về nơi này. Nhìn thấy Cheng Chaoyang ôm bố mẹ nuôi, trong lòng Ding Jiulong rất khó chịu, cảm giác như anh chỉ là kẻ giả tạo vậy.
Những năm sau đó, mối quan hệ giữa Ding Jiulong với gia đình vẫn không hề tiến triển tốt đẹp. Anh đi làm ăn xa, hiếm khi quay về nhà, có khi chỉ ngày Tết mới về. Cho dù bố mẹ nuôi khẳng định họ mãi mãi là gia đình, Ding Jiulong vẫn không cảm nhận được sự gần gũi và yêu thương như trước đây nữa.