Một quan chức hải quân Mỹ tỏ ra nghi ngờ về những xung tín hiệu được cho là của hộp đen MH370. Nếu đây là những tín hiệu giả, nó thực sự là một gáo nước lạnh dội vào nỗ lực tìm kiếm đa quốc gia.
Ngày 29/5, một quan chức hải quân Mỹ cho rằng những tín hiệu âm thanh “ping” mà lực lượng cứu hộ thu được trên vùng biển Nam Ấn Độ Dương hồi tháng trước không phải là tín hiệu hộp đen của chiếc máy bay mất tích MH370.
Ông Michael Dean, Phó Giám đốc Cục Kỹ thuật Hải dương của hải quân Mỹ cho rằng những tín hiệu âm thanh đó nhiều khả năng được phát ra từ những nguồn nhân tạo.
Hải quân Úc tham gia chiến dịch tìm kiếm MH370
Tuy nhiên, đại diện của hải quân Mỹ cho rằng phát ngôn của ông Dean chỉ là “suy đoán và hấp tấp”.
Gáo nước lạnh
Bốn tín hiệu “ping” mà nhà chức trách tin rằng được phát ra từ hộp đen của MH370 đã được các đội tìm kiếm dò được hồi tháng trước bằng thiết bị đặc biệt. Dựa vào các tín hiệu ping này, lực lượng cứu hộ đã vạch ra khu vực tìm kiếm dưới đáy biển từ đó đến nay.
Tuy nhiên, ông Dean tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực của những tín hiệu này. Ông nói: “Giả thuyết hợp lý nhất của chúng ta hiện nay là những tín hiệu ping đó nhiều khả năng là tiếng ồn phát ra từ con tàu, hoặc chính các thiết bị điện tử bên trong Bộ Định vị Hộp đen.”
Bộ Định vị Hộp đen được thả xuống biển để tìm MH370
Vị quan chức hải quân này nói tiếp: “Mỗi lần bạn đưa thiết bị điện tử đó xuống biển, bạn đều lo sợ rằng những thứ xung quanh như tàu bè, sóng biển sẽ tạo ra tạp âm khiến bạn nhầm lẫn.”
Ngay sau khi ông Dean đưa ra nhận định này với CNN, người phát ngôn hải quân Mỹ Chris Johnson đã lên tiếng bác bỏ. Ông Johnson nói: “Mỹ đã cùng hợp tác với Malaysia, Úc và các đối tác quốc tế trong suốt hơn 2 tháng qua trong nỗ lực để xác định vị trí của MH370.”
Vị này nói tiếp: “Những nhận xét của ông Dean chỉ là suy đoán và hấp tấp, trong khi chúng tôi đang tiếp tục làm việc với các đối tác để nắm toàn bộ dữ liệu do Bộ Định vị Hộp đen thu được. Và chúng tôi sẽ đưa ra những thông tin mới vào thời điểm phù hợp theo gợi ý của phía Úc, nước đang phụ trách chiến dịch tìm kiếm.”
Địa hình đáy biển khu vực tìm kiếm
Mặc dù vậy, những tuyên bố của ông Dean vẫn được coi là một gáo nước lạnh nữa dội vào nỗ lực của các đội tìm kiếm đa quốc gia đang dò tìm trên vùng biển nam Ấn Độ Dương.
Theo các chuyên gia, hiện nay ngày càng có nhiều người đặt ra câu hỏi liệu đội tìm kiếm có đang dò tìm đúng chỗ hay không, bởi chiến dịch của họ suốt hơn 2 tháng qua chưa hề thu được một kết quả khả quan nào, bất chấp nguồn chi phí khổng lồ lớn nhất trong lịch sử hàng không đã đổ vào chiến dịch này.
Chuyến bay MH370 mất tích từ hôm 8/3 khi đang trên đường bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh với 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn. Dựa vào dữ liệu do vệ tinh Inmarsat thu được, nhà chức trách Malaysia kết luận rằng MH370 đã kết thúc hành trình trên vùng biển nam Ấn Độ Dương.