Hai nghi phạm liên quan đến hành vi giật dây chuyền của cụ bà đang tập thể dục buổi sáng đã bị công an bắt giữ.
Cụ bà 72 tuổi bị giật dây chuyền khi tập thể dục buổi sáng
Ngày 23-9, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng cùng Công an huyện Hòa Vang đã thực hiện bắt giữ Trần Đình Thiện (29 tuổi, ngụ xã Sông Kôn) và Lê Viết Nhâm (32 tuổi, ngụ xã Tư, cùng huyện Đông Giang, Quảng Nam) là nghi phạm cướp giật dây chuyền của một cụ bà tại xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang).
Theo đó, khoảng 5 giờ sáng 15-9, cụ bà V.T.L.E (72 tuổi, ngụ xã Hòa Châu) đang đi tập thể dục buổi sáng trên đường ở xã Hoà Châu thì bất ngờ bị hai đối tượng áp sát giật dây chuyền vàng.
Trần Đình Thiện bị bắt giữ khi đang lẩn trốn. Ảnh: CA.
Tiếp nhận tin báo, lực lượng công an nhanh chóng truy xét và xác định hai nghi phạm thực hiện vụ cướp là Trần Đình Thiện và Lê Viết Nhâm.
Trước khi chuyển hướng trốn về tỉnh Quảng Nam, hai nghi phạm đã thay đổi trang phục để tránh sự phát hiện, truy bắt của lực lượng công an.
Lê Viết Nhâm bị bắt tại tỉnh Quảng Nam. Ảnh: CA.
Đến sáng ngày 22-9, lực lượng công an mật phục, bắt giữ Lê Viết Nhâm tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) và bắt giữ Trần Đình Thiện khi đang trốn tại thị trấn Nông Trường Lệ Ninh (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình).
Bước đầu, hai nghi phạm thừa nhận cướp giật dây chuyền của cụ bà vào ngày 15-9 tại xã Hòa Châu.
Lũ trên sông Lam đang dâng cao, nguy cơ tràn đê bao
Mưa lớn liên tục từ chiều ngày 22/9 đã làm nước sông Lam dâng nhanh. Đến sáng nay 23/9, tuyến đê bao Hưng Đạo có nguy cơ bị tràn. Theo ghi nhận, nước sông đã mấp mé gần ngang với mép đê trên chiều dài khoảng 800m, trong khi thời tiết vẫn đang diễn biến đáng lo ngại, mưa lớn liên tục.
Tuyến đê bao có nguy cơ tràn.
Tại huyện Hưng Nguyên, từ sáng 23/9, các cơ quan chức năng đã triển khai các giải pháp gia cố để "cứu" đê. Ông Hoàng Đức Ân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết, huyện đã huy động 3 máy xúc, đắp con chạch chống tràn, cử lực lượng túc trực xử lý sự cố, đồng thời cấm người dân đi qua.
“Nếu mưa vẫn tiếp tục, kết hợp với nước thượng nguồn đổ về, nguy cơ tràn đê là rất lớn. Điểm nguy cơ này cách vị trí vỡ đê năm 2022 khoảng 800m”, ông Hoàng Đức Ân lo ngại.
Nếu tuyến đê bao này bị tràn, các xóm 5, 6, 7 của xã Hưng Đạo sẽ bị ảnh hưởng, gây ra ngập lụt. Hiện người dân đã được thông báo và khuyến cáo kê cao tài sản để tránh thiệt hại do ngập lụt.
Các lực lượng túc trực, sẵn sàng phương án xử lý sự cố.
Ông Lê Huy Khoa, Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo, cho biết xã đã huy động lực lượng, xóm trưởng, công an, quân sự, cùng các tổ chức đoàn thể để rà soát, thống kê các hộ dân cần hỗ trợ kê cao tài sản. Trong trường hợp tràn đê hoặc vỡ đê, xã sẽ tập trung hỗ trợ và di dời người dân đến nơi an toàn.
Được biết, vào năm 2022, đoạn đê này đã từng bị vỡ do nước dâng cao. Hiện đê đang được thi công nâng cấp và sửa chữa. Điểm vỡ năm 2022 cách vị trí có nguy cơ tràn đê lần này khoảng 800m.
Do mưa lớn, huyện Hưng Nguyên đã bị ngập lụt trên diện rộng, tập trung chủ yếu ở các xã dọc sông Lam và một số xã vùng ngoài như Hưng Yên Nam, Hưng Trung, Hưng Đạo...
Trưa 23/9, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai, Tìm kiếm Cứu nạn và Phòng thủ Dân sự tỉnh Nghệ An cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, từ ngày 17 đến 22/9, trên địa bàn đã xảy ra mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa đo được tại một số trạm khí tượng thủy văn dao động từ 200-500mm, như: Dừa 527mm, Con Cuông 457mm, TP Vinh 421mm, Quỳnh Lưu 411mm... Rạng sáng 23/9, một cây gỗ lớn từ độ cao gần 10m trên vách đá tại eo Vực Bồng, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, bật gốc đổ xuống đường cùng nhiều tảng đá lớn. May mắn thời điểm đó không có người và phương tiện lưu thông, nên không có thiệt hại về người và tài sản. Khu vực sạt lở nằm trên tuyến quốc lộ 7, nối các huyện đồng bằng với các huyện miền núi như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn và cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn. |
Tìm thấy thi thể thứ 4 vụ sập cầu Phong Châu là lái xe đầu kéo
VietnamNet dẫn tin từ Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, khoảng 7h45 ngày 23/9, Công an phường Bạch Hạc (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) nhận được tin báo của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Phú Thọ, về việc trong quá trình tuần tra cứu nạn cứu hộ nạn nhân vụ sập nhịp cầu Phong Châu đã phát hiện 1 tử thi là nam giới đang trôi trên sông Hồng, đoạn thuộc khu Mộ Hạ, phường Bạch Hạc.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an TP Việt Trì đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và thông báo truy tìm tung tích nạn nhân trên địa bàn TP Việt Trì và các địa bàn lân cận, đồng thời thông báo cho các gia đình nạn nhân trong vụ sập nhịp cầu Phong Châu để nhận dạng.
Cơ quan chức năng đã tìm thấy nạn nhân thứ 4 vụ sập cầu Phong Châu. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ
Đến khoảng 11h30 cùng ngày, gia đình nạn nhân Dương Công C (SN 1981, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), là lái xe ô tô đầu kéo BKS 19H-0xxx trong vụ tai nạn sập nhịp cầu Phong Châu, đã nhận dạng tử thi và có nguyện vọng đưa thi thể về để gia đình mai táng.
Sau hơn 10 ngày xảy ra sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, đến thời điểm hiện tại, các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 4 thi thể nạn nhân và tiếp tục tìm kiếm 4 trường hợp còn mất tích.
Trước đó, theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh Phú Thọ liên quan vụ sập cầu Phong Châu cho biết, bão số 3 đã gây ra mưa lũ, khiến nước sông Hồng dâng cao. Lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình lòng sông, kéo đổ trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và 7) vào lúc 10h02 ngày 9/9.
Theo Sở GTVT Phú Thọ, cầu Phong Châu đã qua nhiều đợt sửa chữa với lần gần nhất là năm 2023.
Cầu Phong Châu nằm trên quốc lộ 32C qua tỉnh Phú Thọ. Cầu được xây dựng bằng thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với quy mô vĩnh cửu, được bàn giao đưa vào khai thác sử dụng năm 1995.
Phần đường xe chạy rộng 7m; lề người đi mỗi bên 1m; tổng bề rộng mặt cầu 9,5m. Cầu gồm 8 nhịp. Các nhịp 33m là nhịp dầm bê tông cốt thép (N1 đến N4) và các nhịp dàn thép (N5, N6, N7). Các trụ cầu (T1 đến T7) bằng bê tông cốt thép.
La Nina xuất hiện đúng vào mùa mưa bão nên dự báo sẽ phức tạp khó lường
La Nina xuất hiện muộn hơn dự báo, bão đổ bộ đất liền có thể tăng
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa phát hành bản tin dự báo mùa. Theo đó, hiện tượng ENSO vẫn đang trong trạng thái trung tính, từ tháng 10 - tháng 12 có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60 - 70%.
Dưới trạng thái La Nina, từ tháng 10 - tháng 12, hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN từ 4 - 5 cơn); trong đó số cơn đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với TBNN (TBNN 1,9 cơn) và tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và các tỉnh phía nam. Đề phòng khả năng bão/áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.
La Nina xuất hiện đúng vào mùa mưa bão nên dự báo sẽ phức tạp khó lường.
Chính vì vậy, trong thời điểm này vùng ven biển các tỉnh khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ cần lưu ý đề phòng sóng lớn kết hợp với nước dâng do ảnh hưởng của bão/áp thấp nhiệt đới, nguy cơ cao gây sạt lở bờ sông, bờ biển.
Ngoài ra, tháng 10 - tháng 12/2024, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, độ cao sóng ở khu vực vịnh Bắc bộ, vùng biển ngoài khơi Trung bộ, trên khu vực bắc và giữa Biển Đông có thể đạt trên 4m, biển động mạnh.
Từ nay đến tháng 12, tại khu vực ven biển Đông Nam bộ xuất hiện 7 đợt triều cường, đợt 1 từ ngày 4 - 6.10; đợt 2 từ ngày 17 - 21.10; đợt 3 từ ngày 2 - 5.11; đợt 4 từ ngày 15 - 19.11; đợt 5 từ ngày 1 - 6.12; đợt 6 từ ngày 13 - 17.12; đợt 7 từ ngày 29.12 - 4.1.2025. Mực nước lớn nhất tại trạm Vũng Tàu trong giai đoạn này có thể đạt 4,3 m trong khoảng thời gian từ 14 - 16 giờ ngày 17.11, các vùng trũng, thấp, ven sông và vùng ngoài đê bao khu vực ven biển phía đông Nam bộ có khả năng ngập úng.
Không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 11 - 12, trong đó hiện tượng rét đậm ở Bắc bộ có khả năng xuất hiện từ nửa cuối tháng 12 (tương đương so với trung bình nhiều năm).
Nguy hiểm khi La Nina xuất hiện đúng vào mùa mưa bão
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết La Nina xuất hiện đúng vào mùa mưa bão ở miền Trung nên tình hình mưa, bão ở khu vực này khả năng diễn biến sẽ có nhiều phức tạp.
Đặc biệt, nguy cơ lượng mưa nhiều, lớn hơn bình thường ở ven biển Trung bộ, làm tăng nguy cơ lũ lụt và ngập lụt đô thị. Với lượng mưa gia tăng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng, nhất là ở các vùng núi cao, nơi có tính chất đất không ổn định.
Lý giải nguyên nhân thời gian qua, dù nước ta mới bước vào giai đoạn trung tính là ENSO nhưng thời tiết đã có những diễn biến bất thường, ông Mai Văn Khiêm cho biết, tháng 6-7 là mùa mưa chính ở Bắc Bộ. Lượng mưa trung bình trong 2 tháng này chiếm khoảng 30-35% tổng lượng mưa của năm. Bên cạnh đó, khi chuyển từ El Nino sang ENSO và La Nina, hệ thống khí quyển thế giới có sự xáo trộn, trong đó có Việt Nam. Điều này dẫn đến những hiện tượng mưa lũ bất thường thời gian qua.
Cảnh báo tình hình thiên tai nguy hiểm trong những tháng cuối năm 2024, ông Mai Văn Khiêm nhận định, tháng 9 là mùa mưa lũ chính ở Bắc Bộ nên các địa phương sẽ đối mặt với các đợt mưa lớn; nguy cơ đi kèm là lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.
Dự báo xa hơn trong khoảng từ nay đến cuối năm 2024 với kịch bản La Nina xuất hiện, phát triển và tác động đến nước ta đúng thời kỳ mùa mưa, bão ở Trung Bộ nên khả năng diễn biến bão, mưa, lũ sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là các nguy cơ lượng mưa nhiều, lớn hơn bình thường ở ven biển Trung Bộ, làm tăng nguy cơ lũ lụt, và ngập lụt đô thị.
Với lượng mưa gia tăng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng, đặc biệt ở các vùng núi cao nơi có tính chất đất không ổn định.
La Nina có thể làm gia tăng tần suất, cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm. Từ nay đến hết năm 2024 trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 8 - 10 cơn bão/áp thấp nhiệt đới; trong đó có 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, nguy cơ tác động đến hoạt động tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản ven biển.
Bên cạnh đó, hiện tượng dông lốc ở đất liền và trên biển, mưa lớn cực đoan thời đoạn ngắn gây ngập úng đô thị sẽ xuất hiện nhiều hơn, gây ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Đưa ra cảnh báo tới các địa phương trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đối với các tỉnh vùng núi phía Bắc, chúng ta phải chủ động ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét.
Cần phải có những biện pháp, đặc biệt cần nâng cao công tác tuyên truyền, kỹ năng hướng dẫn cho người dân cũng như các cấp chính quyền cơ sở; chủ động rà soát những khu vực dân ở, có nguy cơ rủi ro cao cần tổ chức di dời, khơi thông luồng lạch bị ách tắc... Khi có tình huống thiên tai xảy ra, các chính quyền địa phương cần túc trực, tăng cường lực lượng hướng dẫn, theo dõi, giám sát.
Một số khái niệm về ENSO theo Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu: El Nino: El Nino là khái niệm dùng để chỉ hiện tượng nóng lên không bình thường của lớp nước mặt thuộc vùng biển phía đông xích đạo Thái Bình Dương. El Nino còn được gọi là "pha nóng". La Nina: Ngược với El Nino, La Nina là khái niệm dùng để chỉ hiện tượng lạnh đi không bình thường của lớp nước mặt thuộc vùng biển phía đông xích đạo Thái Bình Dương. La Nina còn được gọi là "pha lạnh". Dao động Nam (SO): SO là khái niệm dùng để chỉ hiện tượng dao động của chênh lệch khí áp giữa tây và trung tâm xích đạo Thái Bình Dương. ENSO: Do 2 hiện tượng El Nino/La Nina (đại dương) và SO (khí quyển) xảy ra trên xích đạo TBD có quan hệ mật thiết với nhau nên chúng được liên kết lại thành một hiện tượng kép, gọi tắt là ENSO. |