Trận mưa lớn tối 5/8 trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) khiến hai xã Hồ Bốn, Lao Chải bị cô lập.
Hình ảnh bên trong hai xã bị cô lập do mưa lũ ở Yên Bái
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Yên Bái, đến 10h ngày 6/8, đoạn km316+230 đến km318+600, Quốc lộ 32, đoạn qua địa phận xã Khao Mang và xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải đất đá sạt lở từ taluy dương vẫn sạt tràn kín mặt đường, gây ách tắc giao thông .
Đặc biệt, do sạt lở đường, mất điện, không có sóng điện thoại, đường từ trung tâm huyện vào xã Hồ Bốn, Lao Chải hiện vẫn đang bị cô lập, chưa tiếp cận được.
Đến 13h cùng ngày, tại xã Hồ Bốn, nhiều địa điểm đất đá tràn lấp, việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
Chính quyền xã đã nhanh chóng huy động lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Đồng thời, lực lượng chức năng kiểm kê thiệt hại, di dời đối với những hộ dân có nguy cơ bị sạt lở.
Chính quyền huyện cho biết, các lực lượng sẽ nhanh chóng ổn định tình hình, đảm bảo an toàn cho bà con nhân dân.
Trước đó, mưa lớn đã làm sạt lở đất, đá lăn vào nhà làm 2 cháu nhỏ ở bản Háng Bla Ha AB, xã Khao Mang là Cứ Thị Tú U (SN 2021) và Cứ Thị T (SN 2023) bị thiệt mạng.
Ngoài ra, 31 ngôi nhà bị thiệt hại nặng nề (15 nhà tại xã Hồ Bốn, 7 nhà tại Khao Mang, 6 nhà ở Kim Nọi, 2 nhà ở Mồ Dề và 1 nhà ở La Pán Tẩn).
Ngay khi nắm được thông tin, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã thành lập 3 tổ công tác trực tiếp xuống các xã Khao Mang và Hồ Bốn để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi động viên gia đình có người bị thiệt mạng và các gia đình bị ảnh hưởng do sạt lở đất, đá vào nhà.
Ban chỉ huy các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại, theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời báo cáo khi có thiệt hại xảy ra.
Hiện, lực lượng chức năng đang tích cực thông đường tại các vị trí bị sạt lở.
Xuất hiện phiên bản của hot girl lừa đảo “Tina Dương” tại Đà Nẵng
Sử dụng chiêu thức tương tự như hot girl “Tina Dương”, Đỗ Thị Yến Ly đã lừa đảo một gia đình tại Đà Nẵng, chiếm đoạt hàng tỉ đồng.
Ngày 6-8, Công an huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Đỗ Thị Yến Ly (SN 1988, trú phường Phan Đình Phùng, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Trước đó, ngày 3-8, Công an huyện Hòa Vang nhận được tin báo của gia đình bà Ng.T.K.Y (SN 1972, trú Hòa Vang, Đà Nẵng) trình báo về việc bị đối tượng tên Đỗ Yến Nhi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đỗ Thị Yến Ly lấy tên giả là Đỗ Yến Nhi, thuê người đóng giả người nhà để lừa đảo nhà chồng (ảnh Công an cung cấp)
Quá trình xác minh, công an xác định vào khoảng tháng 4-2022, Đỗ Thị Yến Ly từ Gia Lai xuống Đà Nẵng và tình cờ quen biết qua chuyến xe Grab do anh V.N.K (SN 1994, quận trú Liên Chiểu, Đà Nẵng) làm tài xế.
Lúc này, Ly xưng tên giả là Đỗ Yến Nhi. Qua nhiều lần tiếp xúc, Ly nhanh chóng đưa anh K. vào "lưới tình". Đến tháng 7-2022, anh K. đưa Ly về nhà ra mắt gia đình.
Thấy gia đình K có điều kiện, Ly "nổ" về gia thế của mình, rằng gia đình Ly đang sở hữu một công ty xe khách. Anh trai Ly là người quản lý tuyến xe khách Gia Lai – Hải Dương, nhằm dễ dàng tiếp cận gia đình anh K.
Đến tháng 9-2022, Ly nói đã có thai với anh K. và cùng anh K. tổ chức đám cưới. Ly thuê người đóng giả cha, mẹ và họ hàng nhà gái với số tiền 100 triệu đồng để tổ chức đám cưới tại Gia Lai.
Cạnh đó, Ly mượn 1 sổ đỏ, 1 sổ hồng và 9 cây vàng giả đưa cho các "diễn viên" để nhóm này trao của hồi môn cho vợ chồng Ly tại đám cưới. Sau khi tổ chức đám cưới xong, Ly về nhà anh K. sinh sống.Trong thời gian sinh sống cùng với gia đình anh K., Ly nhiều lần lừa gia đình chồng, "nổ" rằng cha mẹ Ly đã mua cho vợ chồng Ly 2 xe khách 34 chỗ để chạy tuyến Gia Lai – Đà Nẵng và đang cần thêm tiền mua một xe trung chuyển 16 chỗ.
Số sổ đỏ đối tượng làm giả để lấy niềm tin từ nhà chồng (ảnh Công an cung cấp)
Cùng với đó, Ly tiếp tục nói dối gia đình chồng rằng đã được bố mẹ mua cho căn nhà giá 9 tỉ đồng ở TP Đà Nẵng nhưng thực tế nhà này do Ly thuê với giá 9 triệu đồng/tháng.
Ly nói dối những điều trên nhằm mượn tiền gia đình chồng mua thêm 1 xe trung chuyển 16 chỗ, mua lô đất bên cạnh căn nhà thuê tại Đà Nẵng.
Tin tưởng vì vỏ bọc mang tên Đỗ Yến Nhi, gia đình anh K. đã nhiều lần cho Ly vay, mượn tiền với tổng số tiền lên đến 2 tỉ 400 triệu đồng.
Cho đến khi trình báo cơ quan công an, anh K. và gia đình vẫn không biết tên thật của Đỗ Yến Nhi là Đỗ Thị Yến Ly.
Hiện, Công an huyện Hòa Vang vẫn đang tìm thêm các bị hại của Đỗ Thị Yến Ly, mọi thông tin liên lạc đến Điều tra viên, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Thiếu tá Lê Trần Bá Đức, SĐT 0905.353.194.
Trước đó, cũng với chiêu thức tương tự, Ninh Thị Vân Anh (SN 1995, trú tỉnh Bắc Giang, tức hotgirl "Tina Dương" hay là Anna Bắc Giang) đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng. Vụ việc gây rúng động mạng xã hội. Đối tượng bị TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạt tổng cộng 11 năm tù. |
Ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên - Huế nói gì khi bị cho rằng đã làm sai lệch di sản?
Ngày 6-8, thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đã có văn bản phản hồi gửi Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) về việc chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Trong văn bản gửi Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên – Huế vào ngày 2-8, Cục Di sản văn hóa cho biết họ đã nhận được thông tin rằng, tại sự kiện Hội thảo khoa học quốc tế Engaging With Vietnam (từ ngày 1 đến 6 tháng 8) do Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế phối hợp với đơn vị Engaging With Vietnam và Trường ĐH Nghệ thuật – ĐH Huế tổ chức diễn ra hoạt động biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng trong di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, do một số nghệ nhân, thanh đồng miền Bắc thực hiện.
Một hoạt động tại hội thảo.
"Căn cứ các quy định của luật Di sản văn hóa, Công ước 2003 Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Đây là hoạt động làm sai lệch di sản khi đưa di sản ra biểu diễn ngoài phạm vi không gian thực hành của di sản, sử dụng các thành tố của di sản để trình diễn không đúng với bản chất và tính chất truyền thống của di sản. Vi phạm nguyên tắc về sự tôn trọng, bảo vệ tính thiêng, tập tục, kiêng kỵ của di sản và nguyên tắc đồng thuận trên cơ sở hiểu biết đầy đủ của cộng đồng chủ thể thực hành di sản" – công văn của Cục Du sản văn hóa nêu.
Cục Di sản văn hóa cũng đề nghị Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan phối hợp, làm rõ sự việc, có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tuân thủ luật Di sản văn hóa và Công ước 2023, tránh gây những bức xúc trong cộng đồng chủ thể di sản cũng như nghệ nhân nắm giữ di sản...
Tại công văn phản hồi, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, trong khuôn khổ hội thảo này có chủ đề "Sống cùng di sản, Tái tạo di sản", tại Trường ĐH Nghệ thuật – ĐH Huế tổ chức khai mạc "Triển lãm Mỹ thuật quốc tế", trong đó có chương trình giới thiệu một số loại hình di sản văn hoá phi vật thể như: Ca Huế, múa Cung đình Huế, múa Chăm, múa hát Khmer Nam Bộ...
Riêng tiết mục biểu diễn một vài trích đoạn và giới thiệu trang phục hầu đồng do một số nghệ nhân tham gia hội thảo thực hiện để minh hoạ, diễn giải thêm cho chủ đề liên đến di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là hoạt động mang tính tự phát của một nhóm nghệ nhân thanh đồng đến từ miền Bắc. Toàn bộ các hoạt động nghệ thuật trên chỉ phục vụ riêng cho các đại biểu là các nhà nghiên cứu tham dự hội thảo, được tổ chức trong khuôn viên nhà trường, không đưa ra phục vụ tại cộng đồng.
Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã làm việc với ban tổ chức, Trường ĐH Nghệ thuật – ĐH Huế và nhóm nghệ nhân để rút kinh nghiệm và sẽ nghiêm túc triển khai thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo không để xảy ra những bức xúc trong cộng đồng.
Bắt khẩn cấp gã bạn trai giết nữ chủ tiệm hớt tóc để cướp tiền đi đánh bạc
Ngày 6-8, Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Biên Hòa phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự công an tỉnh Đồng Nai đã bắt khẩn cấp Trần Hữu Sơn (38 tuổi, trú tại phường Hố Nai, TP Biên Hòa, Đồng Nai) để điều tra về hành vi giết người, cướp tài sản.
Theo cơ quan công an, chị CTN (37 tuổi, quê Bến Tre) là chủ tiệm hớt tóc nam trên đường Bùi Văn Hòa (phường Long Bình, TP Biên Hòa).
Chiều ngày 5-8, người quen của chị N là anh Phước gọi điện cho chị này nhưng không được nên đã tìm đến tiệm hớt tóc. Khi tới tiệm hớt tóc, anh Phước gọi cửa không thấy ai trả lời, thấy cửa không khóa bèn đi vào trong phòng thì phát hiện chị N tử vong nằm dưới nền nhà với nhiều vết đâm trên người nên vội báo công an.
Hiện trường vụ án mạng. Ảnh: VH
Nhận được tin báo Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Biên Hòa phối hợp các phòng nghiệp vụ công an tỉnh Đồng Nai có mặt tại hiện trường để điều tra. Bước đầu công xác định nạn nhân bị giết và hung thủ đã lấy đi một chiếc điện thoại, một bóp da bên trong có tiền.
Tuy nhiên qua trích xuất camera xung quanh hiện trường, lực lượng công an phát hiện thời gian trước và sau khi xảy ra vụ án có một đàn ông đeo khẩu trang đi bộ vào rồi ra khỏi tiệm. Thời gian trước người đàn ông này cũng thường xuyên đến tiệm của chị N.
Đến rạng sáng ngày hôm sau, công an đã xác định hung thủ gây án là Trần Hữu Sơn đang ở dãy phòng trọ khu phố 5A (phường Long Bình, TP Biên Hòa) nên tiến hành bắt giữ. Khám xét phòng trọ, công an phát hiện hung khí và tài sản nạn nhân.
Hung thủ gây án Trần Hữu Sơn khi bị bắt. Ảnh: VH
Tại cơ quan công an, Sơn khai khoảng 3 tháng trước có quen và nảy sinh quan hệ tình cảm với chị N. Trong thời gian quen nhau có cho tiền chị N.
Sáng ngày xảy ra vụ án Sơn đi bộ từ dãy trọ đến tiệm hớt tóc của N với mục đích đến để mượn tiền. Khi đến quán, Sơn hỏi mượn chị N số tiền 5 triệu đồng để tiêu xài thì nữ chủ tiệm nói: “Ông đưa được cho tôi bao nhiêu mà đòi lấy của tôi”. Sau đó hai người này xảy ra cãi nhau. Bực tức Sơn đập điện thoại của N.
Lúc này chị N nói với Sơn: “Chỉ còn có 2.2 triệu đồng có lấy thì cầm không thì tôi hết rồi”. Sơn cầm lấy tiền cho vào túi quần, đi xuống bếp lấy dao rồi vòng lên hỏi chị N: “Trong bóp có tiền sao không đưa, mày thấy tao sa cơ rồi quen người khác phải không?”. Chị N thách thức: “Có giỏi thì đâm tôi đi”.
Sơn lao vào đâm liên tiếp nạn nhân. Thấy vậy chị N bỏ chạy vào trong phòng ngủ thì Sơn đuổi theo và đâm thêm nhiều nhát nữa khiến nạn nhân gục tại chỗ.
Gây án xong, Sơn lấy cái ví và nhặt cái điện thoại vừa đập rồi đi về phòng trọ. Sau đó, Sơn lấy số tiền 2.3 triệu đồng trong ví của chị N và số tiền 2.2 triệu đồng mà nạn nhân đưa trước đó đi nạp tiền vào tài khoản đánh bạc.
Từ ngày 15-8, không nộp phạt vi phạm giao thông sẽ không được đăng ký xe
Điều 3, Thông tư 24/2023 của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới có hiệu lực từ ngày 15-8 quy định: Tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì chưa giải quyết đăng ký xe; sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì được đăng ký xe theo quy định của Thông tư 24.
Từ 15-8, không nộp phạt vi phạm giao thông sẽ không được đăng ký xe. Ảnh: Internet
Ngoài ra, cũng tại điều 3, Thông tư 24 quy định nguyên tắc đăng ký xe như sau:
Xe cơ giới có nguồn gốc hợp pháp, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thì được đăng ký, cấp một bộ biển số xe.
Chủ xe là tổ chức, cá nhân có trụ sở, nơi cư trú (nơi đăng ký thường trú, tạm trú) tại địa phương nào thì đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe thuộc địa phương đó; trừ trường hợp quy định tại khoản 14, điều 3 Thông tư 24.
Biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe (sau đây gọi là biển số định danh). Biển số định danh là biển số có ký hiệu, seri biển số, kích thước của chữ và số, màu biển số theo quy định tại Thông tư 24.
Đối với chủ xe là công dân Việt Nam thì biển số xe được quản lý theo số định danh cá nhân.
Đối với chủ xe là người nước ngoài thì biển số xe được quản lý theo số định danh của người nước ngoài do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập hoặc số thẻ thường trú, số thẻ tạm trú hoặc số chứng minh thư khác do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Đối với chủ xe là tổ chức thì biển số xe được quản lý theo mã định danh điện tử của tổ chức do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập; trường hợp chưa có mã định danh điện tử của tổ chức thì quản lý theo mã số thuế hoặc quyết định thành lập.
Trường hợp xe hết niên hạn sử dụng, hư hỏng hoặc chuyển quyền sở hữu xe thì biển số định danh của chủ xe được cơ quan đăng ký xe thu hồi và cấp lại khi chủ xe đăng ký cho xe khác thuộc quyền sở hữu của mình.
Số biển số định danh được giữ lại cho chủ xe trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày thu hồi; quá thời hạn nêu trên, nếu chủ xe chưa đăng ký thì số biển số định danh đó được chuyển vào kho biển số để đăng ký, cấp cho tổ chức, cá nhân theo quy định.
Trường hợp chủ xe chuyển trụ sở, nơi cư trú từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì được giữ lại biển số định danh đó (không phải đổi biển số xe).
Cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên thì được đăng ký xe. Trường hợp cá nhân từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi đăng ký xe thì phải được cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ đồng ý và ghi nội dung "đồng ý", ký, ghi rõ họ tên, mối quan hệ với người được giám hộ trong giấy khai đăng ký xe.
Việc kê khai đăng ký xe được thực hiện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công Bộ Công an (sau đây gọi chung là cổng dịch vụ công). Chủ xe sử dụng mã hồ sơ đã kê khai trên cổng dịch vụ công để làm thủ tục đăng ký xe.
Trường hợp không thực hiện được trên cổng dịch vụ công do không có dữ liệu điện tử hoặc lỗi kỹ thuật thì chủ xe kê khai làm thủ tục trực tiếp tại cơ quan đăng ký xe.
Việc nộp lệ phí đăng ký xe thực hiện qua ngân hàng hoặc trung gian thanh toán được kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công; trường hợp không thực hiện được trên cổng dịch vụ công thì nộp tại cơ quan đăng ký xe.
Việc nhận kết quả đăng ký xe được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích (trường hợp thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình) hoặc nhận tại cơ quan đăng ký xe theo nhu cầu của chủ xe.
Dữ liệu điện tử các giấy tờ, chứng từ trong thành phần hồ sơ xe do hệ thống đăng ký, quản lý xe tiếp nhận từ cổng dịch vụ công hoặc cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành hoặc dữ liệu điện tử được quét (scan) từ các chứng từ trong thành phần hồ sơ, bản chà số máy, số khung, kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ văn bản giấy, có chữ ký số của cán bộ đăng ký xe, cơ quan đăng ký xe (sau đây gọi chung là số hóa hồ sơ) có giá trị pháp lý như văn bản giấy.
Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá biển số xe ô tô được lựa chọn đăng ký, cấp biển số xe trúng đấu giá tại phòng cảnh sát giao thông (CSGT), phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Phòng CSGT đường bộ công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi chủ xe có trụ sở, cư trú hoặc tại phòng CSGT quản lý biển số xe trúng đấu giá đó.
Hàng nghìn giáo viên đề nghị bỏ thi thăng hạng: ‘Mong Sở GD&ĐT Hà Nội có hướng dẫn cụ thể’
Chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, thầy giáo Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) - thầy là một trong những giáo viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện đang làm hồ sơ dự thăng hạng đợt này và cũng là người đại diện cho 2.541 giáo viên các trường đang làm hồ sơ dự thăng hạng trên địa bàn TP. Hà Nội chia sẻ: "Sau khi có phản hồi từ Bộ GD&ĐT, chúng tôi rất vui mừng.
Tâm tư chúng tôi phản ánh những ngày qua chỉ mong muốn Bộ Nội vụ nhất trí phương án bỏ thi để bỏ thủ tục rườm rà, mất thời gian, công sức, tiền bạc, mang nặng tính hình thức và để giảm thiểu thủ tục hành chính giúp giáo viên có điều kiện tập trung vào nâng cao chuyên môn và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui thì chúng tôi vẫn còn băn khoăn với việc khi nào thì có thông báo cụ thể về việc làm hồ sơ xét thăng hạng".
Theo thầy Đường, trước thềm năm học mới có rất nhiều việc phải làm, nếu giáo viên loay hoay ôn thi thăng hạng thì học sinh mới là người thiệt thòi nhất. "Mong muốn của giáo viên Thủ đô trong thời điểm này là mong Sở GĐ&ĐT sớm có những thông báo, hướng dẫn cụ thể về việc làm hồ sơ xét thăng hạng để giáo viên yên tâm công tác khi năm học mới đang cận kề".
Thầy Nguyễn Văn Đường.
Còn cô Thanh Phượng - giáo viên Trường Dân tộc nội trú, Ba Vì (Hà Nội) cho biết, sau khi đọc phản hồi từ Bộ GD&ĐT thì vẫn còn lo lắng vì thấy nội dung chưa được rõ ràng.
Cụ thể, "Bộ GD&ĐT cho biết đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ. Bộ GD&ĐT nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này". Tuy nhiên, phần sau Bộ GD&ĐT lại "đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng chức danh nghề nghiệp trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật".
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, về việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên đã có bằng cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cộng với quá trình công tác có nhiều kinh nghiệm rồi thì thi tiếp để làm gì? "Hãy đánh giá chất lượng trong quá trình công tác của giáo viên và được cơ sở ghi nhận. Thi thăng hạng không quản lý được chất lượng lại gây tốn kém. Việc này phụ thuộc vào Bộ Nội vụ nhưng Bộ GD&ĐT cần phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho giáo viên".
Trước đó, như báo Sức khỏe&Đời sống đưa tin, đầu tháng 8/2023, gần 2.500 giáo viên các cấp tại Hà Nội cùng xác nhận tâm thư với mong muốn lãnh đạo TP. Hà Nội bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp và bỏ quy định 9 năm có bằng đại học.
Trong thư, các thầy cô giáo mong muốn TP.Hà Nội áp dụng xét duyệt thăng hạng cho các giáo viên đủ tiêu chuẩn thay vì tổ chức thi tuyển.
Liên quan tới việc giáo viên đề nghị bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, theo Bộ GD&ĐT, các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thực hiện theo quy định chung của Quốc hội tại Luật Viên chức 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đồng thời, quy định cũng thực hiện theo hướng dẫn chi tiết của Chính phủ tại nghị định số 115 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Theo đó, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp được thực hiện thông qua hình thức thi và xét. Việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp bằng hình thức thi hay xét tại địa phương là theo lựa chọn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Bộ GD&ĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cho biết đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ. Bộ GD&ĐT nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này. Hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Bộ GD&ĐT đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng chức danh nghề nghiệp trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.