Theo vị lãnh đạo địa phương, Chày là người cộc cằn, thường xuyên đánh vợ.
9 diễn biến
Vụ chém gục vợ chồng hàng xóm rồi tự sát: Tiết lộ bất ngờ về nghi phạm
Liên quan đến vụ người đàn ông chém gục vợ chồng hàng xóm rồi tự sát, chiều 29/1, trao đổi với PV, ông Lý Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, cơ quan công an đang làm rõ nguyên nhân vụ án mạng nghiêm trọng khiến 3 người thương vong trên địa bàn.
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc
Theo ông Minh, nghi phạm Đặng Tiến Chày (SN 1985, ở thôn làng Mới, xã Đại Sơn) hành nghề tự do, không có công việc ổn định. Đối tượng đã lập gia đình, có 2 con nhỏ nhưng vẫn có mối quan hệ ngoài luồng, thậm chí còn qua lại với chị L.T.H - người yêu cũ của Chày. Trong cuộc sống gia đình, Chày là người cộc cằn, thường xuyên đánh, bạo hành vợ khiến vợ bỏ đi.
“Chày chưa có tiền án, tiền sự, đối tượng đang đi bệnh viện chữa bệnh. Sáng nay (29/1), sau khi trốn viện về nhà, Chày ăn cơm, uống rượu xong thì ra khỏi nhà để tìm gặp chị H”, ông Minh cho hay.
Khoảng 9h sáng cùng ngày, Chày đi tìm người yêu cũ là chị L.T.H. Tuy nhiên, chị H. không muốn gặp Chày nên đã chạy vào nhà ông B.T.H (SN 1965, ở thôn làng Mới).
Chày sau đó vào nhà ông B.T.H tìm người yêu cũ nên không thấy đã nổi cơn giận, dùng dao chém gục ông B.T.H và vợ là bà Đ.T.C (SN 1968) khiến cả 2 bị trọng thương. Gây án xong, Chày đã dùng dao tự sát.
Hậu quả, ông H. và bà C. bị trọng thương đã được đưa đi cấp cứu, Chày tử vong.
Nguồn: http://danviet.vn/vu-chem-guc-vo-chong-hang-xom-roi-tu-sat-tiet-lo-bat-ngo-ve-nghi-pham... Nguồn: http://danviet.vn/vu-chem-guc-vo-chong-hang-xom-roi-tu-sat-tiet-lo-bat-ngo-ve-nghi-pham-502022291163999.htm
Ngày đầu nghỉ Tết, cả nước xảy ra 26 vụ tai nạn, làm 13 người tử vong
Ngày 29/1 (27 tháng Chạp), thông tin từ Cục CSGT cho biết, trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trên các tuyến đường bộ toàn quốc đã xảy ra 26 vụ TNGT làm chết 13 người, bị thương 15 người.
Lực lượng CSGT các địa phương đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 6.704 trường hợp vi phạm giao thông; phạt tiền gần 8 tỷ đồng; tạm giữ 32 xe ô tô, 752 xe mô tô; tước 501 GPLX các loại.
Trong đó, vi phạm nồng độ cồn xử lý 269 trường hợp, số phương tiện vi phạm được phát hiện qua hệ thống camera giám sát 1.027 trường hợp.
Riêng đối với các Đội TTKS giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện và lập biên bản 19 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 50 triệu đồng, tước GPLX 8 trường hợp.
Trên các tuyến đường thủy và đường sắt trên cả nước không ghi nhận bất cứ vụ tai nạn nào.
Tuy nhiên, qua công tác tuần tra kiểm soát trên đường thủy, lực lượng CSGT các địa phương đã phát hiện xử lý 83 trường hợp vi phạm; phạt tiền hơn 50 triệu đồng.
Nguồn: https://www.atgt.vn/ngay-dau-nghi-tet-ca-nuoc-xay-ra-26-vu-tai-nan-lam-13-nguoi-tu-vong... Nguồn: https://www.atgt.vn/ngay-dau-nghi-tet-ca-nuoc-xay-ra-26-vu-tai-nan-lam-13-nguoi-tu-vong-d541037.html
Kiên Giang: 2 căn nhà và 11 tàu đánh bắt hải sản bị cháy
Ngày 29-1, một lãnh đạo UBND huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) cho biết lực lượng chức năng đang tiến hành điều tra nguyên nhân và thống kê thiệt hại một vụ hỏa hoạn vừa xảy ra trên địa bàn huyện.
Có ít nhất 11 tàu cá bị thiệt hại và năm căn nhà bị cháy sém trong vụ hỏa hoạn. Ảnh: ĐẶNG HUỲNH
Thông tin ban đầu, tối 28-1, tại thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương đã xảy ra vụ cháy nhà và nhiều tàu thu mua, đánh bắt thủy hải sản của người dân.
Vụ hỏa hoạn được xác minh bước đầu là bùng phát tại hai căn nhà tạm, sau đó cháy lan sang các tàu đánh bắt hải sản neo đậu phía sau nhà rồi cháy lan sang nhiều tàu khác neo đậu gần đó.
Nhận được tin báo, lực lượng PCCC Công an huyện Kiên Lương nhanh chóng có mặt ở hiện trường, phối hợp cùng lực lượng chữa cháy khu vực Tứ Giác Long Xuyên và phương tiện chữa cháy của các công ty sản xuất xi măng trên địa bàn để dập lửa.
Lãnh đạo huyện Kiên Lương cũng yêu cầu tăng cường thêm bốn xe chữa cháy từ TP Hà Tiên tham gia do các tàu đánh bắt hải sản cháy trôi theo nhiều hướng khác nhau. Sau khoảng 90 phút dập lửa, đám cháy được khống chế.
Thế nhưng vài phút sau đó, hai tàu trong số đó bùng phát trở lại, lực lượng chức năng tiếp tục dập lửa đến khuya thì khống chế hoàn toàn đám cháy.
Thống kê sơ bộ, có ít nhất 11 tàu cá bị thiệt hại, hai căn nhà tạm và ba căn khác liền kề bị cháy sém.
Nguồn: https://plo.vn/an-ninh-trat-tu/kien-giang-2-can-nha-va-11-tau-danh-bat-hai-san-bi-chay-... Nguồn: https://plo.vn/an-ninh-trat-tu/kien-giang-2-can-nha-va-11-tau-danh-bat-hai-san-bi-chay-1041534.html
Thủ tướng: Đồng bộ dữ liệu tiêm chủng, an sinh xã hội, dân cư từ tháng 1-2022
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 29-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương triển khai một số nhiệm vụ Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thành lập Tổ Công tác, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án gửi về Văn phòng Chính phủ và Bộ Công an để tổng hợp, theo dõi. Trong đó, tập trung triển khai ngay những nhiệm vụ phải hoàn thành trong tháng 2, tháng 3 năm 2022, không để thời gian nghỉ Tết Nguyên đán làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về việc bố trí nguồn lực thực hiện Đề án theo quy định, hoàn thành trước ngày 15 tháng 2 năm 2022.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện bảo đảm dữ liệu hộ tịch được đăng ký đúng quy định của pháp luật về hộ tịch. Thiết lập cơ chế phối hợp tại cấp xã, cấp huyện để rà soát, đối chiếu, cập nhật, đồng bộ giữa dữ liệu hộ tịch đã được đăng ký và lưu giữ theo thẩm quyền với dữ liệu về dân cư; các dữ liệu tiêm chủng, an sinh xã hội với dữ liệu dân cư bắt đầu ngay từ trong tháng 1 năm 2022.
Thành phần tham gia gồm: công an, tư pháp, y tế, lao động - thương binh và xã hội, đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan (nếu cần thiết); bảo đảm dữ liệu về hộ tịch và dân cư luôn "đúng, đủ, sạch, sống".
Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn UBND cấp xã, UBND cấp huyện cách thức tiến hành rà soát và thống nhất xử lý dữ liệu sai lệch (nếu có) theo đúng quy định pháp luật hiện hành (trong tháng 2-2022).
Thủ tướng giao Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/thu-tuong-dong-bo-du-lieu-tiem-chung-an-sinh-xa-hoi-dan-cu-tu-th... Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/thu-tuong-dong-bo-du-lieu-tiem-chung-an-sinh-xa-hoi-dan-cu-tu-thang-12022-1041522.html
Đề xuất mở lại toàn bộ rạp chiếu phim trên cả nước
Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch (VHTTDL) vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc xem xét mở cửa rạp chiếu phim từ cuối tháng 1.
Công văn nêu: Nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa, nghệ thuật của người dân và hỗ trợ các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim tháo gỡ khó khăn tài chính sau gần hai năm bị ngưng trệ vì COVID-1, Bộ VHTTDL ủng hộ việc mở cửa trở lại các rạp chiếu phim tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thời gian đề xuất mở cửa trở lại từ ngày 31-1, tức ngày 29 tháng chạp âm lịch.
Theo đó, đơn vị này yêu cầu đối với rạp chiếu phim là địa bàn kín, cần có phương án đảm bảo chống lây nhiễm tại rạp và phối hợp với y tế địa phương cách ly, xử lý ổ dịch nếu có trường hợp xảy ra.
Khán giả đến xem phim phải được tiêm phòng đầy đủ từ hai mũi vắc xin và đảm bảo thực hiện 5K. Ngoài ra, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trước đó ngày 21-1, Văn phòng chính phủ ban hành công điện truyền ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xem xét đề nghị từ một số doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh rạp chiếu phim tại Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế cùng các cơ quan ban ngành nghiên cứu, chỉ đạo xử lý việc mở cửa trở lại các rạp chiếu phim trên toàn quốc, bảo đảm thống nhất, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Nguồn: https://plo.vn/van-hoa/de-xuat-mo-lai-toan-bo-rap-chieu-phim-tren-ca-nuoc-1041539.html Nguồn: https://plo.vn/van-hoa/de-xuat-mo-lai-toan-bo-rap-chieu-phim-tren-ca-nuoc-1041539.html
Hà Nội sắp có tuyến đường dài 6km, rộng 30m chạy qua huyện Đông Anh
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 393/QĐ-UBND về việc phê duyệt chỉ giới tuyến đường từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Đản Dị, tỷ lệ 1/500 (thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường Dục Nội, xã Việt Hùng đến đường Võ Nguyên Giáp) tại huyện Đông Anh.
Chiều dài tuyến đường khoảng 6km, có điểm đầu giao với đường Võ Nguyên Giáp, điểm cuối giao với đường Đản Dị.
Tuyến đường sắp mở có chiều dài tuyến đường khoảng 6km, có điểm đầu giao với đường Võ Nguyên Giáp, điểm cuối giao với đường Đản Dị. Trong ảnh: Đường Võ Nguyên Giáp, Hà Nội. Ảnh: Dân Việt.
Hướng tuyến xác định trên cơ sở phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô và Quy hoạch phân khu đô thị N7 được duyệt.
Tuyến đường có bề rộng mặt cắt ngang 30m bao gồm lòng đường 2x7m, dải phân cách 1m, vỉa hè 2x7,5m.
UBND TP.Hà Nội giao UBND huyện Đông Anh chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các cơ quan liên quan tổ chức công bố công khai hồ sơ chỉ giới đường đỏ được duyệt để các tổ chức, cá nhân có liên quan biết, thực hiện.
Tổ chức triển khai cắm mốc giới tuyến đường đồng thời với việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (trong quá trình thực dự án đầu tư tuyến đường), tránh lãng phí, chồng chéo trong công tác cắm mốc.
Nguồn: https://danviet.vn/ha-noi-sap-co-tuyen-duong-dai-6km-rong-30m-chay-qua-huyen-dong-anh-2... Nguồn: https://danviet.vn/ha-noi-sap-co-tuyen-duong-dai-6km-rong-30m-chay-qua-huyen-dong-anh-20220129071855455.htm
Hơn 17 triệu học sinh quay trở lại trường học từ 7-2
Bộ GD-ĐT ngày 29-1 cho biết theo cập nhật mới nhất, cả nước có 14 tỉnh, thành phố cho học sinh trực tiếp đến trường, 30 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp, trực tuyến, qua truyền hình, 19 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Học sinh mầm non tại TP HCM sẽ đến trường với tinh thần tự nguyện của phụ huynh từ tháng 2-2022. Ảnh: TẤN THẠNH
Tổng số học sinh đến trường: 15.678.652/22.615.940 em, tỉ lệ 69,3%. Trong đó khối mầm non có 46/63 tỉnh/TP: 3.278.338/5.068.903, tỉ lệ 64,67%. Khối tiểu học có 51/63 tỉnh/TP: 5.971.237/8.884.964, tỉ lệ 67,20%. Khối THCS có 53/63 tỉnh/TP: 3.983.166/5.704.300, tỉ lệ 69,82%. Khối THPT có 56/63 tỉnh/TP: 2.445.911/2.751.650, tỉ lệ 88,88%.
Dự kiến đến ngày 7-2, tổng số học sinh được đến trường: 17.124.278/22.615.940 em, tỉ lệ 75,71%. Trong đó khối mầm non có 51/63 tỉnh/thành phố: 3.715.450/5.068.903, tỉ lệ 73,29%. Khối tiểu học có 53/63 tỉnh/thành phố: 6.205.404/8.884.964, tỉ lệ 69,84%. Khối THCS có 57/63 tỉnh/thành phố: 4.451.774/5.704.300, tỉ lệ 78 %. Khối THPT có 63/63 tỉnh/ thành phố: 2.751.650/2.751.650, tỉ lệ 100%.
Riêng khối đại học, cao đẳng, khoảng 91.0% số trường có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp.
Ngày 27-2, Bộ GD-ĐT đã ban hành Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Tài liệu này cung cấp các nội dung cơ bản nhất, ngắn gọn, cập nhật liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 trong trường học trên cơ sở các hướng dẫn chung của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT và Tổ chức Y tế thế giới.
Bộ GD-ĐT cũng đã có công văn gửi các Sở GD-ĐT về việc báo cáo công tác tổ chức dạy học trực tiếp và đảm bảo an toàn cho người học tại các cơ sở giáo dục. Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục nắm bắt thông tin từ phía phụ huynh học sinh về việc cho trẻ em, học sinh (đặc biệt là trẻ mầm non, học sinh tiểu học) trở lại trường học trực tiếp.
Phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh để cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh; diễn biến tâm lý của trẻ em, học sinh nhằm kịp thời tư vấn, hỗ trợ học sinh, giúp các em có nhận thức, thái độ, hành vi, kỹ năng phòng chống dịch bệnh để sớm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, đảm bảo ổn định việc học tập và rèn luyện cho các em.
Tăng cường chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh, an toàn và phòng, chống bạo lực học đường thuộc phạm vi quản lý; nắm bắt thông tin, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm hoặc để xảy ra các vụ việc gây mất an toàn trường học.
Nguồn: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/hon-17-trieu-hoc-sinh-quay-tro-lai-truong-hoc-tu-7... Nguồn: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/hon-17-trieu-hoc-sinh-quay-tro-lai-truong-hoc-tu-7-2-20220129091916606.htm
Tạm dừng tổ chức lễ hội và bắn pháo hoa trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng vừa có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trong hoạt động VH-TT-DL.
Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 8-12-2021 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Nhâm Dần 2022; Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Đối với hoạt động lễ hội truyền thống: Không tổ chức các hoạt động hội, chỉ tổ chức phần nghi lễ. UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động lễ hội trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.
Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí (chiếu phim, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, karaoke, vũ trường, tổ chức ngày lễ kỷ niệm…) được thực hiện theo Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL ngày 18-10-2021; Công văn số 130/BVHTTDL-TCTDTT ngày 13-1-2022 của Bộ VH-TT-DL và Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27-1-2022 của Bộ Y tế, phù hợp với tình hình diễn biến dịch, bệnh trên địa bàn theo phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" và đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tại địa phương hướng dẫn các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm; yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật của người dân; thường xuyên cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch khi tham gia các hoạt động VH-TT-DL; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, tạo sự đồng thuận trong xã hội để người dân vui Xuân, đón Tết.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động VH-TT-DL, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán đảm bảo phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tình hình dịch bệnh Covid-19 của từng địa phương.
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/tam-dung-to-chuc-le-hoi-va-ban-phao-hoa-trong-tet-nguyen-da... Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/tam-dung-to-chuc-le-hoi-va-ban-phao-hoa-trong-tet-nguyen-dan-nham-dan-2022-20220129093255714.htm
Từ 1-2, chính thức giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 15/2022 quy định về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% sẽ được áp dụng từ ngày 1-2-2022 đến hết ngày 31-12-2022. Quy định này được áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022.
Giảm thuế giá trị gia tăng
Nội dung nghị định nêu rõ giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
- Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
- Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
- Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
Cán bộ Cục thuế TP.HCM đang hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho người dân đến liên hệ. Ảnh: HOÀNG GIANG
- Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định trên được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.
Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế GTGT. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế GTGT.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo quy định của Luật Thuế GTGT thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế GTGT và không được giảm thuế GTGT.
Mức giảm thuế giá trị gia tăng
Về mức giảm GTGT, nghị định quy định như sau:
- Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định ở trên.
- Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỉ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỉ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm GTGT quy định trên.
Nghị định này cũng nêu rõ cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT. Trường hợp không lập thì không được giảm thuế GTGT.
Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỉ lệ % để tính thuế GTGT chưa được giảm theo quy định tại Nghị định này thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót.
Đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).
Trường hợp cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT đã phát hành hóa đơn đặt in dưới hình thức vé có in sẵn mệnh giá chưa sử dụng hết (nếu có) và có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì cơ sở kinh doanh thực hiện đóng dấu theo giá đã giảm 2% thuế suất thuế GTGT hoặc giá đã giảm 20% mức tỉ lệ % bên cạnh tiêu thức giá in sẵn để tiếp tục sử dụng…
Ngoài ra, Nghị định 15 cũng cho phép tính khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022.
Nguồn: https://plo.vn/phap-luat/tu-12-chinh-thuc-giam-thue-gia-tri-gia-tang-xuong-8-1041450.ht... Nguồn: https://plo.vn/phap-luat/tu-12-chinh-thuc-giam-thue-gia-tri-gia-tang-xuong-8-1041450.html