Cúng Tất niên là sự kiện quan trọng trong dịp tết cổ truyền, tuy nhiên khi chuẩn bị cũng cần lưu ý không cần mâm cao cỗ đầy nhưng phải trang trọng, thành tâm.
Cúng ngày cuối của năm, mâm cúng trang trọng nhưng không cần xa hoa
Để kết thúc năm cũ, các gia đình thường chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên, tuy việc cúng lễ, chuẩn bị không quá cầu kỳ nhưng cũng không nên làm qua loa, đại khái. Ông Nguyễn Trọng Tuệ - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kiến trúc và Văn hóa phương Đông cho biết, cúng tất niên là sự kiện nằm trong chuỗi thủ tục, sự kiện trong dịp Tết cổ truyền.
Theo ông Tuệ, “tất niên” có nghĩa là hết là hoàn thành, kết thúc. Như vậy, cúng tất niên hay mâm cơm tất niên là bữa cơm, lễ cúng để hoàn tất, kết thúc một năm qua đi. “Nhiều người vẫn hay làm mâm cơm tất niên vào những ngày cận Tết để mời bạn bè, họ hàng… điều đó không sai, nhưng mâm cúng tất niên thì nhiều người đang hiểu chưa đúng. Theo đó, mâm cơm cúng tất niên phải được thực hiện vào ngày cuối cùng của năm”, ông Tuệ cho hay.
Mâm cơm cúng tất niên không cần cầu kỳ, xa hoa nhưng phải thể hiện sự trang trọng, tôn kính. Ảnh minh họa.
Về lý thuyết, thủ tục thì cúng tất niên phải được thực hiện vào tối ngày 30 Tết, tuy nhiên hiện nay nhiều gia đình thực hiện vào buổi trưa ngày 30 để con cháu sum vầy, thuận lợi hơn trong việc đi lại. Điều đó có thể chấp nhận được, nhưng không nên cúng mâm cơm tất niên trước ngày 30 Tết.
Đối với thủ tục cúng tất niên để cầu tài lộc, bình an không có gì quá phức tạp. Theo quan niệm, ngày 23 tháng Chạp khi ông Công, ông Táo về trời để họp, đến ngày cuối cùng của năm cũ sẽ về lại gia đình, khi ấy các gia đình cũng có thể vừa làm cúng tổ tiên, vừa mời các vị thần linh về.
Cũng trong ngày cuối cùng của năm, các gia đình sẽ ra tảo mộ, quét dọn mộ phần, thắp hương mời tổ tiên về để ngự tại tư gia trong những ngày Tết. Còn đối với mâm cơm cúng, tuỳ điều kiện gia đình sẽ chuẩn bị làm sao cho thật thành tâm để dâng lên các đấng thần linh, tổ tiên.
“Mâm cúng tất niên chỉ là những gì chúng ta ăn uống hàng ngày, nhưng được chuẩn bị đầy đặn, tươm tất hơn để kính dâng lên tổ tiên. Không cần thiết phải chuẩn bị những vật phẩm, đồ ăn quá xa hoa, đắt tiền đặc biệt những thứ hoa mỹ, phi thực tế thì không nên dâng cúng”, ông Tuệ tư vấn.
Chuyên gia Nguyễn Trọng Tuệ cho rằng, cúng tất niên nên được thực hiện vào bữa cơm cuối cùng của ngày cuối năm.
Hóa vàng ngay sau cúng tất niên liệu có được không?
Hiện nay, không ít người có quan niệm “trần sao âm vậy”, vì thế ngay sau khi cúng tất niên sẽ làm thủ tục hóa vàng, với mong muốn thần linh, tổ tiên có “tiền tiêu tết”, quần áo mới “chơi tết”.
Ông Tuệ cho rằng, việc đốt vàng mã là do du nhập nơi khác về, không phải quan niệm của phật giáo, đạo giáo. Theo đó, đốt vàng mã là nhằm mục đích cung cấp cho người ở thế giới bên kia những vật dụng, tiền bạc để họ sử dụng.
Hóa vàng ngay trong ngày cúng tất niên vẫn có thể thực hiện được. Ảnh minh họa.
“Việc làm này tùy từng hoàng cảnh mà có cách thực hiện khác nhau. Đa số để chuyển đổi từ thế giới dương gian đến thế giới âm, người ta sẽ dùng cách đốt hay còn gọi là “hóa vàng”.
Theo thông lệ, việc hóa vàng sẽ để vào ngày hết Tết vì trong một cái tết có nhiều lễ khác nhau, việc đốt rải rác sẽ mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã ngay sau khi cúng tất niên cũng không phạm điều gì, vẫn thực hiện được. Điều quan trọng nhất là làm sao để tâm mỗi người cảm thấy thanh thản, bình an nhất là được”, ông Tuệ chia sẻ.
* Tư vấn trong bài thể hiện quan điểm, nghiên cứu của chuyên gia