VĐV thể dục dụng cụ Nguyễn Minh Triết mất sáng nay 9/5 ở bệnh viện Thanh Nhàn, bảy tháng sau khi chấn thương nặng trong tập luyện.
VĐV thể dục Nguyễn Minh Triết qua đời ở tuổi 18
Minh Triết gặp nạn hôm 10/11/2023 tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Nhổn (Hà Nội). Trong lúc tập luyện, anh thực hiện động tác lộn hai vòng sau, nhưng không may tiếp đất bằng đầu xuống hố mút dẫn đến chấn thương rất nặng ở vùng cổ và tê liệt chân tay.
Sau đó, Minh Triết được mổ, điều trị liệt tủy, viêm phổi xẹp ở các bệnh viện E rồi Bạch Mai. Nhưng các bác sĩ chẩn đoán anh khó hồi phục.
VĐV thể dục dụng cụ Nguyễn Minh Triết. Ảnh: Liên đoàn Thể dục Việt Nam
Minh Triết từng được đánh giá là VĐV tiềm năng. Các HLV nhận xét anh rất chịu khó, tích cực tập luyện, luôn mơ ước được noi gương các thế hệ đàn anh để có thể đóng góp cho Thể dục dụng cụ Việt Nam.
Hàng tháng, Minh Triết đều gửi toàn bộ tiền lương ở đội tuyển về phụ giúp gia đình. Bố anh hơn 60 tuổi đã nghỉ hưu, mẹ bị ung thư, anh trai bị bệnh không có khả năng lao động và một em gái mới 5 tuổi.
Trung tâm HLTTQG Hà Nội đã lo toàn bộ chi phí phẫu thuật cho Minh Triết theo quy định. Cục Thể dục Thể thao, Liên đoàn thể dục Việt Nam cùng các VĐV, HLV cũng đứng ra kêu gọi các tấm lòng hảo tâm ủng hộ Minh Triết.
Đến tháng 4/2024, Minh Triết được chuyển sang bệnh viện Thanh Nhàn. Anh tiếp tục điều trị ở điều kiện tốt nhất với hy vọng phục hồi, nhưng đã không qua khỏi.
"Đây là mất mát quá lớn với TDDC Việt NamGiờ chúng tôi chỉ mong Triết được an nghỉ sau thời gian dài chiến đấu", ông Hầu Trung Linh - HLV của Minh Triết ở đội thể dục Quân đội và đội tuyển quốc gia - nói với VnExpress chiều nay.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục TDTT, Trung tâm HLTTQG Hà Nội, Liên đoàn Thể dục Việt Nam, Trung tâm TDTT Quân đội đều đã gửi lời chia buồn và sẽ cử đại diện cùng gia đình lo liệu hậu sự cho Minh Triết.
Lễ viếng Minh Triết diễn ra lúc 7h15 ngày 11/5 ở Nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn.
"Tú Ông" điều hành đường dây 300 gái bán dâm
Ngày 9/5, Công an quận Cầu Giấy vừa phá đường dây mại dâm liên tỉnh, khởi tố Hoàng Duy Hưng và 14 bị can về một trong các tội: Môi giới mại dâm; Chứa mại dâm.
Hưng, 34 tuổi, được xác định cầm đầu đường dây quy tụ hơn 300 gái bán dâm. Tháng 11/2022, Hưng lập nhiều trang web quảng cáo bán dâm, đăng hình các cô gái cùng số điện thoại liên hệ.
Cơ quan điều tra cáo buộc, Hưng còn tạo diễn đàn trao đổi, nhận xét về gái bán dâm nhằm tạo sự chú ý, mời chào khách. Các cô gái được Hưng tuyển chọn qua mạng xã hội Telegram, Facebook, Zalo và đều ưu tiên người có ngoại hình.
Hoàng Duy Hưng (đeo kính, áo trắng) cùng đồng phạm. Ảnh: Công an cung cấp
Để vận hành các trang web môi giới mại dâm, Hưng thuê một căn nhà 5 tầng tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc để hoạt động, chia nhiều nhóm điều hành. Trong số này có nhóm 3 nữ nhân viên chuyên nhận điện thoại của khách mua dâm qua đường dây nóng rồi giả gái bán dâm trả lời.
Điện thoại nhóm của Hoàng Duy Hưng sử dụng để điều hành đường dây mại dâm. Ảnh: Công an cung cấp
Chuyên án được mở vào tháng 9/2023 khi Công an quận Cầu Giấy bắt Lê Thị Ngọc Anh, 22 tuổi về hành vi Chứa mại dâm. Theo dấu vụ này, hai tháng sau, công an triệt phá nhóm môi giới mại dâm tại khách sạn trên phố Nguyễn Hữu Tước (quận Đống Đa) và khởi tố ba người.
Đầu năm 2024, Công an quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm bắt tiếp hai người nghi chứa mại dâm khi kiểm tra khách sạn trên phố Miếu Đầm (phường Mễ Trì) và homestay tại phố Lê Đức Thọ (phường Mỹ Đình 2).
Tiếp tục điều tra, công an lần ra nhóm của Hưng.
Tử hình người chồng đầu độc chết 4 mẹ con
Ngày 9-5, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt bị cáo Hồ Xuân Hải (SN 1971, trú xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm) mức án tử hình về tội giết người; ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận bị cáo tiếp tục bồi thường cho đại diện hợp pháp của các bị hại 1,06 tỉ đồng.
Bị cáo Hồ Xuân Hải nghe tuyên án. Ảnh: N.Vân
Theo cáo trạng, vợ chồng Hải có 3 con chung, lớn nhất sinh năm 2002, nhỏ nhất sinh ngày 15-6-2013. Vợ chồng Hải đầu tư trại nuôi heo nhưng thua lỗ, nợ nhiều, không có khả năng trả nợ. Ngày 22-8-2023, Hải truy cập vào mạng Internet, tìm hiểu việc gây ngạt khí CO, sau đó, đi mua 1 bình khí CO 40 lít, chở về cất giấu trong ngôi nhà vắng chủ sát nhà Hải, rồi đi mua dây ống nước bằng nhựa.
Khoảng 22 giờ cùng ngày, vợ con Hải vào phòng bật máy lạnh, đóng kín cửa đi ngủ. Hải ra ngoài phòng khách ngồi uống rượu và tiếp tục xem điện thoại, nghiên cứu cách gây tử vong bằng khí CO. Đến khoảng 2 giờ sáng hôm sau, Hải lăn bình khí CO đến khu vực tiếp giáp cửa sổ phòng vợ con Hải đang ngủ, rồi xả khí CO vào phòng qua dây ống nước đã mua, làm vợ con của Hải tử vong.
Sau đó, Hải đóng van, cất bình khí CO về chỗ cũ, rồi vào phòng ngủ, đóng cửa, nằm dưới chân vợ con. Đến trưa cùng ngày, mọi người mới phát hiện vợ và 3 con của Hải đã tử vong, Hải còn sống và được đưa đi cấp cứu.
Hành vi phạm tội của bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp tước đi tính mạng của nhiều người, gây tâm lý hoang mang, tạo bất ổn lớn trong dư luận xã hội, gây ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Bị cáo biết hành vi của mình là sai trái nhưng vẫn thực hiện, có ý thức xem thường pháp luật. Do đó, việc cải tạo giáo dục bị cáo không còn tác dụng, cần thiết phải loại bỏ bị cáo khỏi xã hội.
Chat sex với "nữ nhân viên spa", nam thanh niên bị tống tiền 200 triệu đồng
Tin từ Công an TP Hà Nội ngày 9-5 cho biết thời gian qua, xuất hiện thủ đoạn hẹn hò online rồi dụ dỗ nạn nhân quay clip nhạy cảm, sau đó dùng clip đó để tống tiền nạn nhân.
Trước đó, đầu tháng 5-2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an TP Hà Nội nhận được đơn tố giác tội phạm liên quan đến thủ đoạn lập tài khoản Zalo giả làm hotgirl, nhân viên massage, spa,… kết bạn, hẹn hò với nạn nhân.
Sau đó, các đối tượng chủ động nhắn tin rủ nạn nhân quay clip nhạy cảm và dùng clip đó để tống tiền nạn nhân, yêu cầu phải chuyển tiền. Nếu bị hại không đáp ứng yêu cầu, đối tượng dọa sẽ gửi clip nhạy cảm cho bạn bè, người thân và phát tán trên mạng xã hội. Do lo sợ mất uy tín, danh dự, nên nhiều người đã chuyển tiền cho các đối tượng.
Nhận "quả đắng" chat sex trên mạng
Anh X., một nạn nhân, cho biết anh có trò chuyện với một tài khoản Zalo có tên "Linh Linh" giới thiệu làm ở quán spa trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tài khoản này đăng tải nhiều hình ảnh gợi cảm nên anh X. đã đồng ý kết bạn. Sau 4 ngày nhắn tin qua lại với nhau, tài khoản "Linh Linh" đã gọi video qua Zalo và cả hai đã chat sex cùng nhau.
Sau đó, anh X. bị đe dọa tung những hình ảnh này lên mạng và gửi cho bạn bè. Đối tượng đã chủ động gọi cho anh X. để xử lý các dữ liệu trên và anh X. đã chuyển 200 triệu đồng để xóa clip.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP Hà Nội, đề nghị người dân cảnh giác với thủ đoạn trên, đặc biệt là các lời mời kết bạn trên mạng xã hội để chat sex, gọi video, gửi hình ảnh nhạy cảm. Khi gặp các trường hợp bị đe dọa như trên, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.
1 phụ nữ ở Hà Nội bị lừa hơn 1 tỉ khi đăng kí khóa học 'trại hè' trên mạng cho con
Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, đơn vị đã cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khi tham gia đăng ký các khóa học “Trại hè Kỹ năng - Học kỳ Công an nhân dân Nhí”, “Trại hè Kỹ năng - Học kỳ Công an nhân dân”, “Trại Hè Quân Đội”, “Trải Nghiệm Quân Đội Hè”… trên mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nạn nhân bị mắc bẫy.
Mới đây, chị M (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) có lên Facebook để tìm cho con khóa học hè. Chị thấy xuất hiện nhiều fanpage với các nội dung quảng cáo tham gia “Học kỳ trong Quân Đội 2024”.
Các tài khoản này giới thiệu có kết nối các đơn vị quân đội trên toàn quốc. Học viên tham gia trại hè được trải nghiệm môi trường đào tạo của lực lượng vũ trang, được hỗ trợ ăn uống, đồng phục và chứng nhận của các đơn vị quân đội.
Ở mục thông tin giới thiệu, có thông tin địa điểm là trụ sở làm việc của các đơn vị quân đội; đăng tải các hình ảnh, bài viết từ các trang chính thống của lực lượng quân đội. Đặc biệt, những người lừa đảo còn sử dụng hình ảnh hoạt động của lực lượng quân đội để đăng tải trong các bài viết quảng cáo về trại hè.
Khi thấy chị M có nhu cầu, người lừa đảo dụ nạn nhân cho số điện thoại và chuyển sang nhắn tin Zalo, Telegram.
Để tránh sự nghi ngờ của nạn nhân, người lừa đảo chuyển từ yêu cầu “thực hiện nhiệm vụ” sang yêu cầu “khảo sát”. Chị M được yêu cầu thực hiện các “khảo sát” để đạt điểm tín nhiệm cao.
Công an khuyến cáo người dân cảnh giác khi tìm hiểu các trang đăng ký trại hè. Ảnh chụp màn hình
Tham gia “khảo sát 1” với số tiền hơn 3 triệu đồng, “khảo sát 2” với số tiền hơn 10 triệu đồng, chị M đều được hoàn lại tiền và được trả phí khảo sát nhỏ. Khi tham gia “khảo sát 3” với số tiền 35 triệu đồng, chị M không nhận được tiền.
Những người lừa đảo lấy các lý do khác nhau để yêu cầu chị chuyển tiền và để lấy lại số tiền chưa được hoàn. Chỉ trong vòng năm tiếng, chị M đã thực hiện các giao dịch chuyển tiền và bị chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng.
Bộ GD-ĐT thông tin chính thức về vụ 56.200 chứng chỉ IELTS cấp sai quy định
Chiều 9/5, Bộ GD-ĐT có thông tin về việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã và đang tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng các kỳ thi và quyền lợi của người dự thi.
Thanh tra Bộ GD-ĐT đã có kết luận thanh tra đối với một số đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.
(Ảnh minh họa).
Theo kết quả thanh tra, trước thời điểm được Bộ GD-ĐT tạo cấp phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, các đơn vị này đã có hành vi liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi chưa được phép, vi phạm quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
Năm 2023, Cục Quản lý chất lượng đã ban hành Công văn về việc hướng dẫn xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài và Công văn về việc sử dụng chứng chỉ để miễn bài thi ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
“Các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GDĐT về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ”, Bộ GD-ĐT khẳng định.
Bộ GD-ĐT cho biết, thời gian tới, Cục Quản lý chất lượng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo, tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với sai phạm (nếu có), bảo đảm quyền lợi chính đáng của người học và người dự thi, đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, liên quan đến kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT về việc cấp sai quy định hơn 56.000 chứng chỉ IELTS trong năm 2022, sáng 9/5, Công ty TNHH giáo dục IDP (Việt Nam) đã đưa ra thông báo khẳng định: “Chúng tôi khẳng định các chứng chỉ được cấp trong giai đoạn này vẫn được hơn 12.000 tổ chức trên toàn thế giới công nhận".
IDP cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đáp ứng mọi yêu cầu của cơ quan quản lý các cấp. Tuy nhiên, tổ chức này chưa nêu hướng giải quyết với các thí sinh sử dụng IELTS trong xét miễn thi tốt nghiệp THPT hay xét tuyển đầu vào, đầu ra đại học ở Việt Nam.