Liên quan đến vụ việc hiệu trưởng đánh hiệu phó tại Trường tiểu học Ngư Thủy Bắc, UBND huyện Lệ Thủy đã ra quyết định kỷ luật giáng chức và điều chuyển qua trường khác đối với vị hiệu trưởng nói trên.
Vụ hiệu trưởng đánh hiệu phó ở Quảng Bình: Diễn biến mới nhất
ngày 26/8, ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) - xác nhận huyện này đã có quyết định kỷ luật vụ hiệu trưởng đánh hiệu phó xảy ra tại Trường tiểu học Ngư Thủy Bắc.
Theo đó, ông Phan Anh Tuấn - hiệu trưởng Trường tiểu học Ngư Thủy Bắc - bị giáng chức xuống hiệu phó. Cùng với việc giáng chức, ông Tuấn còn bị điều chuyển về công tác tại Trường tiểu học xã Phú Thủy (huyện Lệ Thủy).
Đối với người bị ông Tuấn đánh là ông Lê Đức Huấn, huyện này cũng đang tính phương án điều chuyển. Ông Huấn hiện đương chức hiệu phó Trường tiểu học Ngư Thủy Bắc.
Trường tiểu học Ngư Thủy Bắc, H.Lệ Thủy, Quảng Bình- nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Tuổi trẻ online
Trước khi bị kỷ luật về mặt chính quyền, cả hai người đều đã nhận kỷ luật về mặt đảng. Cụ thể, ông Tuấn bị kỷ luật mức cảnh cáo. Ông Huấn bị kỷ luật hình thức khiển trách.
Thông tin ban đầu về sự việc, ngày 6/4, tại Trường tiểu học Ngư Thủy Bắc, ông Phan Anh Tuấn xảy ra mâu thuẫn với ông Lê Đức Huấn.
Trong khi cự cãi, ông Tuấn đã đánh vào vùng mặt ông Huấn khiến ông này bị thương tích phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy.Sau khi tiếp nhận xử lý vụ việc, Công an huyện Lệ Thủy đã ra quyết định xử phạt hành chính đối ông Tuấn số tiền 6,5 triệu đồng vì có hành vi đánh ông Huấn, làm ông Huấn bị thương tích.
Đồng thời, ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Huấn số tiền 400.000 đồng vì có hành vi cãi vã, to tiếng gây mất trật tự và đập vào nắp ca bô ô tô của ông Tuấn, theo Người đưa tin Pháp luật.
Bé trai 14 tuổi bị lừa vì tin “10 triệu đổi 100 triệu”
Theo em H.V.B.N. (SN 2009, ngụ xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) trình báo, tối 24/8, trong quá trình sử dụng mạng xã hội, N. thấy có một đường link quảng cáo và nhấn vào thì hiện lên nội dung “Muốn kiếm tiền không, 10 triệu đồng đổi được 100 triệu đồng”.
N. nghĩ là thật nên đã đồng ý và kết bạn qua mạng xã hội Zalo với tài khoản có tên là "Long Bò". Sáng 25/8, N. được đối tượng hướng dẫn đến xã Hựu Thành để nhận tiền. Đối tượng yêu cầu N. chỉ đi một mình và không cho ai biết việc này.
N. đến xã Hựu Thành, đối tượng hướng dẫn vào Cửa hàng Điện Máy Xanh để mua thẻ game với tổng giá trị 10 triệu đồng (10 thẻ, mỗi thẻ 1 triệu đồng). N. mua xong các thẻ game, đối tượng yêu cầu gọi qua Zalo Video Call để xem các thẻ game vừa mua.
Các mã thẻ nạn nhân đã mua và bị đối tượng lừa đảo.
N. tưởng rằng sau khi đối tượng xem xong các thẻ game nói trên sẽ nhận được 100 triệu đồng nên đồng ý. Sau khi đối tượng xem xong các thẻ game, N. vẫn không nhận được tiền. Đối tượng tiếp tục yêu cầu N. đưa thêm 5 triệu đồng nữa mới được nhận tiền.
N. hết tiền nên quay về nhà xin tiền người thân thì gia đình mới phát hiện sự việc trên và đưa đến cơ quan Công an trình báo. N. đã kiểm tra các thẻ game đã mua và phát hiện các thẻ game đã hết giá trị do các đối tượng đã sử dụng mã thẻ để nạp tiền.
Qua sự việc trên, cơ quan chức năng khuyến cáo mọi người cần tỉnh táo trong việc tham gia mạng xã hội, nhất là việc cẩn trọng khi đăng nhập, truy cập vào các đường link lạ, đường link quảng cáo có thông báo trúng thưởng quà, nhận tiền để tránh xảy ra tình trạng bị lừa đảo như trên.
Nguyên nhân cá chết nhiều ở hồ Tây vào đêm và rạng sáng
Ngày 26/8, UBND quận Tây Hồ có thông tin về tình trạng cá chết tại khu vực hồ Tây. Theo đó, hiện tượng cá chết trên hồ Tây bắt đầu xuất hiện những ngày gần đây, số lượng cá chết lác đác, phân tán trên mặt hồ vào đêm và rạng sáng trôi dạt vào ven bờ hồ khu vực đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Thanh Niên...
Ngay sau khi xảy ra hiện tượng này, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với Sở Xây dựng chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng) đôn đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội theo dõi, kiểm tra và tăng cường thu vớt xác cá chết để đảm bảo môi trường, mỹ quan đô thị.
Cá chết dạt vào ven bờ hồ Tây những ngày qua bốc mùi hôi thối. Ảnh: Trường Hùng
Hiện nay, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đang tăng cường thu vớt, thu gom, vận chuyển về bãi xử lý theo quy định; số lượng thu gom bình quân 50 kg/ngày, chủng loại cá chết chủ yếu gồm: cá trôi, cá mè …
Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, sơ bộ xác định một số nguyên nhân gây hiện tượng cá chết tại Hồ Tây như: Thay đổi thời tiết; thiếu không khí, hàm lượng oxy trong nước giảm; chất lượng nước ô nhiễm, có khí độc (do bùn, tảo…) gây ra.
Trong thời gian tới, UBND quận Tây Hồ tiếp tục chỉ đạo UBND các phường xung quanh hồ và các đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi, phối hợp, đôn đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tăng cường thu vớt cá chết từ xa trước khi dạt vào bờ nhằm giảm thiểu ô nhiễm nước hồ và đảm bảo cảnh quan; tăng cường lực lượng từ UBND các phường và các đơn vị khác tham gia phối hợp thu vớt xác cá chết (nếu cá chết nhiều).
Đơn vị phụ trách xử lý rác thải quanh hồ Tây cho biết, đơn vị đã bố trí lực lượng kiểm tra liên tục quanh hồ, công nhân thực hiện vệ sinh hai ca trong ngày đến khi sạch cá chết. Ảnh: Trường Hùng
Giải thích hiện tượng khi thay đổi thời tiết làm cá chết hồ Tây, trao đổi với báo chí, GS.TS Trần Đức Hạ - Giảng viên cao cấp bộ môn Cấp thoát nước – trường Đại học Xây dựng Hà Nội thông tin: Khi thay đổi thời tiết, cường độ phân hủy các chất lắng đọng trong hồ càng lớn tạo nên lượng lớn các khí H2S, NH3, CH4 trong nước. Ngoài ra, còn có phốt pho trong bùn cặn rất nhiều, khi phân hủy thành phốt pho hoạt tính, các loại tảo và các vi sinh vật rất dễ hấp thụ. Hồ Tây lại có nắng lớn và mặt nước rộng dẫn đến quá trình phú dưỡng do khi mưa một lượng lớn phốt pho ở bên dưới lại xâm nhập trở lại hồ Tây. Cả khí độc, cả phú dưỡng (làm oxy hòa tan trong nước thay đổi đột ngột – khiến các sinh vật sống trong nước như cá, tôm… gây hạn chế quá trình phát triển) khiến các sinh vật sốc và chết.
Được biết, theo Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ ngày 01/01/2017 đến nay, Sở Xây dựng quản lý các hồ trên địa bàn các quận nội thành (trong đó có hồ Tây) và giao cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện quản lý, vận hành hồ. Trong thời gian qua, UBND quận Tây Hồ thường xuyên chỉ đạo UBND các phường xung quanh hồ Tây tăng cường ra quân, thường xuyên phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội trong việc xử lý các công trình xây dựng trái phép trên mái taluy hồ; thu vớt rác thải, xác cá chết trên hồ, đặc biệt trong các ngày lễ, tết, ngày 23 tháng Chạp hàng năm...
Vụ bé trai bị trói cột điện, bạo hành: Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP HCM vào cuộc
Ngày 26-8, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP HCM cho biết hội đã giao Chi hội Luật sư trực thuộc hội cử luật sư phối hợp với gia đình, cơ quan, đơn vị liên quan vào cuộc vụ bé T.P.C.T (8 tuổi) bị bạo hành. Đồng thời, hội cũng có kế hoạch hỗ trợ pháp lý bảo đảm an toàn cho trẻ.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, cho rằng mặc dù bạo hành trẻ em bị xã hội lên án mạnh mẽ, có vụ bạo hành trẻ em đã bị tuyên án tử hình nhưng vấn nạn này vẫn cứ xảy ra.
"Chúng ta phải kịch liệt phản đối hành vi đánh đập, chửi bới trẻ em dưới mọi hình thức. Khi chứng kiến, biết việc trẻ bị đánh đập, hành hạ thì người dân cần gọi tổng đài bảo vệ trẻ em 111 hoặc công an gần nhất để phản ánh" - bà Nữ nói.
Công văn của Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP HCM.
Trước đó, ngày 25-8, Công an quận 12, TP HCM đã bắt khẩn cấp Lê Thị Diễm Trang (SN 1988, ngụ quận 12) để điều tra về hành vi hành hạ người khác. Đối tượng Trang chính là người đã dùng chổi đánh cháu T.P.C.T. trong tình trạng cháu bị trần truồng.
Khoảng 16 giờ ngày 23-8, người dân ở khu phố 3, phường An Phú Đông, quận 12 thấy Trang trói cháu T.P.C.T vào cột điện trong tình trạng trần truồng. Trước mặt nhiều người, người phụ nữ này dùng chổi đót liên tục đánh cháu T., mặc cho cháu khóc và kêu la thảm thiết.
Được biết, mẹ cháu T. qua đời nên cháu sống cùng với cha ruột là Phạm Tiến Cường. Do phải đi làm nên ông Cường nhờ Trang trông giúp cháu T. Tuy nhiên trong quá trình trông coi, Trang thường đánh cháu T. khiến người dân bức xúc.
Lê Thị Diễm Trang.
Tại cơ quan công an, Trang thừa nhận từ tháng 6 đến 23-8 đã đánh cháu T. khoảng 10 lần. Trong những lần này, Trang bắt cháu nằm sấp trên sàn nhà rồi sử dụng đũa tre, dây thắt lưng và cán chổi đánh vào mông cháu mỗi lần từ 5-6 cái. Theo Trang, nguyên nhân đánh vì T không vâng lời.
Chiều 23-8, cháu T. không chịu làm bài tập nên Trang cởi hết quần áo cháu, kéo ra trước nhà, dùng dây cáp buộc cháu vào trụ điện. Trang đã hét lớn, chửi cháu rồi dùng chổi đót đánh vào người cháu.
Cháu T. khóc la thảm thiết rồi vùng vẫy, tháo dây thoát khỏi trụ điện bỏ chạy nhưng Trang vẫn tiếp tục đánh khoảng 28 cái khiến tay, chân, mông cháu bị bầm tím. Qua kiểm tra dấu vết trên cơ thể cháu T., cơ quan công an ghi nhận có khoảng 15 vết bầm tím.