Ở tuổi thất tuần, hai hàm răng móm mém, giọng nói run run nhưng ông lão mù vẫn dành cho người vợ lời lẽ ngọt ngào chan chứa yêu thương.
Giữa trưa nắng, chúng tôi tìm đến con hẻm nhỏ trên đường Minh Phụng (phường 2, quận 11) – nơi ngụ cư của hai vợ chồng ông lão mù bán bánh thuẫn dạo. Tới nơi, tấm hiệu “Nhà tình thương” hiện ngay lối vào và ông Trương Minh Quang (70 tuổi) đang ngồi trò chuyện với hàng xóm.
Nghe tiếng bước chân, ông Quang hỏi han chúng tôi rồi mời vào nhà uống nước. Ông giới thiệu, gia đình mới chuyển về căn nhà nghĩa tình này cách đây 2 hôm. Vừa nói, khuôn mặt dày dạn sương gió với đôi mắt chưa một lần mở rõ ánh lên niềm vui sướng, sự phấn khởi. Cuối cùng, sau gần 40 năm rong ruổi, vợ chồng ông đã có ngôi nhà trú nắng tránh mưa khi Sài Gòn chuyển mùa.
Chuyện tình “chị - em” nơi vỉa hè
Năm lên 9 tuổi, ông Quang mắc bệnh đậu mùa nhưng cuộc sống quá khó khăn không đủ điều kiện để khám chữa. Căn bệnh biến chứng khiến ông bị mù cả hai mắt. Khi trưởng thành, ông mưu sinh kiếm sống, tự nuôi bản thân bằng nghề bán vé số dạo tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang).
Dù bản thân không lành lặn nhưng sâu thẳm trong trái tim, chàng trai mù lòa vẫn khát khao có một tình yêu đẹp và mơ về tổ ấm nhỏ với những đứa con. Tuy nhiên, ông luôn mặc cảm về bản thân, không dám ngỏ lời thương mến với ai.
Năm 29 tuổi, ông tình cờ gặp được người phụ nữ định mệnh của cuộc đời. Nhớ lại ngày thuở xưa, ông Quang vui vẻ: “Năm 1979, trong lần đi bán vé số dạo, tôi tình cờ quen một người con gái miền Tây bán bánh thuẫn. Qua giọng nói, tôi cảm nhận được nét dịu dàng, thục nữ trong cô ấy. Tôi đã bị hút hồn nhưng không dám “tấn công” vì sợ chê bai, xa lánh”.
Nói xong, ông Quang đưa tay nắm lấy tay vợ - bà Nguyễn Thị Cưu (71 tuổi) và nói: “Bà kể cho các cháu nghe tiếp đi?”.
Thấy chồng nhắc khéo, bà Cưu bẽn lẽn cười nhẹ: “Tôi bán bánh thuẫn ở vỉa hè, ngồi cạnh nhà tôi. Mấy ngày đầu, tôi để ý và phát hiện ông ấy bị mù lòa. Tôi rất thương vì người không thấy ánh sáng lại phải mưu sinh cực khổ đến vậy. Do đó, tôi có hỏi chuyện, cho vài chiếc bánh ăn đỡ bữa".
Bà Nguyễn Thị Cưu vui vẻ khi nhắc lại chuyện tình thuở xưa
Một ngày, ông ấy tâm sự bị đau nhức răng không biết nên uống thuốc gì. Tôi đã bày mua thuốc uống. Từ ngày đó, ông ấy hay nói chuyện, chị em ngọt xớt với tôi. Dần dần, tôi đem lòng cảm mến người đàn ông mù”.
Có lẽ, giữa người đàn ông mù lòa và cô gái miền Tây xinh đẹp có một sự đồng cảm nên ông Tơ bà Nguyệt đã se duyên, tác hợp cho họ thành vợ chồng kể từ năm ấy. “Chính tôi là người bày tỏ tình cảm với ông ấy. Đến giờ, tôi chưa một lần hối hận khi cưới một người chồng mù”, bà Cưu xúc động.
“Gần 40 năm làm vợ, ông ấy chưa một lần to tiếng với tôi…”
Cuộc sống khó khăn nhưng tổ ấm nhỏ của vợ chồng ông Quang luôn đầy ắp tiếng nói cười của hai đứa con trai. Năm 1994, ông quyết định đưa vợ con lên Sài Gòn mưu sinh bằng đủ thứ nghề.
Thời gian đầu, họ gặp không ít khó khăn. “Đợt lên thành phố, tôi bệnh, người thân không ai đến thăm vì sợ lây nhiễm. Khi đó, tôi thực sự sốc vì máu mủ ruột già mà họ lại cư xử như vậy. May mắn, người vợ vẫn luôn động viên, an ủi và chăm sóc tôi”, ông Quang xúc động.
Khó khăn chưa qua, vợ chồng ông Quang lại phải đối diện với nỗi đau mất con. Ông kể, người con trai lớn gặp bệnh nặng không thể qua khỏi, đã bỏ mặc vợ chồng ông ở lại. Nỗi đau mất con đã khiến bà Cưu gục ngã, không thể gượng dậy. Thương vợ, ông đành nén đau đớn vào trong, cố gắng động viên, cùng vợ vượt qua chuỗi ngày khó khăn.
Con trai đầu mất, bà Cưu bỗng lên cơn bạo bệnh. Khi đi viện thăm khám, bác sĩ kết luận bà mắc bệnh tim, tiểu đường,… Chính vì vậy, bà không thể làm được việc nặng, mọi công việc đều dồn lên đôi vai người chồng mù lòa.
Bà kể: “Vợ chồng tôi làm đủ thứ nghề nhưng không thành công. Ông ấy đã nghĩ ra cách tôi ở nhà làm bánh thuẫn rồi ông ấy đi bán rong. Tôi đã gạt đi vì ông ấy đâu nhìn thấy đường xá. Rồi ông bảo tôi là động lực để ông ấy sống tiếp nên tôi đành nghe lời”.
Dù mù lòa, ông Quang vẫn luôn cố gắng mưu sinh, kiếm tiền chữa bệnh cho vợ
Hàng ngày, bà Cưu ở nhà xay bột, hấp bánh để ông Quang đem bán rong. Khoảng 14 giờ, ông sẽ mò đường từ nhà ra trạm bắt xe buýt đến ngã tư đường Nguyễn Tri Phương – Thành Thái (Quận 5) ngồi bán đến xế chiều.
Ông Quang kể, mỗi ngày ông bán được 20 chiếc, lãi khoảng gần trăm nghìn đồng. Số tiền đó, ông dành để chi trả sinh hoạt và lo tiền thuốc thang cho vợ. “Nhiều người thắc mắc vì sao tôi không nhìn được nhưng có thể đi bán bánh. Có lẽ, tôi mù nhưng trời phú cho đôi tai thính và trực giác tốt. Vì vậy, tôi có thể lần mò được hướng đi”, ông Quang nói.
Nhắc đến chuyện vợ chồng sẽ không tránh được “cơm chẳng lành, canh không ngọt”, bà Cưu cười: “Gần 40 năm làm vợ, ông ấy chưa một lần to tiếng với tôi. So với người khác, tôi thiệt thòi hơn họ. Lấy ông ấy, tôi chưa một lần được ăn ngon, mặc đẹp, thậm chí có bữa đói. Dù vậy, tôi cảm nhận được tình cảm ông dành cho tôi”.
Câu chuyện của ông lão mù và người vợ đa bệnh cho chúng tôi nhận ra một điều: Trong hôn nhân, có những điều còn quan trọng hơn vật chất. Đó chính là tình yêu thương vợ chồng dành cho nhau. Chỉ cần có tình yêu, sự quan tâm, mọi khó khăn, vất vả trong cuộc sống gia đình sẽ biến mất và hạnh phúc sẽ mãi trường tồn.