Công việc của người pha trà trong các quán trà truyền thống có điểm giống nhưng cũng có điểm khác biệt với những người phục vụ trong các ngành đồ uống và thực phẩm khác.
Nằm khiêm nhường, lặng lẽ giữa những ồn ào náo nhiệt của phố thị, những quán trà truyền thống vẫn âm thầm, bền bỉ hoạt động như là một nơi lưu giữ và tiếp nối văn hóa uống trà, thưởng trà từ xa xưa. Dù rằng, mỗi quán trà truyền thống mang một nét đặc trưng riêng cho phong cách của người chủ quán nhưng đều mang lại cho trà khách cảm nhận thấy sự hoài cổ, xưa cũ.
Tại những quán trà như vậy, có những người vẫn ngày ngày coi sóc, dọn dẹp, pha trà, rót nước… chăm chút cho từng góc nhỏ của quán. Trà khách khi đến quán cũng nhớ nhiều về họ. Họ như là những linh hồn của của quán vậy, và người ta gọi họ là: trà nương, trà nô, trà nhân hay người pha trà.
Công việc của những người pha trà trong các quán trà truyền thống cũng giống như những người phục vụ khác trong ngành đồ uống và thực phẩm, bởi xét về bản chất, họ cũng là người cung cấp dịch vụ: giới thiệu trà, pha trà, phục vụ trà cho các khách hàng. Họ cũng cần phải học về nguyên liệu, về phương pháp pha trà, phong cách phục vụ tốt để làm sao có thể mang đến được cho khách hàng của mình trải nghiệm tốt khi ghé thăm quán trà.
Như vậy, một ngày của người pha trà thường bắt đầu với công việc mở cửa, dọn dẹp, trang trí, sắp xếp phòng trà, bàn trà. Họ cũng là người lo đến việc kiểm tra các hũ trà đang được bảo quản tại phòng trà, lo việc kiểm đếm và đóng trà cho khách. Nếu có khách đến thăm phòng trà, họ sẽ giới thiệu về các loại trà có trong phòng trà, pha trà cho khách nếu khách có nhu cầu.
Người pha trà thường kiêm luôn cả hai nhiệm vụ vừa là người giới thiệu, vừa là người pha trà, vừa là người phục vụ và đôi khi, trong một vài trường hợp, họ còn là người điều tiết câu chuyện trên bàn trà.
Với yêu cầu của công việc như vậy, để trở thành một người pha trà giỏi, đầu tiên, người pha trà cần phải học cách phân loại và nhận biết các loại trà dựa trên hình dạng cánh trà, mùi hương của cánh trà khô và phương pháp chế biến ra cánh trà (nếu họ ham tìm hiểu và mong muốn được những người làm trà chia sẻ).
Tiếp đến họ cần phải học cách xử lý nhiệt độ nước và thời gian ủ trà trong toàn bộ quá trình pha trà, cốt làm sao pha ra được cái ngon của trà và hợp với khẩu vị của khách uống trà. Sau đó họ cũng cần phải điều chỉnh các thao tác của mình trên bàn trà, để trà khách khi đến uống trà có thể cảm nhận được cái đẹp và chất trà trong từng bước pha trà của trà nhân.
Chính bởi những yếu tố yêu cầu của nghề nghiệp như vậy nên sẽ rất tốt nếu những người pha trà có một tâm thái lễ độ khiêm nhường, lại được sự tỷ mẩn khéo léo, giỏi đoán ý người uống trà cũng như có sự yêu thích nhất định đối với các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống.
Việc uống trà song hành với việc kinh doanh trà đã bắt đầu diễn ra từ mấy ngàn năm trước cho đến bây giờ. Ngày nay, với sự bùng nổ của ngành công nghiệp thực phẩm, đồ uống và pha chế..., trà truyền thống cũng như phong cách thưởng thức trà theo lối cũ vẫn âm thầm có chỗ đứng trong lòng những người yêu trà.
Chính vì sự tồn tại bền bỉ đó, nên những người pha trà nếu thật sự yêu thích và lựa chọn con đường nghề với trà truyền thống thì họ hoàn toàn có thể có một tương lai ổn định với nhiều lựa chọn để phát triển như:
- Trở thành người bán trà chuyên nghiệp, vì trong quá trình làm người pha trà, họ được tiếp xúc nhiều với các loại trà và trà cụ. Từ đó họ có thể nhận biết được nhiều hơn các loại trà tốt, thị hiếu uống trà của khách hàng. Tiếp đó họ có thể bắt đầu con đường kinh doanh tự lập nho nhỏ với một vài phẩm trà phù hợp.
- Hoặc với sự tìm hiểu tường tận về trà và các thao tác làm trà, người pha trà cũng có thể rẽ hướng lựa chọn cho mình con đường của người làm trà, tự tay làm ra các sản phẩm với chất lượng tốt theo tiêu chuẩn của bản thân và khách hàng mong muốn.
- Hoặc họ có thể luyện tập để trở thành trà nghệ sư – những người có kiến thức am hiểu sâu về trà, về văn hóa trà thông qua các cuộc thi về trà như Tea Master Cup để có thể đào tạo, dẫn dắt những thế hệ trà nhân tiếp theo.
Uống trà, theo đuổi con đường nghề với trà cũng giống như mọi ngành nghề khác, đều cần sự chuyên tâm và lòng nhiệt thành giản đơn đối với nghề. Trước tiên chỉ có thể theo đuổi mà không nên kỳ vọng quá nhiều ngay từ ban đầu, bởi lẽ mức lương hiện tại của những người pha trà chỉ dao động trong khoảng 4 triệu đến 5 triệu với bán thời gian làm việc, khoảng 7 triệu đến 8 triệu với toàn thời gian làm việc cộng với thêm một phần nho nhỏ hoa hồng đến từ việc bán trà và trà cụ.
Tuy nhiên, nếu người pha trà nhìn ra xa hơn, coi mình như một phần của trà, đặt công việc mình đang làm trong dòng chảy lịch sử của trà, họ sẽ nhận thấy, con đường mà họ đang đi có nhiều ý nghĩa hơn, và có tiềm năng để phát triển thành một nghề chuyên nghiệp hơn so với việc đơn thuần chỉ là một người ngày ngày pha trà rót nước.