Sau khi bắt ra khỏi miệng, con sâu răng được thả ra bò lổm ngổm trên sàn có màu trắng ngà, dài và nhỏ như giun kim.
Mới đây trên mạng xã hội chia sẻ chóng mặt một clip kể về việc tình cờ mua được thuốc bắt con sâu răng nên đã thử và thấy cực hiệu quả. Nội dung đoạn chia sẻ kèm clip như sau: “Dưới đây là hình ảnh chồng mình chiều nay (14/6) bắt sâu răng tại nhà bà ngoại mình ở Rã Bản (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn), cô bắt sâu răng nhà ở Chợ Mới (Bắc Kạn). Mình chia sẻ cho những ai ở Chợ Đồn có nhu cầu thì nhắn số điện thoại để mình hẹn cô 2 hôm nữa lên chữa tại nhà mình, vì mình còn 1 lần lấy nữa.
Mỗi lần cô lấy tiền thuốc 50 nghìn đồng, trong bọc vải là lá cây thuốc và thóc, mình bị sâu 1 bên, cô lau thuốc cũng chỉ 1 bên ra. Thuốc cô không bán mà cô tự chữa mới ra. Mình giới thiệu vì có nhiều người cô bõ công xăng xe lên, không mình lại phải tự xuống nhà cô.
Ai nói mình lừa đảo hay bán hàng thì bỏ qua giúp mình, còn có nhu cầu thì nhắn mình số điện thoại, vì số điện thoại mọi người gọi nhiều quá, mình con nhỏ không nghe được hết. Thanks! Còn nữa mình sẽ xin số cô up (đăng) lên wall (tường Facebook) cho mọi người tự liên hệ nếu ở xa, hiện tại mình chưa có số ạ”.
Dòng chia sẻ và đoạn clip gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Ngay sau khi bài viết cùng đoạn clip này được đưa lên mạng xã hội đã nhận được 7.000 lượt "like" và gần 12.000 lượt chia sẻ.
Rất nhiều tranh cãi đã xảy ra, trong đó nhiều ý kiến cho rằng đã từng áp dụng những bài thuốc tương tự và thấy có hiệu quả. Tuy nhiên, không ít người nghi ngờ bài thuốc này và cho rằng đó chỉ là trò lừa đảo.
Dân mạng bán tín bán nghi.
Trước thông tin trên, trao đổi với phóng viên, BS Bùi Thị Thanh Phong (Bệnh viện đa khoa Sơn Tây – Hà Nội) người đã có gần 30 kinh nghiệm trong việc chăm sóc và điều trị răng khẳng định: “Tôi đã từng được nghe nhiều về việc bắt con sâu răng từ miệng ra ngoài. Nhưng đây chỉ là trò lừa đảo”.
Theo bà Phong, sâu răng là một bệnh lý thường gặp ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân là do vấn đề vệ sinh răng miệng không được đảm bảo. “Sâu răng là tên gọi đã được sử dụng từ lâu, nhằm chỉ việc đau răng khi bị vi khuẩn tấn công. Chứ không hề có con sâu nào khu trú trong răng cả”, bà Phong nói.
Cũng theo vị bác sĩ này, thông thường khi ăn những thức ăn bám vào bề ngoài men răng, nếu không vệ sinh sạch sẽ nó sẽ ăn mòn men răng. Sau đó, vi khuẩn tiếp tục tấn công vào lớp ngà và cuối cùng là vào tủy.
“Khi vi khuẩn tấn công vào tủy, mọi người sẽ cảm thấy đau vì ở tủy có nhiều mạch máu và dây thần kinh. Chỉ khi bị vi khuẩn tấn công vào tủy mọi người mới đến gặp bác sĩ để thăm khám và thường gọi là sâu răng”, BS Phong nói.
Để đề phòng sâu răng, BS Phong cho rằng, đánh răng sạch sẽ đúng quy cách là biện pháp an toàn nhất. Ngoài ra, mọi người nên khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần, để giúp phát hiện sớm sâu răng.
“Nếu phát hiện sâu ở phía ngoài (lớp men, lớp ngà) thì chúng tôi khuyên người bệnh nên hàn răng. Còn khi sâu răng đã vào đến tủy thì cần phải điều trị và dùng thuốc theo đúng phác đồ của bác sĩ”, BS Phong khuyến cáo.