Sau khi ăn tối no nê, Nga chợt nghĩ mình phải giảm cân. Để móc được số thức ăn đã vào dạ dày, Nga vừa đánh răng vừa lấy bàn chải đánh răng đưa vào thực quản. Chưa móc được thức ăn ra, chiếc bàn chải đã chui vào dạ dày.
Thạc sĩ Chu Nhật Minh - Phó trưởng Khoa Nội soi, Bệnh viện Việt Đức chia sẻ với chúng tôi về trường hợp của một nữ bệnh nhân tên Nguyễn Thị Hòa trú tại Hoàng Mai, Hà Nội. Hòa đã nuốt chiếc bàn chải đánh răng vào trong bụng.
Theo như lời Hòa kể, cô luôn tự ti vì chiều cao khiêm tốn, chiều rộng đẫy đà. Hòa thực hiện ăn kiêng để mong giảm cân. Bữa tối, hầu như Hòa không dám ăn gì.
Vào hôm nhà có tiệc, mẹ Hòa sắp rất nhiều đồ ăn ngon. Cô quên đi lời hứa ăn kiêng của mình, trót ăn rất nhiều thực phẩm gây béo. Đến tối, Hòa nghĩ lại những gì mình đã ăn có thể hỏng bét kế hoạch ăn kiêng cô đã triển khai gần một tháng nay. Hòa nghĩ ra cách móc hết số thức ăn ở trong dạ dày.
Vào nhà vệ sinh đánh răng xong, Hòa lấy chiếc bàn chải đánh răng đưa vào trong cổ họng. Khi cô đang đưa chiếc bàn chải vào ngoáy gây buồn nôn thì mẹ Hòa gọi nhanh khiến cô giật mình. Quên chiếc bàn chải trong họng, Hòa nuốt chửng chiếc bàn chải vào thực quản rồi xuống dạ dày.
Chiếc bàn chải được gắp ra từ dạ dày của Hòa
Ngày sau đó, gia đình Hòa đã đưa con vào thẳng bệnh viện Việt Đức. Các bác sĩ khoa Nội soi đã tiến hành dùng phương pháp nội soi để lấy chiếc bàn chải ra ngoài. Khi gắp xong chiếc bàn chải, Hòa còn thấy lạ vì chiếc bàn chải to và dài như thế lại chui vào trong bụng của mình được.
Bác sĩ Minh cho biết bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng hoảng loạn. Qua chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ xác định chiếc bàn chải đã đi qua thực quản và chui hẳn xuống dạ dày. May cho bệnh nhân chiếc bàn chải nằm theo chiều dọc nên bác sĩ đã dùng pince gắp dị vật của nội soi để đưa dị vật ra khỏi dạ dày.
Nuốt cặp tóc vào bụng
Trong các thói quen nguy hiểm của chị em phụ nữ, bác sĩ Minh đưa ra dẫn chứng về việc hóc cặp tóc. Chị em có thói quen ngậm cặp tóc còn tay thì chỉnh kiểu tóc. Chính thói quen đó dẫn đến việc hóc cặp tóc xảy ra rất nhiều ở phụ nữ.
Trường hợp bệnh nhân Bùi Thị Dung trú tại Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội là điển hình. Chị Dung có thói quen dùng miệng giữ cặp tóc để buộc tóc. Do bất cẩn, chị Dung đã nuốt phải chiếc cặp tóc.
Sau khi nuốt phải cặp tóc, gia đình chị Dung còn đi chữa mẹo nhưng chiếc cặp vẫn dắt ở thực quản khiến chị Dung có cảm giác nghẹn và không ăn được. Ngay sau đó, gia đình có người quen làm bác sĩ giới thiệu chị Dung vào khoa Nội soi để gắp chiếc cặp tóc.
Nhớ đến ca gắp cặp tóc của chị Dung, bác sĩ Minh kể: Tôi vừa lấy được chiếc cặp tóc ra ngoài, bệnh nhân ngồi dậy bình thường đã thấy chị ấy ngậm một chiếc cặp vào miệng gần giống chiếc cặp vừa gắp ra. Tôi gọi chồng chị lại bảo "Anh xem vợ anh vừa được lấy dị vật ra lại đưa thêm dị vật vào miệng nữa".
Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân có thói quen ngậm tăm sau bữa ăn. Anh bệnh nhân này có thể vừa ngậm tăm vừa uống nước. Một lần, anh ta sơ ý nuốt cả chiếc tăm vào dạ dày. Sau đó chiếc tăm đi xuống tá tràng và ruột non.
Chiếc tăm dài 5 cm làm thủng đoạn đầu của ruột non và tạo nên một khối áp-xe trong ổ bụng, khiến ông Đạt liên tục bị đau bụng và sốt cao.
Để hóc những dị vật như đinh hay cặp tóc là do thói quen của mọi người. Bác sĩ Minh khuyến cáo người bệnh nên bỏ thói quen ngậm linh tinh vào miệng.
Thói quen này sẽ nguy hiểm nếu vô tình bạn ho, giật mình cũng có thể làm dị vật đi vào thực quản. Dị vật vào thực quản còn có thể cứu được chứ dị vật rơi vào đường khí quản thì nguy cơ tử vong rất cao do thiếu ô xy.
(Tên nhân vật đã thay đổi)